KINH NGHIỆM QUẢN LÝ HÀNG GIA CÔNG, SẢN XUẤT XUẤT KHẨU TẠI HẢI QUAN ĐỒNG NAI

Với đặc thù địa bàn có số lượng doanh nghiệp hoạt động theo hình thức gia công, sản xuất xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn, Cục Hải quan Đồng Nai đã có nhiều kinh nghiệm hay, mang lại hiệu quả tích cực trong công tác quản lý giám sát đối với loại hình này.
Hoạt động giám sát trực tuyến đã giúp Cục Hải quan Đồng Nai nhận diện sớm nhiều dấu hiệu nghi vấn, qua đó giám sát chặt chẽ hàng hóa xuất nhập khẩu. Ảnh: N.H
Hoạt động giám sát trực tuyến đã giúp Cục Hải quan Đồng Nai nhận diện sớm nhiều dấu hiệu nghi vấn, qua đó giám sát chặt chẽ hàng hóa xuất nhập khẩu. Ảnh: N.H

Theo số liệu của Cục Hải quan Đồng Nai, hiện đơn vị đang quản lý 729 doanh nghiệp hoạt động theo hình thức gia công và sản xuất xuất khẩu.

Với số lượng lớn như vậy, để đảm bảo hiệu quả của công tác quản lý, giám sát, ban lãnh đạo Cục Hải quan tỉnh Đồng Nai thường xuyên chỉ đạo đến các Chi cục quán triệt công chức phải nắm rõ doanh nghiệp ngay từ khi đăng ký giấy phép đầu tư với các vấn đề có liên quan như địa bàn, tình hình hoạt động, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đồng thời thường xuyên tuần tra, kiểm soát, nắm chắc thông tin của doanh nghiệp để có biện pháp phù hợp khi có biến động bất thường như kim ngạch xuất nhập khẩu, tờ khai tăng giảm đột biến, doanh nghiệp dừng đăng ký tờ khai…

Đối với việc xử lý nguyên liệu, vật tư dư thừa; phế liệu, phế thải, phế phẩm; máy móc thiết bị thuê, mượn, Chi cục chủ động hướng dẫn doanh nghiệp về hồ sơ, thủ tục hải quan để thực hiện xử lý theo đúng quy định tại Điều 64 Thông tư số 38/2015/TT-BTC, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 42 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC. Chi cục cũng nắm rõ năm tài chính của từng doanh nghiệp để đôn đốc, nhắc nhở bằng nhiều biện pháp: chủ động liên hệ qua điện thoại, trao đổi trực tiếp, gửi công văn… để đôn đốc doanh nghiệp lập và nộp báo cáo quyết toán đúng thời hạn.

Công chức được giao quản lý từng doanh nghiệp có trách nhiệm thu thập thông tin chấp hành pháp luật của doanh nghiệp trong quá trình làm thủ tục hải quan và các nguồn thông tin khác từ các lực lượng chức năng để kết hợp với dữ liệu được khai thác từ các chương trình nghiệp vụ để phân tích, đánh giá; nếu đủ căn cứ sẽ đưa vào danh sách doanh nghiệp có rủi ro để đề xuất kiểm tra báo cáo quyết toán, khi triển khai kiểm tra thực tế đạt kết quả.

Ngoài ra, Cục Hải quan Đồng Nai cũng chú trọng nâng cao hiệu quả công tác thu thập thông tin hàng quý để phân tích, đánh giá tình hình hoạt động của các doanh nghiệp gia công, sản xuất xuất khẩu trên địa bàn để kịp thời phát hiện các doanh nghiệp có nguy cơ, rủi ro, giải thể, bỏ trốn… Định kỳ hàng năm, đơn vị có kế hoạch kiểm tra sau thông quan, kiểm tra báo cáo quyết toán đối với loại hình gia công, sản xuất xuất khẩu.

Đặc biệt, công tác trao đổi thông tin, tháo gỡ khó khăn giữa doanh nghiệp và cơ quan hải quan được thực hiện thường xuyên, liên tục qua các Hội nghị đối thoại doanh nghiệp cấp Chi cục và cấp Cục; qua văn bản trực tiếp từ các doanh nghiệp; website tư vấn thủ tục doanh nghiệp. Đơn vị cũng thường xuyên triển khai các giải pháp tạo thuận lợi, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thông qua việc bố trí công chức có kinh nghiệm, trình độ chuyên môn nghiệp vụ sâu trong tổ chuyên gia tư vấn, hỗ trợ, cung cấp thông tin cho người khai hải quan và quản lý doanh nghiệp.

Nhờ đó, việc chấp hành pháp luật hải quan của các doanh nghiệp gia công, sản xuất xuất khẩu, trên địa bàn tương đối tốt. Các doanh nghiệp cũng có mối quan hệ tốt với cơ quan Hải quan, do đó, công tác trao đổi thông tin, tháo gỡ khó khăn giữa doanh nghiệp và cơ quan hải quan gặp rất nhiều thuận lợi.

Cụ thể, các vi phạm bị phát hiện trong lĩnh vực này tại Cục Hải quan Đồng Nai cũng không đáng kể, đa phần là các vi phạm về khai báo như khai sai tên hàng, xuất xứ của hàng hóa xuất khẩu thuộc đối tượng miễn thuế, không chịu thuế; khai sai so với thực tế về trị giá hải quan hàng hóa nhập khẩu thuộc đối tượng miễn thuế, không chịu thuế quá thời hạn quy định. Bên cạnh đó là các vi phạm quy định về quản lý nguyên liệu dẫn đến thực tế tồn kho thiếu so với chứng từ kế toán, sổ kế toán, hồ sơ hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; không nộp báo cáo quyết toán đúng thời hạn quy định; lập báo cáo quyết toán không đúng so với sổ, chứng từ kế toán, tờ khai hải quan… Theo thống kê, trong quý 3/2023, số vụ vi phạm bị phát hiện về gia công, sản xuất xuất khẩu tại Cục Hải quan Đồng Nai là 67 vụ với tổng số tiền phạt là 4,74 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo Cục Hải quan Đồng Nai, công tác quản lý, giám sát đối với hàng hóa gia công, sản xuất xuất khẩu tại đơn vị hiện đang gặp một số khó khăn. Cụ thể, trên hệ thống hải quan điện tử hiện chưa có chức năng kết xuất dữ liệu báo cáo quyết toán, nên khi doanh nghiệp truyền báo cáo quyết toán, công chức phải thực hiện thủ công bằng cách copy từng dòng trong báo cáo quyết toán của doanh nghiệp truyền trên hệ thống. Đối với những doanh nghiệp có phát sinh số lượng tờ khai lớn, công việc này tốn rất nhiều thời gian và công sức, vì vậy việc đối chiếu dữ liệu sẽ kém hiệu quả.

Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp ngày càng tăng, lượng hàng hóa phát sinh ngày càng nhiều. Vì vậy, Cục Hải quan Đồng Nai kiến nghị được bổ sung thêm công chức để thực hiện quản lý doanh nghiệp chặt chẽ. Cùng với đó, cần bổ sung phần mềm tiếp nhận báo cáo quyết toán (chương trình gia công, sản xuất xuất khẩu), bổ sung chức năng kết xuất ra Excel đối với tất cả báo cáo quyết toán doanh nghiệp đã truyền trên chương trình gia công, sản xuất xuất khẩu.

NGUỒN: BÁO HẢI QUAN

0913575247 Mr Đức ducnvtk4@gmail.com