Đại lý làm thủ tục hải quan cần có chính sách ưu đãi nổi bật

Là một dịch vụ trong chuỗi dịch vụ cung ứng của ngành logictics, hoạt động ĐLTTHQ cần có “điểm tựa” nào để phát triển, đặc biệt trong bối cảnh mới đây, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 200/QĐ-TTg về việc phê duyệt kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logictics Việt Nam đến năm 2025? Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Hải quan phỏng vấn ông Đặng Vũ Thành  – Phó Chủ tịch Hiệp hội DN dịch vụ logictics Việt Nam (VLA).

Theo ông, hoạt động ĐLTTHQ hiện nay đã có đủ điều kiện để phát triển hay chưa?

Theo thông tin của VLA thu nhận được thì dù số lượng ĐLTTHQ trong thời gian qua đã tăng đáng kể, tuy nhiên, thực tế số tờ khai thực hiện qua ĐLTTHQ chỉ chiếm dưới 10%; chủ hàng thường không quan tâm đến ký kết các hợp đồng đại lý hải quan khá phổ biến. Trong khi đó tại các nước tiên tiến như Hàn Quốc, Nhật Bản tỉ lệ này chiếm tới 90 – 95%.

Vậy tại sao có thực trạng này và chúng ta sẽ phải làm gì? Hiện nay, điều kiện trở thành ĐLTTHQ khá thuận lợi và dễ dàng, chỉ cần có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; có nhân viên ĐLTTHQ; có hạ tầng CNTT đáp ứng việc khai hải quan điện tử. Về nhân viên ĐLTTHQ chỉ cần có trình độ cao đẳng kinh tế, kỹ thuật trở lên; có chứng chỉ; có mã số nhân viên ĐLTTHQ. Đây là lý do vì sao thời gian qua số lượng ĐLTTHQ tăng.

Ở các nước phát triển, các DN chủ hàng chủ yếu thuê các ĐLTTHQ thực hiện thủ tục hải quan, theo ông tại sao các DN Việt Nam vẫn khá thờ ơ với việc thuê các ĐLTTHQ thay mặt làm thủ tục hải quan?

Như tôi đã nói ở trên, điều kiện trở thành ĐLTTHQ hiện nay khá dễ dàng là một trong những nguyên nhân khiến cho số lượng ĐLTTHQ tăng đáng kể trong thời gian qua. Tuy nhiên, xét ở khía cảnh khác khi các điều kiện khá dễ dàng như vậy dẫn đến chất lượng không đồng đều, khó kiểm soát.

Bên cạnh đó, chính sách ưu tiên đối với DN ĐLTTHQ hiện nay cũng khá đơn giản, chưa có sự ưu tiên nổi bật đối với ĐLTTHQ. Theo quy định, khi là ĐLTTHQ, DN được hỗ trợ kỹ thuật trong việc kết nối mạng với cơ quan Hải quan; được hỗ trợ về thủ tục hải quan, thủ tục thuế; được cập nhật các quy định mới; tập huấn, bồi dưỡng pháp luật hải quan. Các quy định này hầu như không có tác dụng lớn đối với các ĐLTTHQ, vì không khác gì lắm so với các DN không phải là đại lý.

Theo phản hồi của các thành viên hiệp hội thì các chính sách này chưa có ưu đãi thực sự trong quy trình, thủ tục so với các DN XNK và so với các DN không phải là ĐLTTHQ. Bên cạnh đó, chính sách đào tạo nhận lực, cơ chế mở rộng phạm vi dịch vụ, cơ chế đảm bảo tài chính chưa rõ ràng. Từ góc độ chính sách, tôi cho rằng, ĐLTTHQ nếu thực hiện theo đúng hợp đồng khi ký trên tờ khai thì trách nhiệm sẽ lớn hơn, tuy nhiên hiện nay hầu như không có bất kỳ sự khác biệt giữa ĐLTTHQ và DN khai thuê không phải là đại lý. Như vậy nếu hiểu theo cách đơn giản thì cái gì đơn giản, rẻ, nhanh DN XNK sẽ làm. Điều này phần nào giải thích cho thực trạng hiện nay.

Công chức Chi cục Hải quan cảng Nghệ An kiểm tra hàng NK. Ảnh: H.NỤ

Theo ông, để phát triển hoạt động dịch vụ ĐLTTHQ theo đúng nghĩa, cần có giải pháp gì?

Theo tôi cần có chính sách rõ ràng hơn về hình ảnh, hoạt động, đào tạo, cơ chế trao đổi thông tin với ĐLTTHQ. Theo đó, cần chuẩn hóa công tác đào tạo nhân viên ĐLTTHQ và xem xét khả năng bắt buộc ĐLTTHQ phải có bảo hiểm trách nhiệm đối với việc khai báo hải quan.

Cơ quan Hải quan cũng nên xem xét khả tăng tái lập cửa làm thủ tục hải quan riêng cho ĐLTTHQ; phối hợp quảng bá, tuyên truyền và thông tin rộng rãi vai trò ĐLTTHQ đến các chủ hàng, nhà XNK, ngành hàng… Đồng thời, có cơ chế đánh giá hoạt động khen thưởng hàng năm. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, kết nối thông tin giữa các cơ quan liên quan như: Ngân hàng, Kho bạc, Thuế và đặc biệt là các cơ quan quản lý chuyên ngành..

Xây dựng tiêu chí để đánh giá các ĐLTTHQ, dựa trên tiêu chí đó sẽ quản lý ĐLTTHQ trên nguyên tắc quản lý rủi ro. Nếu DN đại lý đáp ứng tiêu chí tốt tỉ lệ phân luồng sẽ khác với DN xấu. Đồng thời, trong công tác kiểm tra sau thông quan nên có sự tham gia và là trách nhiệm của ĐLTTHQ.

Đặc biệt, chính sách ưu tiên đối với ĐLTTTHQ cần sớm có thay đổi, có lộ trình giảm số lượng 20.000 tờ khai không thông qua hợp đồng đại lý hải quan, đây là con số quá lớn, DN khó có thể đáp ứng được. Do vậy, cơ quan Hải quan nên xem xét quy định điều kiện ưu tiên đối với ĐLTTHQ nên tính tất cả các tờ khai mà đại lý thực hiện. Bên cạnh đó, cơ quan Hải quan nên xem xét thành lập nhóm công tác theo chủ đề ĐLTTHQ; thiết lập cơ chế giải quyết nhanh các vướng mắc cho ĐLTTHQ.

Với các giải pháp trên, VLA hướng đến mục tiêu đến năm 2020, sẽ có 50% hoạt động thông qua ĐLTTHQ, năm 2025, trên 90% hoạt động thông quan thực hiện qua ĐLTTHQ.

Xin cảm ơn ông!

Ông Nguyễn Đức Chính, Giám đốc Cung ứng toàn quốc, Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Kinh Bắc: Doanh nghiệp muốn chủ động

Hiện nay, DN đã có đội ngũ nhân viên, phòng ban chuyên thực hiện các hoạt động, thủ tục XNK nên không cần phải đi thuê ngoài. Hơn nữa, các thủ tục liên quan tới thông quan, hải quan, XNK đều đã được rút gọn, sử dụng phần mềm chuyên dụng, tự động và tin học hóa nên rất thuận tiện cho DN. Do đó, nhiều DN đã tự đầu tư đội ngũ để tiết kiệm chi phí và chủ động hơn trong công việc.

Với việc sử dụng ĐLTTHQ, thông thường, nếu DN có NK một lô hàng lớn, cần trong thời gian ngắn mới ký hợp đồng thực hiện. Bởi các ĐLTTHQ thường có đội ngũ nhân viên chuyên sâu hơn, lại được cơ quan quản lý về hải quan, XNK tạo điều kiện “ưu ái” nên thực hiện nhanh hơn. Về chi phí, dịch vụ ĐLTTHQ không có chi phí cao, tùy thuộc độ khó và thời gian mong muốn của lô hàng, nhưng như trên đã nói, DN muốn chủ động nên phần lớn vẫn tự thực hiện.

Ông Nguyễn Minh Chính, Trưởng phòng Khai thuê hải quan, Công ty TNHH tiếp vận Thăng Long: Cần hạn chế đối tượng có thể khai hải quan

Hiện nay, số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ ĐLTTHQ của DN rất ít. Nếu như DN thực hiện khoảng 20.000 tờ khai trong một tháng thì chỉ có 8 tờ khai được dịch vụ ĐLTTHQ thực hiện trong một quý. Trong khi rõ ràng, dịch vụ ĐLTTHQ có rất nhiều ưu điểm, tạo thuận lợi cho DN, được các DN khắp thế giới sử dụng nhưng tại Việt Nam, nhận thức của DN về lợi thế của ĐLTTHQ còn hạn chế, DN chưa quen sử dụng.

Chính vì thế, DN hiện nay chủ yếu cung cấp dịch vụ khai thuê hải quan cho DN. Trong khi với hình thức này, các DN XNK và DN logistics đều phải tốn thêm nhiều thủ tục. Theo đó, DN logistics phải có giấy ủy quyền, giấy giới thiệu của DN, sau khi khai thuê lại phải đi trình ký với đại diện DN, đi xin con dấu, chữ ký số… rất phức tạp, bởi DN XNK không tin tưởng để giao chữ ký số cho DN logistics.

Do vậy, để tạo thuận lợi cho hoạt động của ĐLTTHQ, tôi mong muốn các DN cần nâng cao nhận thức, kiến thức về những ưu điểm, lợi ích khi sử dụng. Ngoài ra, trong quy định của pháp luật nên có cơ chế để tạo thuận lợi cho ĐLTTHQ hoạt động. Tiêu biểu như hạn chế về điều kiện người được khai báo hải quan, hiện nay theo quy định là không hạn chế nên DN có thể tự làm hoặc thuê làm. Nếu quy định siết chặt hơn với điều kiện người khai hải quan phải có chứng chỉ, giấy phép hoạt động… thì sẽ tạo điều kiện cho ĐLTTHQ hoạt động, DN buộc phải thông qua ĐLTTHQ để thực hiện khai hải quan. Bên cạnh đó, hoạt động của ĐLTTHQ nên có cơ chế gắn với các DN ưu tiên, khuyến khích DN ưu tiên thực hiện thủ tục thông quan qua ĐLTTHQ.

H.Dịu (ghi)

NGUỒN: BÁO HẢI QUAN

0913575247 Mr Đức ducnvtk4@gmail.com