Chuyển giao nguyên liệu, vật tư trong quá trình thực hiện hợp đồng gia công

Trao đổi về chuyển giao nguyên liệu, vật tư trong quá trình thực hiện hợp đồng gia công. Mời các cao thủ Gia công.

Nhân dịp bạn Thom Bui có thắc mắc hỏi về việc Chuyển NPL trong quá trình thực hiện hợp đồng gia công sang hợp đồng gia công khác (khác đối tác nhận gia công) thì mở theo loại hình B13 hay E54. Mặc dù đây là vấn đề rất đơn giản, rất sơ đẳng và cơ bản nhưng lại rất nhiều bạn cả phía HQ và DN lại có những hướng dẫn và cách làm trái chiều.
Để các bạn cùng hiểu rõ hơn về vấn đề này tôi sẽ cùng các bạn phân tích, mổ xẻ để cùng nhau thực hiện đúng quy định. (Chúng ta là những người thực hiện pháp luật nên việc chúng ta thực hiện phải hiểu và biết nó được quy định tại văn bản nào, không nói vu vơ, nói theo kiểu em nghĩ là, em cho là mà em lại không biết nó quy định ở đâu).

1. Trước tiên chúng ta phải thống nhất đây là việc Nhận gia công cho thương nhân nước ngoài và được quy đinh tại Điều 28 tới Điều 36 Nghị định 187/2013/NĐ-CP. Còn về vấn đề thủ tục đối với hàng gia công thì được quy định tại Thông tư 38/2015/TT-BTC. Về mã loại hình XNK trên Hệ thống VNACCS thì được quy định tại CV 2765/TCHQ-GSQL. Vì đây là vấn đề loại hình liên quan đến thủ tục nên không liên quan đến Nghị định 134/2016/NĐ-CP.
2. Về mã loại hình tại CV 2765 có quy định rõ:
– Mã B13: Xuất khẩu hàng đã nhập khẩu. Sử dụng trong trường hợp: Hàng hóa là nguyên phụ liệu dư thừa của hợp đồng gia công xuất trả bên đặt gia công ở nước ngoài; Trường hợp này sẽ áp dụng đối với NPL dư thừa hoặc, NPL lỗi, hỏng bên thuê gia công chỉ định tái xuất cho các đối tác khác mà không liên quan đến hợp đồng gia công.
– Mã E54: Xuất nguyên liệu gia công từ hợp đồng này sang hợp đồng khác. Sử dụng trong trường hợp chuyển nguyên liệu, vật tư từ hợp đồng này sang hợp đồng khác, không bao gồm việc chuyển thiết bị, máy móc (thiết bị máy móc khai báo theo chế độ tạm, khi chuyển sử dụng G23). Lưu ý: Trường hợp này phải khai các chỉ tiêu thông tin về XNK tại chỗ như mã điểm đích vận chuyển bảo thuế và chỉ tiêu số quản lý nội bộ. Trường hợp này sẽ sử dụng trong trường hợp chuyển NPL sang hợp đồng gia công khác (không phân biệt cùng đối tác nhận gia công hay khác, không phân biệt hợp đồng gia công đang hoạt động hay đã kết thúc).
3. Về thủ tục hải quan xử lý nguyên liệu, vật tư dư thừa; phế liệu, phế phẩm; máy móc, thiết bị thuê, mượn… được quy định rõ tại Điều 64 Thông tư 38/2015/TT-BTC trong đó quy định rõ về Thủ tục tái xuất NPL và Thủ tục chuyển NPL
– Thủ tục hải quan xuất trả nguyên liệu, vật tư… quy định tại Điểm b, Khoản 3, Điều 64 Thông tư 38/2015/TT-BTC (Tương ứng mã loại hình B13)
– Thủ tục hải quan chuyển nguyên liệu, vật tư;máy móc, thiết bị thuê, mượn theo chỉ định của bên đặt gia công sang hợp đồng gia công khác cùng hoặc khác đối tác nhận, đặt gia công trong quá trình thực hiện hợp đồng gia công hoặc khi hợp đồng gia công kết thúc, hết hiệu lực, thực hiện theo thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ quy định tại Điều 86 Thông tư này; quy định tại Điểm c, Khoản 3, Điều 64 Thông tư 38/2015/TT-BTC (Tương ứng mã loại hình E54)
4. Như vậy trường hợp của bạn Thom Bui hỏi trên là trường hợp Chuyển nguyên liệu, vật tư theo chỉ định của bên đặt gia công sang hợp đồng gia công khác, khác đối tác nhận gia công trong quá trình thực hiện hợp đồng gia công. Đối chiếu với điểm 6, phần II Mã loại hình xuất khẩu CV 2765 và Điểm c, Khoản 3, Điều 64 Thông tư 38/2015/TT-BTC thì đây là thủ tục chuyển nguyên liệu vật tư sang hợp đồng gia công khác tương ứng với mã loại hình là E54.

NGUỒN: Group Giải đáp thủ tục Hải quan

0913575247 Mr Đức ducnvtk4@gmail.com