GIẢ MẠO XUẤT XỨ VÀ KHAI SAI XUẤT XỨ HÀNG HÓA TRÊN TỜ KHAI HẢI QUAN.

Bài viết này chỉ là quan điểm của tác giả.
Trúc Nhân, một giọng ca có thực lực, và một trong những bài hát của anh rất nổi tiếng là: Thật Bất Ngờ.
Trong một kỳ kiểm tra sau thông quan, tại một doanh nghiệp nước ngoài, một đoàn kiểm tra sau thông quan đã đưa cho doanh nghiệp một kết quả cũng thật bất ngờ: Phạt xxx tỷ cho hành vi làm giả xuất xứ quy định tại điều 17 Nghị định 128/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020.
Kết quả mang tính bất ngờ này, nguyên nhân bắt nguồn từ việc doanh nghiệp khai xuất xứ Việt Nam cho hàng hóa xuất khẩu, tất cả các tờ khai nói trên, không xin chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C.O).
Qua đánh giá của Hải quan, sản phẩm này là một quá trình gia công đơn giản, không đáp ứng được các tiêu chí C.O đo đó khai xuất xứ Việt Nam trên tờ khai xuất khẩu là gian lận xuất xứ.
Theo quan điểm của tôi, đồng thời là quan điểm của doanh nghiệp, đây chỉ là hành vi khai sai xuất xứ và chỉ bị phạt vi phạm hành chính theo khoản 3 điều 8 Nghị định 128/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 tuy nhiên ý kiến của cơ quan Hải quan lại khác. Vậy bản chất của vấn đề này thế nào, chúng ta cùng phân tích.
1. Các văn bản hướng dẫn về xác định xuất xứ của hàng hóa
Đầu tiên, đi xét các văn bản luật, áp dụng văn bản luật gần nhất bởi nó có tính pháp lý cao nhất (trừ hiến pháp) và được ban hành sau (Khoản 3 điều 156 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 80/2015/QH13 ngày 22 tháng 06 năm 2015).
Tại mục 4 Luật quản lý ngoại thương số 05/2017/QH14 ngày 12 tháng 06 năm 2017, quy định tại các điều:
– Điều 32: Biện pháp chứng nhận xuất xứ hàng hóa;
– Điều 33: Áp dụng biện pháp chứng nhận xuất xứ hàng hóa;
– Điều 34: Thẩm quyền áp dụng biện pháp chứng nhận xuất xứ hàng hóa;
– Điều 35: Kiểm tra xuất xứ hàng hóa.
Văn bản quy định chi tiết:
– Nghị định 31/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 03 năm 2018.
– Thông tư 39/2018/TT-BCT ngày 30 tháng 10 năm 2018.
2. Các văn bản quy định phạt vi phạm hành chính về xuất xứ hàng hóa
– Điều 44 Nghị định 98/2020/NĐ-CP ngày 26 tháng 04 năm 2020;
– Nghị định 17/2022/NĐ-CP ngày 31 tháng 1 năm 2022 sửa đổi bổ sung 1 số điều của Nghị định 98/2020/NĐ-CP ngày 26 tháng 04 năm 2020.
– Điều 17 Nghị định 128/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020;
– Khoản 3 điều 8 Nghị định 128/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020;
– Thông tư 65/2022/TT-BTC ngày 02 tháng 11 năm 2023 về cách tính truy thu lợi nhuận phi pháp có được.
3. Phân tích về quy định xử phạt
Tại điều 44 Nghị định 98/2020/NĐ-CP ngày 26 tháng 04 năm 2020 và khoản 30 điều 3 Nghị định 17/2022/NĐ-CP ngày 31 tháng 1 năm 2022 quy định các hành vi sau về xuất xứ hàng hóa:
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa hoặc chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa hoặc văn bản chấp thuận tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa được cơ quan có thẩm quyền cấp.
2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi cung cấp các tài liệu, chứng từ không đúng sự thật với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khi đề nghị cấp hoặc xác minh Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
3. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Tự chứng nhận sai xuất xứ hàng hóa khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận cho tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa;
b) Làm giả Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa hoặc chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong trường hợp không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
c) Cung cấp các tài liệu, chứng từ không đúng sự thật với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khi đề nghị được tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa hoặc xác minh chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
4. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa hoặc chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa giả trong trường hợp không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
5. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này.
6. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính quy định tại điểm a và điểm b khoản 3, khoản 4 Điều này;
b) Buộc nộp lại Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa hoặc văn bản chấp thuận tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung cho cơ quan, người có thẩm quyền đã cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, văn bản chấp thuận tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này.”
Tại điều 17 Nghị định 128/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 quy định như sau:
Điều 17 Xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh tạm nhập, tái xuất, quá cảnh, chuyển khẩu hàng hóa giả mạo xuất xứ Việt Nam.
1.Xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh tạm nhập, tái xuất, quá cảnh, chuyển khẩu hàng hóa giả mạo xuất xứ Việt Nam thì bị xử phạt như sau:
a) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp tang vật vi phạm có trị giá dưới 30.000.000 đồng;
b) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp tang vật vi phạm có trị giá từ 30.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;
c) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng trong trường hợp tang vật vi phạm có trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 70.000.000 đồng;
d) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng trong trường hợp tang vật vi phạm có trị giá từ 70.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
đ) Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng trong trường hợp tang vật vi phạm có trị giá từ 100.000.000 đồng trở lên.
2. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tịch thu tang vật vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này, trừ tang vật vi phạm bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm a khoản 3 Điều này.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc tiêu hủy tang vật vi phạm hành chính là hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hóa phẩm có nội dung độc hại đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này;
b) Buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định của pháp luật đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này.”
Đánh giá:
Như vậy 2 văn bản này cùng do chính phủ ban hành. Đối với Nghị định 128/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 được ban hành sau so với Nghị định 98/2020/NĐ-CP ngày 26 tháng 04 năm 2020. Nếu đây là một vấn đề thì áp dụng văn bản Nghị định 128/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 căn cứ theo khoản 3 điều 156 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 80/2015/QH13 ngày 22 tháng 06 năm 2015. Nếu áp dụng cả hai văn bản thì lại vi phạm quy định về một hành vi chỉ xử phạt một lần quy định lại luật xử lý vi phạm hành chính.
Tuy nhiên, thực chất đây là hai vấn đề khác nhau, tại Nghị định 98/2020/NĐ-CP ngày 26 tháng 04 năm 2020 quy định về hành vi làm giả, tự chứng minh, cung cấp dữ liệu, hồ sơ … không chính xác về vấn đề xuất xứ hàng hóa, tại Nghị định 128/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 là xử phạt cho hành vi xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa giả mạo xuất xứ. Để rõ ràng hơn ta thấy thẩm quyền xác định xuất xứ hàng hóa và phương thức xác định xuất xứ hàng hóa thì thuộc thẩm quyền của bộ công thương. Còn việc xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa giả mạo thì của cơ quan Hải quan.
Như vậy, để xác định hành vi giả mạo xuất xứ ta cần tham chiếu theo Nghị định 98/2020/NĐ-CP ngày 26 tháng 04 năm 2020. Các bước xác minh thực hiện theo Thông tư 39/2018/TT-BCT ngày 30 tháng 10 năm 2018.
Theo Thông tư 39/2018/TT-BCT ngày 30 tháng 10 năm 2018 và Nghị định 98/2020/NĐ-CP ngày 26 tháng 04 năm 2020 không có hành vi nào là khai sai xuất xứ hàng hóa trên tờ khai Hải quan là hành vi giả mạo, gian lận xuất xứ.
4. Kết luận
Như vậy hành vi khai báo trên tờ khai Hải quan (Không có C.O) không phải là hành vi giả mạo xuất xứ theo quy định của pháp luật do đó chỉ xử phạt vi phạm hành chính theo khoản 3 điều 8 Nghị định 128/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020.
Mức xử phạt: “Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi khai sai so với thực tế về lượng (tang vật có trị giá trên 10.000.000 đồng), tên hàng, chủng loại, chất lượng, trị giá hải quan, xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc đối tượng miễn thuế, đối tượng không chịu thuế theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 và điểm d khoản 4 Điều này
Đây là hành vi được quy định là tình tiết tăng nặng, chỉ xử phạt theo 01 hành vi, không xử phạt theo từng hành vi (Từng tờ khai) theo quy định tại điều 2 Nghị định 102/2021/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2021. Do đó chỉ xử phạt 1 lần, mức phạt kịch khung là 5.000.000 đ (vi phạm nhiều lần)
Nguồn: Anh Phạm Thành Nam
0913575247 Mr Đức ducnvtk4@gmail.com