Tài liệu Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp Hàn Quốc năm 2016

TÀI LIỆU HỘI NGHỊ ĐỐI THOẠI VỚI DOANH NGHIỆP HÀN QUỐC NĂM 2016

(Phần liên quan đến lĩnh vực Hải quan) 

Phần A: 

 NHỮNG CHÍNH SÁCH MỚI VỀ PHÁP LUẬT

HẢI QUAN TỪ THÁNG 9/2015 ĐẾN NAY

 

Kể từ sau Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp Hàn Quốc năm 2015, Bộ Tài chính đã ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành mới, thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật về hải quan hướng đến các mục tiêu:

– Đổi mới toàn diện hơn về phương thức quản lý và chính sách thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế theo hướng ổn định, công khai, minh bạch, tạo môi trường kinh tế lành mạnh; phù hợp với các cam kết quốc tế và điều ước quốc tế về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

– Hoàn thiện cơ sở pháp lý để triển khai Cơ chế một cửa quốc gia nhằm giảm thời gian thông quan, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, phù hợp với sự phát triển của thương mại quốc tế.

– Tiếp tục cải cách thủ tục hải quan theo hướng công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

  1. Các quy định mới về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu:
  2. Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13

Ngày 06/4/2016, Quốc hội đã thông qua Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu số 107/2016/QH13, có hiệu lực từ ngày 01/9/2016 và thay thế Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 45/2005/QH11.

Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 2016 có sửa đổi, bổ sung một số nội dung để đảm bảo phù hợp với định hướng phát triển của đất nước, phù hợp với các cam kết quốc tế; thống nhất với các văn bản pháp luật liên quan, đồng thời nhằm cải cách thủ tục hành chính cho người nộp thuế, cụ thể:

1.1.  Nhóm vấn đề sửa đổi, bổ sung để khuyến khích phát triển và bảo hộ hợp lý sản xuất kinh doanh trong nước phù hợp định hướng phát triển của Đảng, Nhà nước và các cam kết quốc tế đã ký kết.

– Bổ sung một số nội dung quy định về thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, thuế tự vệ trên cơ sở kế thừa, nâng cấp một số quy định của các Pháp lệnh liên quan (Chương III, Điều 12 đến Điều 15 Luật). Việc đưa một số nội dung trước đây quy định trong Pháp lệnh vào Luật sẽ tạo sự rõ ràng, minh bạch trong quá trình hoàn thiện pháp luật Việt Nam, phù hợp với tinh thần Hiến pháp 2013 (Điều 70) là Quốc hội quy định các thứ thuế.

– Sửa đổi nguyên tắc ban hành Biểu thuế, thuế suất (Điều 10 Luật): Để phù hợp với các cam kết hội nhập, các định hướng phát triển kinh tế – xã hội của Nhà nước; góp phần thúc đẩy phát triển, bảo hộ hợp lý sản xuất trong nước;thúc đẩy cải cách hành chính, đơn giản hóa biểu thuế để tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh.

– Sửa đổi về thẩm quyền ban hành Biểu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và Biểu Khung thuế xuất khẩu (Điều 11 Luật):

+ Về thẩm quyền ban hành Biểu thuế:

Luật quy định theo hướng: (i) Danh mục nhóm hàng chịu thuế và khung thuế suất thuế xuất khẩu đối với từng nhóm hàng được quy định ngay trong Luật; (ii) Chính phủ quy định biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu đối với từng mặt hàng; quyết định Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan. Theo đó, Biểu khung thuế suất thuế xuất khẩu sẽ do Quốc hội ban hành, thay vì Ủy ban thường vụ Quốc hộinhư Luật hiện hành.

Việc nâng thẩm quyền quyết định ban hành các Biểu thuế cụ thể từ Bộ Tài chính lên Chính phủ nhằm phù hợp với thực tế và yêu cầu mới. Ngoài ra, để đảm bảo sự chủ động trong điều hành giá cả hàng hóa, nhu cầu sử dụng các loại tài nguyên, khoáng sản hiện nay, Luật có quy định giao thẩm quyền cho Ủy ban thường vụ Quốc Hội trong việc sửa đổi, bổ sung Khung thuế xuất khẩu trong trường hợp cần thiết (khoản 2, Điều 11 Luật).

+ Về khung thuế suất:

Luật không quy định Biểu khung thuế suất thuế nhập khẩu mà chỉ quy định Biểu khung thuế suất thuế xuất khẩu (chủ yếu là tài nguyên, khoáng sản). So với Biểu khung thuế suất thuế xuất khẩu ban hành theo Nghị quyết số 710/2008/NQ-UBTVQH12 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội, Luật chỉ điều chỉnh đối với hai nhóm hàng: Nhóm hàng phế liệu, phế thải kim loại theo cam kết cắt giảm với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và Nhóm hàng khác (thứ tự số 45 của Khung thuế suất thuế xuất khẩu) cho phù hợp với tình hình thực tiễn.

– Sửa đổi, bổ sung những quy định về ưu đãi thuế để khuyến khích phát triển sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, đẩy mạnh xã hội hóa.

+ Sửa đổi, bổ sung quy định về miễn thuế hàng nhập khẩu tạo tài sản cố định (TSCĐ) của dự án ưu đãi đầu tư (khoản 11, Điều 16 Luật) .

+ Bỏ quy định về miễn thuế đối với phương tiện vận chuyển đưa đón công nhân để khuyến khích sản xuất trong nước; đồng thời, quy định phương tiện vận tải chuyên dùng trong dây chuyền công nghệ được miễn thuế là loại sử dụng trực tiếp cho hoạt động sản xuất của dự án.

+ Miễn thuế đối với linh kiện, chi tiết, bộ phận rời, phụ tùng; nguyên liệu, vật tư dùng để chế tạo thiết bị, máy móc hoặc để chế tạo linh kiện, chi tiết, bộ phận rời, phụ tùng của máy móc, thiết bị của các dự án ưu đãi đầu tư để giải quyết các vướng mắc, bất cập phát sinh trong thực tế, khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ.

+ Sửa quy định về miễn thuế tạo tài sản cố định của dự án đầu tư bằng nguồn vốn ODA sang ưu đãi theo lĩnh vực và địa bàn đầu tư của các dự án được hưởng ưu đãi của Luật Đầu tư và các Luật chuyên ngành có liên quan để đảm bảo sự bình đẳng giữa các dự án đầu tư có cùng địa bàn, lĩnh vực nhưng sử dụng các nguồn vốn khác nhau.

+ Bỏ quy định về miễn thuế tạo tài sản cố định là trang thiết bị nhập khẩu lần đầu của dự án ưu đãi đầu tư vào một số lĩnh vực dịch vụ (khách sạn, sân gôn…) do Luật đầu tư mới không quy định các ngành nghề này là lĩnh vực ưu đãi đầu tư.

+ Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu kể từ ngày 01/9/2016, thuộc đối tượng chịu thuế  phải nộp thuế trước khi thông quan hoặc giải phóng hàng hoặc phải bảo lãnh trừ doanh nghiệp ưu tiên.

+ Nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất hàng hoá xuất khẩu; hàng hoá kinh doanh tạm nhập, tái xuất trong thời hạn tạm nhập, tái xuất (bao gồm cả thời gian gia hạn) được tổ chức tín dụng bảo lãnh hoặc đã đặt cọc 1 khoản tiền tương đương số tiền thuế nhập khẩu.

+ Bổ sung quy định về miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu là giống cây trồng; giống vật nuôi; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong nước chưa sản xuất được cần thiết nhập khẩu theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nhằm góp phần hỗ trợ lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp phát triển (khoản 12, Điều 16 Luật).

+ Sửa đổi, bổ sung quy định về ưu đãi thuế nhập khẩu đối với hàng hóa là nguyên liệu, vật tư, linh kiện cho sản xuất của dự án thuộc ngành, nghề đặc biệt khuyến khích đầu tư hoặc địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn (khoản 13 Điều 16 Luật) để phù hợp với Luật đầu tư, Luật công nghệ cao, Luật khoa học và công nghệ… Đồng thời, quy định việc miễn thuế nhập khẩu quy định tại khoản này không áp dụng đối với dự án đầu tư khai thác khoáng sản; dự án sản xuất sản phẩm có tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên; dự án sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt.

+ Bổ sung quy định ưu đãi đối với hàng hóa nhập khẩu để đảm bảo thống nhất với quy định của một số luật chuyên ngành như: để sản xuất sản phẩm công nghệ thông tin, phần mềm, nội dung số; hàng hóa nhập khẩu để bảo vệ môi trường… (khoản 18, khoản 19 Luật).

+ Bổ sung quy định miễn thuế đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu trong nước chưa sản xuất được để sản xuất, lắp ráp trang thiết bị y tế cần được ưu tiên nghiên cứu, chế tạo để khuyến khích phát triển sản xuất trang thiết bị y tế thay thế hàng nhập khẩu phù hợp với chủ trương khuyến khích phát triển ngành y tế của Nhà nước (khoản 14, Điều 16 Luật).

+ Bổ sung quy định về ưu đãi thuế đối với ngành đóng tàu: (i) máy móc, thiết bị; linh kiện, chi tiết, bộ phận rời, phụ tùng để lắp ráp đồng bộ hoặc sử dụng đồng bộ với máy móc, thiết bị; nguyên liệu, vật tư dùng để chế tạo máy móc, thiết bị; phương tiện vận tải trong dây chuyền công nghệ phục vụ trực tiếp cho hoạt động đóng tàu; vật tư xây dựng trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để tạo tài sản cố định; (ii) nguyên liệu, vật tư, linh kiện, bán thành phẩm trong nước chưa sản xuất được phục vụ cho việc đóng tàu; (iii) miễn thuế đối với tàu biển xuất khẩu (khoản 16, Điều 16 Luật) góp phần hỗ trợ ngành công nghiệp đóng tàu đồng thời nâng cấp quy định từ các văn bản hướng dẫn dưới Luật lên Luật tạo cơ sở pháp lý.

+ Bổ sung quy định về miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu là máy móc, thiết bị, nguyên liệu, vật tư, linh kiện, bộ phận, phụ tùng nhập khẩu phục vụ hoạt động in, đúc tiền. (khoản 17, Điều 16 Luật) để tạo thuận lợi và đơn giản hóa hoạt động thu nộp ngân sách, giảm chi phí hành chính vì hiện nay đối tượng nhập khẩu hàng hóa phục vụ hoạt động in đúc tiền chỉ do Ngân hàng Nhà nước thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách.

+ Bổ sung nội dung quy định về điều kiện, thủ tục miễn thuế đối với một số trường hợp phải thông báo hàng hóa dự kiến miễn thuế và trường hợp cần có danh mục hàng hóa miễn thuế nhằm đảm bảo sự minh bạch của chính sách, đảm bảo việc miễn thuế đúng đối tượng, tạo thuận lợi cho việc thực hiện (Điều 17).

1.2. Nhóm vấn đề sửa đổi, bổ sung để góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, thống nhất với văn bản pháp luật liên quan; đồng thời khắc phục các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu hiện hành.

– Về phạm vi điều chỉnh:

Luật đã sửa đổi về phạm vi điều chỉnh quy định về đối tượng chịu thuế, người nộp thuế, căn cứ tính thuế, thời điểm tính thuế, biểu thuế, thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, thuế tự vệ áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

– Về đối tượng chịu thuế, người nộp thuế:

Về đối tượng chịu thuế: Luật quy định theo phương pháp loại trừ là chỉ quy định về đối tượng chịu thuế trên cơ sở gộp Điều 2 và Điều 3 của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu hiện hành thành một điều. Đồng thời, rà soát một số quy định về đối tượng chịu thuế theo quy định của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu hiện hành để sửa đổi cho phù hợp như bỏ đối tượng không chịu thuế là hàng “mượn đường” và bổ sung hàng “trung chuyển” (Điều 2 dự thảo Luật).

Về người nộp thuế: Bổ sung các trường hợp người nộp thuế trên thực tế như các trường hợp được ủy quyền, bảo lãnh và nộp thay thuế để thống nhất với Luật quản lý thuế, Luật hải quan; người thu mua, vận chuyển hàng hóa trong định mức miễn thuế của cư dân biên giới nhưng không sử dụng cho sản xuất, tiêu dùng mà đem bán tại thị trường trong nước và thương nhân nước ngoài được phép kinh doanh hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu ở chợ biên giới; hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc đối tượng ưu đãi thuế nhưng thay đổi mục đích sử dụng, đối tượng sử dụng (tạikhoản 4, khoản 5, khoản 6 Điều 3 Luật).

– Sửa đổi quy định về thuế suất thông thường theo hướng: Thuế suất thông thường áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu không thuộc các trường hợp áp dụng thuế suất ưu đãi hoặc thuế suất ưu đãi đặc biệt và thuế suất thông thường được quy định bằng 150% so với thuế suất ưu đãi hàng hóa nhập khẩu tương ứng. Đồng thời, để có cơ sở áp dụng thuế suất thông thường khi thuế suất ưu đãi bằng 0%, Luật đã bổ sung quy định: Thủ tướng Chính phủ căn cứ Điều 10 Luật này để quyết định việc áp dụng mức thuế suất thông thường (khoản 3, Điều 5 dự thảo Luật).

– Sửa đổi quy định về trị giá tính thuế và thời điểm tính thuế: Về trị giá tính thuế quy định dẫn chiếu theo quy định của Luật Hải quan. Đối với thời điểm tính thuế, bổ sung quy định trường hợp hàng hóa được ưu đãi về thuế xuất khẩu, nhập khẩu nhưng có sự thay đổi về mục đích sử dụng (Điều 8 dự thảo Luật).

– Bổ sung quy định miễn thuế đối với hàng hóa mua bán trao đổi của cư dân biên giới phục vụ cho sản xuất,tiêu dùng của cư dân trong định mức và thuộc Danh mục hàng hoá nhập khẩu; đồng thời, bổ sung quy định: “Trường hợp thu mua, vận chuyển hàng hóa trong định mức nhưng không sử dụng cho sản xuất, tiêu dùng của cư dân biên giớivà của thương nhân nước ngoài được phép kinh doanh ở chợ biên giới thì phải nộp thuế” (khoản 3, Điều 16 dự thảoLuật) nhằm hạn chế gian lận thương mại, hỗ trợ đời sống của cư dân khu vực biên giới.

1.3. Nhóm vấn đề sửa đổi, bổ sung để phù hợp với các cam kết quốc tế và điều ước quốc tế về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu

– Bổ sung quy định về áp dụng thuế xuất khẩu đối với trường hợp có hàng hóa xuất khẩu sang nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ có thỏa thuận ưu đãi về thuế xuất khẩu để phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế với các cam kết liên quan đến thuế xuất khẩu, như TPP, Việt Nam – EU (khoản 2, Điều 5 Luật).

– Bổ sung quy định về áp dụng thuế suất ưu đãi, ưu đãi đặc biệt đối với hàng hóa từ khu phi thuế quan nhậpkhẩu vào thị trường nội địa đáp ứng các điều kiện về xuất xứ thì được áp dụng theo mức thuế suất ưu đãi tương ứng(điểm a, b, khoản 3, Điều 5 Luật) nhằm thống nhất với chính sách thuế của hàng hóa từ nước ngoài nhập khẩu vào thị trường trong nước.

– Sửa đổi thời hạn nộp thuế đối với người nộp thuế là doanh nghiệp ưu tiên theo hướng doanh nghiệp chỉ phải kê khai nộp thuế 1 tháng 1 lần (chậm nhất vào ngày thứ 10 của tháng kế tiếp) để phù hợp với thông lệ quốc tế, thế hiện chính sách ưu đãi và khuyến khích đối với các doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật hải quan, pháp luật thuế (Điều 9 Luật).

– Bổ sung quy định về miễn thuế xuất khẩu, nhập khẩu theo Điều ước quốc tế để đảm bảo minh bạch, phù hợp với Luật ký kết, gia nhập các điều ước quốc tế (khoản 4, Điều 16 Luật).

– Bổ sung quy định về miễn thuế đối với hàng hóa có trị giá hoặc có số tiền thuế phải nộp dưới mức tối thiểu;miễn thuế đối với hàng hóa không nhằm mục đích thương mại trong các trường hợp: hàng mẫu; phim, ảnh, mô hình để thay thế cho hàng mẫu; ấn phẩm quảng cáo số lượng nhỏ (khoản 5, khoản 10 Điều 16 Luật) để phù hợp với Công ước Kyoto sửa đổi cũng như dự kiến cam kết tại Hiệp định TPP và Việt Nam – EU.

– Bổ sung quy định về miễn thuế đối với hàng hóa thuộc chế độ tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập có thời hạn, không nhằm mục đích thương mại để phù hợp với Công ước Kyoto (như máy móc, thiết bị, phim, ảnh để tham dựhội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm, sự kiện thể thao..; máy móc, thiết bị tạm nhập, tái xuất để thử nghiệm, nghiên cứu phát triển sản phẩm, hàng hóa là phương tiện quay vòng như container, palet; hàng bảo hành, sửa chữa…) (khoản 9, Điều 16 Luật).

1.4. Nhóm vấn đề sửa đổi, bổ sung nhằm đơn giản hóa, tạo thuận lợi cho người nộp thuế; góp phần thực hiện cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

– Chuyển hàng hóa là nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập để sản xuất hàng xuất khẩu từ đối tượng phải nộp thuế khi nhập khẩu, được hoàn thuế khi xuất khẩu sang đối tượng miễn thuế để khuyến khích sản xuất hàng xuất khẩu, đơn giản thủ tục hành chính, phù hợp với thông lệ quốc tế (khoản 7, Điều 16 Luật).

– Chuyển hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất từ đối tượng chịu thuế ở khâu nhập khẩu và thực hiện hoàn thuế khi xuất khẩu sang đối tượng miễn thuế có điều kiện về bảo lãnh, đặt cọc phù hợp với thông lệ quốc tế (điểm đ,khoản 9, Điều 16 Luật).

  1. 2. Thông tư số 184/2015/TT-BTC ngày 17/11/2015 của Bộ Tài chính quy định thủ tục về kê khai, bảo lãnh tiền thuế, thu nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt, tiền phí, lệ phí, các khoản thu khác, đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh và phương tiện xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh

Ngày 17/11/2015, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 184/2015/TT-BTC quy định thủ tục về kê khai, bảo lãnh tiền thuế, thu nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt, tiền phí, lệ phí các khoản thu khác, đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh và phương tiện xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh thay thế Thông tư 126/2014/TT-BTC ngày 28/8/2014. Thông tư 184/2015/TT-BTC có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016.

Thông tư 184/2015/TT-BTC đã có nhiều quy định mới, cụ thể như sau:

– Một là, người nộp thuế ngoài việc kê khai nộp thuế còn có thể kê khai nộp tiền phí, lệ phí đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, phương tiện xuất nhập cảnh của cơ quan hải quan hay kê khai thu nộp tiền phí, lệ phí và các khoản thu khác của cơ quan quản lý kết nối qua một cửa quốc gia tại các Ngân hàng thương mại và Kho bạc nhà nước.

– Hai là, người nộp thuế có thể chọn nhiều cách kê khai để nộp tiền thuế, tiền phí mà phù hợp và tiện lợi cho mình như đến quầy giao dịch tại các ngân hàng thương mại, Kho bạc nhà nước hoặc tại cơ quan hải quan kê khai các thông tin liên quan đến số tiền phải nộp cho từng loại tiền ghi trên bảng kê nộp thuế hoặc lập tại chương trình kê khai nộp tiền trên Cổng thông tin điện tử hải quan gửi chi nhánh, điểm giao dịch của Ngân hàng thương mại, Kho bạc nhà nước để thực hiện nộp tiền thuế, tiền phí hay người nộp tiền có thể tiến hành chuyển khoản qua kênh giao dịch điện tử mà không cần đến quầy giao dịch như quy định tại Khoản 1 Điều 17 của Thông tư: “Trường hợp người nộp thuế sử dụng kênh giao dịch điện tử của ngân hàng thì đăng nhập vào chương trình thu nộp tiền thuế của ngân hàng để kê khai thông tin liên quan số tiền phải nộp cho từng loại thuế và gửi ngân hàng phối hợp thu yêu cầu trích chuyển tiền nộp thuế”.

– Ba là, việc bảo lãnh thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có thể thực hiện bằng giấy hoặc thực hiện bằng phương thức điện tử. Thông tư có quy định cụ thể về trình tự thực hiện bảo lãnh thuế bằng phương thức điện tử tại ngân hàng phối hợp thu.

– Bốn là, Thông tư còn quy định cụ thể, rõ ràng trách nhiệm của các bên liên quan (Hải quan, Ngân hàng thương mại, Kho bạc nhà nước, cơ quan quản lý khi trao đổi thông tin thu nộp phí qua Cổng thông tin một cửa quốc gia và người nộp thuế) khi tham gia vào công tác phối hợp thu thuế, phí, lệ phí và thu khác; xử lý thông tin khi hệ thống của cơ quan Hải quan, Kho bạc Nhà nuớc, ngân hàng phối hợp thu gặp sự cố; đối chiếu số liệu và xử lý sai sót trong đối chiếu giữa cơ quan hải quan với ngân hàng, Kho bạc Nhà nước; rà soát, điều chỉnh thông tin hạch toán thu nộp tiền thuế, xử lý sai sót và bảo lãnh tiền thuế điện tử trong đối chiếu giữa các bên liên quan.

  1. 3. Thông tư số 83/2016/TT-BTC ngày 17/6/2016 của Bộ Tài chính

Ngày 17/6/2016, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 83/2016/TT-BTC hướng dẫn thực hiện ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đối với các đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định của Luật đầu tư số 67/2014/QH13 và Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật đầu tư.

Đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư là dự án đầu tư, doanh nghiệp và tổ chức quy định tại khoản 2, 3, 4 Điều 15 Luật đầu tư số 67/2014/QH13 và Điều 16 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP.

Về ưu đãi thuế nhập khẩu: Đối với dự án đầu tư thuộc ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư, dự án đầu tư thuộc ngành, nghề ưu đãi đầu tư hoặc thực hiện tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn,  địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn được áp dụng ưu đãi thuế nhập khẩu như sau: Miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định. Đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để sản xuất của dự án đầu tư (trừ các dự án sản xuất lắp ráp ô tô, xe máy, điều hòa, máy sưởi điện, tủ lạnh, máy giặt, quạt điện, máy rửa bát đĩa, đầu đĩa, dàn âm thanh, bàn là điện, ấm đun nước, máy sấy khô tóc, làm khô tay và những mặt hàng khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ) được miễn thuế nhập khẩu trong thời hạn 05 (năm) năm, kể từ ngày bắt đầu sản xuất. Dự án đầu tư được ưu đãi về thuế nhập khẩu đầu tư về khách sạn, văn phòng, căn hộ cho thuê, nhà ở, trung tâm thương mại, dịch vụ kỹ thuật, siêu thị, sân golf, khu du lịch, khu thể thao, khu vui chơi giải trí, cơ sở khám, chữa bệnh, đào tạo, văn hóa, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, kiểm toán, dịch vụ tư vấn được miễn thuế nhập khẩu lần đầu đối với hàng hóa là trang thiết bị nhập khẩu theo danh mục quy định tại Phụ lục II Nghị định số 87/2010/NĐ-CP để tạo tài sản cố định của dự án.

Ngoài ra, Thông tư 83/2016/TT-BTC còn quy định ưu đãi thuế nhập khẩu đối với: Dự án đầu tư có quy mô vốn từ 6.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 6.000 tỷ đồng trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc kể từ ngày được quyết định chủ trương đầu tư; dự án đầu tư tại vùng nông thôn sử dụng từ 500 lao động trở lên (không bao gồm lao động làm việc không trọn thời gian và lao động có hợp đồng lao động dưới 12 tháng); doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học công nghệ, tổ chức khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật về công nghệ cao và pháp luật về khoa học và công nghệ.

Hàng hóa nhập khẩu miễn thuế của các dự án đầu tư nêu trên phải đăng ký Danh mục hàng hóa nhập khẩu miễn thuế với cơ quan hải quan theo hướng dẫn tại Điều 104 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

  1. Các quy định mới về thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia

Hiện tại, có 05 Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, cụ thể:

– Thông tư liên tịch số 178/2015/TTLT-BTC-BNNPTNT-BTNMT-BYT ngày 12/11/2015 của Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Y tế  hướng dẫn thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia có hiệu lực thi hành từ ngày 27/12/2015;

– Thông tư liên tịch số 64/2016/TTLT-BTC-BVHTTDL ngày 25/4/2016 giữa Bộ Tài chính và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia đối với thủ tục thẩm định nội dung đồ chơi trẻ em nhập khẩu thuộc phạm vi quản lý chuyên ngành của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có hiệu lực thi hành ngày 15/6/2016;

– Thông tư liên tịch số 77/2016/TTLT-BTC-BKHCN ngày 03/6/2016 giữa Bộ Tài chính và Bộ Khoa học công nghệ hướng dẫn thực hiện cơ chế một cửa quốc gia đối với thủ tục kiểm tra nhà nước về chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ có hiệu lực ngày 15/6/2016;

– Thông tư liên tịch số 80/2016/TTLT-BTC-BTTTT ngày 13/6/2016 giữa Bộ Tài chính và Bộ Thông tin truyền thông hướng dẫn thực hiện cơ chế một cửa quốc gia trong lĩnh vực thông tin và truyền thông có hiệu lực thi hành ngày 31/7/2016;

– Thông tư liên tịch số 89/2016/TTLT-BTC-BCT ngày 23/6/2016 giữa Bộ Tài chính và Bộ Công Thương hướng dẫn thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia có hiệu lực thi hành ngày 20/8/2016.

Nội dung chính của 05 Thông tư liên tịch nêu trên như sau:

  1. Quy định về mô hình kết nối và cơ chế ra quyết định trong Cơ chế một cửa quốc gia

– Cơ chế một cửa quốc gia: Là một hệ thống tích hợp, bao gồm: Cổng thông tin một cửa quốc gia, hệ thống thông quan của Cơ quan hải quan, hệ thống xử lý chuyên ngành của các Bộ.

– Cổng thông tin một cửa quốc gia là điểm trung gian kết nối, tiếp nhận và chia sẻ thông tin với các hệ thống công nghệ thông tin của các Bộ. Cổng thông tin một cửa quốc gia tiếp nhận thông tin của người khai, chuyển thông tin tới các hệ thống xử lý chuyên ngành, nhận kết quả và phản hồi kết quả tới người khai và các hệ thống xử lý chuyên ngành.

– Việc ra quyết định trên Cơ chế một cửa quốc gia được thực hiện tuần tự theo thứ tự ra quyết định của các cơ quan xử lý. Cơ quan ra quyết định cuối cùng đối với việc thông quan hàng hóa (Hải quan) thực hiện trên cơ sở các quyết định của các cơ quan xử lý chuyên ngành chuyển tới một cách kịp thời thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia.

– Các quy trình trao đổi của Cơ chế một cửa quốc gia được thiết kế nhằm tạo thuận lợi cho sự di chuyển liên tục của thông tin từ người khai tới Cổng thông tin một cửa và tới các hệ thống xử lý chuyên ngành và ngược lại.

  1. Quy định quy trình khai, tiếp nhận, trao đổi và phản hồi thông tin trên Cổng thông tin một cửa quốc gia

Các Thông tư liên tịch trên điều chỉnh một số nội dung liên quan đến thực hiện khai, sửa đổi, bổ sung thông tin khai và nộp các chứng từ trong hồ sơ hành chính một cửa thông qua Cơ chế một cửa quốc gia, cụ thể:

Các chứng từ điện tử thực hiện thủ tục hành chính theo quy định gồm:

– Thông tin khai dưới các hình thức: Tờ khai, đơn đăng ký, đăng ký, xác nhận đăng ký hoặc loại khác để thực hiện thủ tục hành chính trong danh mục các thủ tục hành chính một cửa;

– Kết quả xử lý của cơ quan xử lý dưới các hình thức: Quyết định thông quan, giải phóng hàng hoặc đưa hàng hóa về bảo quản, giấy phép, xác nhận hoặc kết quả xử lý khác tương ứng với thủ tục hành chính trong danh mục các chứng từ điện tử;

– Thông báo chấp nhận hoặc từ chối hoặc yêu cầu sửa đổi, bổ sung thông tin khai trên Cơ chế một cửa quốc gia.

Thông tư không điều chỉnh với các chứng từ khác thuộc hồ sơ để thực hiện thủ tục hành chính một cửa. Hình thức và nội dung của các chứng từ khác trong hồ sơ để thực hiện các thủ tục hành chính một cửa tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành đối với thủ tục hành chính nêu trên.

  1. Quy định về đăng ký tài khoản người sử dụng Cổng thông tin một cửa quốc gia

– Trường hợp người khai đã được các Bộ cấp tài khoản truy cập các hệ thống xử lý chuyên ngành hiện có thì người khai lựa chọn sử dụng một trong các tài khoản đó để truy cập Cổng thông tin một cửa quốc gia. Để sử dụng tài khoản truy cập, người khai truy cập Cổng thông tin một cửa quốc gia tại địa chỉ https://vnsw.gov.vn và thực hiện đăng ký tài khoản sử dụng trên Cổng thông tin một cửa quốc gia theo các thông tin quy định theo Mẫu ban hành kèm theo Thông tư liên tịch. Đơn vị quản lý Cổng thông tin một cửa quốc gia chịu trách nhiệm hướng dẫn người khai về việc sử dụng tài khoản đã đăng ký để truy cập Cổng thông tin một cửa quốc gia trong trường hợp có vướng mắc phát sinh.

– Trường hợp người khai chưa có tài khoản người sử dụng, việc đăng ký tài khoản người sử dụng trên Cổng thông tin một cửa quốc gia sẽ được thực hiện như sau: Người khai truy cập Cổng thông tin một cửa quốc gia tại địa chỉhttps://vnsw.gov.vn và thực hiện đăng ký thông tin hồ sơ trên Cổng thông tin một cửa quốc gia theo các thông tin quy định.

Theo quy định tại các Thông tư liên tịch, Cổng thông tin một cửa quốc gia có chức năng tiếp nhận chứng từ điện tử và các thông tin có liên quan, xác thực chữ ký số của người khai và các cơ quan xử lý. Chuyển chứng từ điện tử, thông tin khác của người khai đến cơ quan xử lý, tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định do doanh nghiệp lựa chọn, đồng thời lưu trữ thông tin từ người khai trên Cổng thông tin một cửa quốc gia nhằm mục đích tra cứu, thống kê. Tiếp nhận thông báo từ các cơ quan xử lý. Trả các chứng từ điện tử cho người khai. Trao đổi kết quả xử lý giữa các cơ quan xử lý. Lưu trữ trạng thái của các giao dịch điện tử được thực hiện trên Cổng thông tin một cửa quốc gia, lưu trữ các chứng từ điện tử. Cung cấp một số chức năng báo cáo, thống kê số liệu theo yêu cầu từ các cơ quan xử lý và người khai.

Thông tư cũng quy định về thẩm quyền và mức độ truy cập vào Cổng thông tin một cửa quốc gia gồm: Các tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục hành chính; cơ quan hải quan, các đơn vị thuộc và trực thuộc các Bộ.

  1. Quy định về Cổng thông tin một cửa quốc gia

Quy định về Cổng thông tin một cửa quốc gia bao gồm các nội dung:

– Các chức năng cơ bản của hệ thống như tiếp nhận, gửi, nhận và phản hồi thông tin, lưu trữ chứng từ gốc, chuyển đổi chứng từ, trạng thái giao dịch..

– Đối tượng được truy cập, thẩm quyền và mức độ truy cập vào Cổng thông tin một cửa quốc gia.

– Quy định về bảo đảm an toàn thông tin, dữ liệu.

– Đơn vị quản lý Cổng thông tin một cửa quốc gia.

– Quy định về trách nhiệm của các Bộ đối với quản lý, vận hành Cổng thông tin một cửa quốc gia.

– Cổng thông tin một cửa quốc gia tiếp nhận thông tin khai điện tử từ người khai, xác thực chữ ký số (nếu có), chuyển toàn bộ thông tin (bao gồm cả chữ ký số trong trường hợp người khai sử dụng chữ ký số) đến hệ thống xử lý chuyên ngành đồng thời lưu trữ thông tin từ người khai trên Cổng thông tin một cửa quốc gia nhằm mục đích tra cứu, thống kê.

  1. Quy định về việc sử dụng chữ ký số để thực hiện các thủ tục hành chính một cửa

Hiện tại, chữ ký điện tử đã được áp dụng cho các thủ tục hành chính đang triển khai chính thức thông qua Cơ chế một cửa quốc gia để tăng cường tính bảo mật trong thực hiện các giao dịch điện tử trong Cơ chế một cửa quốc gia. Cụ thể, như sau:

– Cổng thông tin một cửa quốc gia tiếp nhận thông tin, chứng từ; xác thực chữ ký số của người khai; gửi toàn bộ thông tin khai (bao gồm cả chữ ký số) đến hệ thống xử lý chuyên ngành của các Bộ.

– Việc đăng ký chữ ký số, quy định về hồ sơ, thủ tục đăng ký sử dụng chữ ký số do Đơn vị quản lý Cổng thông tin một cửa quốc gia quy định.

– Người khai phải đăng ký lại với Đơn vị quản lý Cổng thông tin một cửa quốc gia các thông tin theo quy địnhtrong các trường hợp sau: Các thông tin đã đăng ký có sự thay đổi, gia hạn chứng thư số, thay đổi cặp khóa, tạm dừng chứng thư số. Thủ tục đăng ký lại được thực hiện tương tự đăng ký mới.

  1. Quy định về trao đổi thông tin giữa các Bộ, ngành

Quy định về cơ chế phối hợp và trao đổi thông tin giữa các cơ quan để thực hiện các thủ tục hành chính trong Cơ chế một cửa quốc gia gồm: Nguyên tắc trao đổi thông tin, nội dung, hình thức, tần suất trao đổi; quản lý, sử dụng các thông tin trao đổi giữa các cơ quan, đơn vị đầu mối thực hiện việc cung cấp, trao đổi thông tin của các Bộ trong Cơ chế  một cửa quốc gia.

III. Các chính sách mới khác:

  1. Nghị định số 45/2016/NĐ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ quy định xử lý vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan

Ngày 26 tháng 5 năm 2016 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 45/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 127/2013/NĐ-CP ngày 15/10/2013 (sau đây gọi tắt là Nghị định). Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/8/2016. Sau đây là một số nội dung mới, cơ bản của Nghị định 45/2016/NĐ-CP:

– Nghị định sửa đổi, bổ sung một số nội dung quy định về những trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Điều 5 Nghị định số 127/2013/NĐ-CP (khoản 2 Điều 1 Nghị định) cho phù hợp với quy định của Luật Hải quan và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Hải quan.

– Nghị định sửa đổi, bổ sung một số hành vi vi phạm hành chính; tăng mức phạt tiền đối với hầu hết các hành vi vi phạm để tăng hiệu quả răn đe, phòng ngừa; sửa đổi một số định danh hành vi vi phạm và loại bỏ một số hành vi không còn phù hợp với quy định của Luật Hải quan và các văn bản hướng dẫn thi hành.

– Nghị định bãi bỏ quy định về việc xử lý đối với trường hợp hàng hóa nhập khẩu quá thời hạn làm thủ tục hải quan, hàng hóa không có chủ sở hữu, hàng hóa nhập khẩu buộc phải đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc buộc phải tái xuất (quy định tại khoản 1, 2, 3 Điều 23 Nghị định 127/2013/NĐ-CP) do đã được quy định tại Điều 58 Luật Hải quan và Điều 126 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

– Nghị định loại bỏ quy định về thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế của Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố; Tổng cục trưởng đối với những trường hợp đối tượng bị cưỡng chế tại nhiều Chi cục, nhiều Cục Hải quan tỉnh, thành phố quy định tại khoản 3 Điều 29 Nghị định 127/2013/NĐ-CP do tính khả thi không cao, không phù hợp với thực tiễn hoạt động nghiệp vụ phát sinh.

– Nghị định sửa đổi đối tượng bị áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản để bán đấu giá quy định tại khoản 2 Điều 48 Nghị định 127/2013/NĐ-CP là: các quyết định hành chính (không chỉ riêng quyết định xử phạt như quy định hiện nay của Nghị định 127/2013/NĐ-CP).

  1. Nghị định 68/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh hàng miễn thuế, kho bãi, địa điểm làm thủ tục hải quan, tập kết, kiểm tra, giám sát hải quan

Nghị định số 68/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2016.

Nghị định này quy định chi tiết các nội dung sau tạo sự minh bạch trong thủ tục hành chính:

– Điều kiện, hồ sơ, trình tự cấp, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hàng miễn thuế, tạm dừng hoạt động kinh doanh hàng miễn thuế, mở rộng, thu hẹp, di chuyển, chuyển quyền sở hữu cửa hàng miễn thuế;

– Điều kiện, hồ sơ, trình tự công nhận, mở rộng, thu hẹp, di chuyển, chuyển quyền sở hữu, tạm dừng, chấm dứt hoạt động của:

+ Kho ngoại quan;

+ Địa điểm thu gom hàng lẻ, kho hàng không kéo dài;

+ Địa điểm làm thủ tục hải quan tại cảng cạn;

+ Địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tập trung; địa điểm chuyển phát nhanh, hàng bưu chính.

– Điều kiện, hồ sơ, trình tự công nhận kho bảo thuế;

– Điều kiện, hồ sơ, trình tự xác nhận kho xăng dầu đủ điều kiện kiểm tra, giám sát của cơ quan hải quan.

  1. Thông tư số 191/2015/TT-BTC ngày 24/11/2015 của Bộ Tài chính quy định thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh gửi dịch vụ chuyển phát nhanh đường hàng không quốc tế

Ngày 24/11/2015, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 191/2015/TT-BTC quy định thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế, yêu cầu doanh nghiệp chuyển phát nhanh phải chủ động phối hợp với cơ quan hải quan xử lý hàng hóa không phát được cho người nhận. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016.

Thông tư 191/2015/TT-BTC quy định một số nội dung tạo thuận lợi cho doanh nghiệp như sau:

– Quy định hàng đã nộp thuế không phát được cho người nhận thì được nộp hồ sơ để hoàn lại số thuế đã nộp, tạo điều kiện cho Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ chuyển phát nhanh được hoàn tiền theo quy định tại Thông tư số 191/2015/TT-BTC ngày 24/11/2015.

– Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ chuyển phát nhanh có xe chuyên dụng, đáp ứng niêm phong hải quan, kết nối hệ thống quản lý mã vạch với bộ phận giám sát quản lý tạo điều kiện cho phép tự xác nhận hàng qua hệ thống giám sát hải quan, danh sách gửi cho cơ quan hải quan không phải xuất trình để công chức hải quan kiểm tra, đối chiếu.

– Tạo điều kiện làm thủ tục ngoài giờ cho doanh nghiệp.

  1. Thông tư số 69/2016/TT-BTC ngày 06/5/2016 của Bộ Tài chính quy định thủ tục hải quan đối với xăng dầu, hóa chất, khí xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, quá cảnh; nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất và pha chế hoặc gia công xăng dầu, khí; dầu thô xuất khẩu, nhập khẩu; hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phục vụ hoạt động dầu khí

Thông tư số 69/2016/TT-BTC ngày 6/5/2016 của Bộ Tài chính có hiệu lực từ ngày 20/7/2016.

Theo quy định tại Thông tư số 69/2016/TT-BTC, xăng dầu, hóa chất, khí được vận chuyển từ nước xuất khẩu đến nước nhập khẩu qua cửa khẩu Việt Nam và đưa vào kho ngoại quan, khu vực trung chuyển hàng hóa tại các cảng Việt Nam thì vẫn phải làm thủ tục hải quan theo quy định đối với hàng hóa đưa vào, đưa ra kho ngoại quan, khu vực trung chuyển hàng hóa tại cảng Việt Nam.

Thương nhân chỉ được bơm xăng dầu, hóa chất, khí nhập khẩu, tạm nhập và nguyên liệu nhập khẩu từ phương tiện vận chuyển vào bồn, bể và ngược lại khi có tờ khai hải quan được đăng ký theo quy định; có Giấy đăng ký giám định khối lượng có xác nhận của thương nhân giám định hoặc tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định; có biên bản lấy mẫu hoặc chứng từ lấy mẫu có xác nhận của thương nhân với cơ quan kiểm tra Nhà nước về chất lượng; có giám sát của cơ quan hải quan. Với xăng dầu, hóa chất, khí xuất khẩu, tái xuất, phải có tờ khai hải quan được đăng ký theo quy định và có giám sát của cơ quan hải quan.

  1. Thông tư số 106/2016/TT-BTC ngày 29/6/2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn thủ tục hải quan đối với hoạt động xuất, nhập xăng dầu, nguyên liệu để pha chế xăng dầu và hoạt động pha chế chuyển đổi chủng loại xăng dầu tại Kho ngoại quan xăng dầu

Thông tư 106/2016/TT-BTC  của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thủ tục hải quan đối với hoạt động xuất, nhập xăng dầu, nguyên liệu để pha chế xăng dầu và hoạt động pha chế chuyển đổi chủng loại xăng dầu tại Kho ngoại quan xăng dầu bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 16/08/2016.

Theo đó, xăng dầu chứa trong kho ngoại quan xăng dầu (sau đây gọi là kho) chỉ được phép chuyển loại để xuất kho đưa ra nước ngoài theo yêu cầu của chủ hàng trên cơ sở hợp đồng mua bán hoặc hợp đồng dịch vụ chuyển loại để đưa ra nước ngoài, cụ thể: Chỉ được chuyển loại xăng dầu tương ứng với số lượng, chủng loại phù hợp với từng hợp đồng mua bán hoặc hợp đồng dịch vụ chuyển loại để đưa ra nước ngoài; và Hợp đồng mua bán hoặc hợp đồng dịch vụ chuyển loại để đưa ra nước ngoài quy định rõ số lượng, chủng loại, nơi nhận hàng là cảng, địa điểm ở nước ngoài; và Xăng dầu đã chuyển loại đưa ra nước ngoài không được tái nhập, chuyển tiêu thụ nội địa.

Ngoài ra, Thông tư 106/2016/TT-BTC  còn quy định, việc pha chế xăng dầu được thực hiện bằng hình thức: bơm từ các bồn bể khác nhau vào chung một bồn, bể; được pha chế trên tuyến ống; các hình thức pha chế khác (nếu có). Chủ kho có trách nhiệm lưu trữ và xuất trình cho Chi cục Hải quan quản lý kho khi được yêu cầu đầy đủ các số liệu về số lượng, chủng loại các nguyên liệu, phụ gia, thành phẩm đầu vào khi pha chế cũng như các số liệu về số lượng, chủng loại, chất lượng, tỷ lệ hao hụt của các nguyên liệu, thành phẩm là sản phẩm của quá trình pha chế và chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng của nguyên liệu, phụ gia và thành phẩm trước, sau quá trình pha chế và tỉ lệ hao hụt trong quá trình pha chế.

Đối với việc bơm xăng dầu, nguyên liệu nhập, xuất kho, xăng dầu, nguyên liệu chỉ được xuất, nhập kho sau khi đã hoàn thành đăng ký tờ khai nhập kho, khai báo xuất kho, và chịu sự giám sát của cơ quan Hải quan theo quy định. Chủ kho được bơm xăng dầu, nguyên liệu theo quy định như: Trên cơ sở hợp đồng thuê kho với chủ hàng (trường hợp chủ hàng đồng thời là chủ kho thì không yêu cầu hợp đồng thuê kho), chủ kho bơm xăng dầu, nguyên liệu từ phương tiện vận chuyển xăng dầu, nguyên liệu vào bồn, bể thuộc kho. Trường hợp bơm xăng dầu, nguyên liệu vào bồn, bể đã chứa xăng dầu, nguyên liệu, chủ kho phải đảm bảo cùng chủng loại, cùng chất lượng với xăng dầu, nguyên liệu đang chứa trong bồn, bể đó và chủ kho chịu trách nhiệm về chủng loại, chất lượng.

Trường hợp chủ kho có bồn bể liên hoàn và có hệ thống máy tính kiểm soát việc bơm xăng dầu, nguyên liệu đã đáp ứng quy định tại khoản 20 Điều 4 Thông tư số 69/2016/TT-BTC ngày 06 tháng 05 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định thủ tục hải quan đối với xăng dầu, hóa chất, khí xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, quá cảnh; nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất và pha chế hoặc gia công xuất khẩu xăng dầu, khí; dầu thô xuất khẩu, nhập khẩu; hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phục vụ hoạt động dầu khí (sau đây gọi là Thông tư số 69/2016/TT-BTC) thì chủ kho thông báo việc bơm xăng dầu, nguyên liệu cho cơ quan hải quan (bao gồm các thông tin về địa điểm, thời gian, khối lượng bơm) và cơ quan hải quan căn cứ vào số liệu của hệ thống máy tính để giám sát quản lý kho, bồn bể của kho, khối lượng xăng dầu xuất, nhập kho. Chi cục trưởng Chi cục Hải quan quản lý kho căn cứ tình hình thực tế giám sát quyết định hình thức giám sát phù hợp.

Thời hạn lưu giữ, bảo quản xăng dầu, nguyên liệu tại kho phải phù hợp với hợp đồng thuê kho, hợp đồng pha chế hoặc hợp đồng chuyển loại và tuân thủ nội dung quy định tại Điều 61 Luật Hải quan năm 2014, Điều 84 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan./.

 

Phần B:

CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC HẢI QUAN

TỪ THÁNG 9/2015 ĐẾN NAY

 

Trong những năm qua công tác cải cách thủ tục hành chính về hải quan luôn được Chính phủ, Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Cải cách thủ tục hành chính về hải quan thể hiện sự đột phá thông qua việc thực hiện cơ chế một cửa quốc gia và một cửa ASEAN. Cơ chế một cửa quốc gia được Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) chủ trì và chính thức triển khai từ cuối năm 2014. Đến 29/8/2016, Cơ chế một cửa quốc gia đã kết nối chính thức 10 Bộ bao gồm: Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan), Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng. Ngoài thủ tục thông quan hàng hóa (Bộ Tài chính), 33 thủ tục hành chính của 9 Bộ, ngành còn lại đã thực hiện thông qua Cơ chế một cửa quốc gia. Tổng số hồ sơ hành chính đã được xử lý trên Cổng thông tin một cửa quốc gia tính đến 29/8/2016 là 175.065 bộ hồ sơ với sự tham gia của khoảng 8944 doanh nghiệp hoạt động thường xuyên trong các lĩnh vực này.

Từ tháng 9/2015, Cơ chế một cửa quốc gia của Việt Nam đã kết nối kỹ thuật thành công với 04 nước ASEAN (Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Singapore) để trao đổi Giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D cho hàng hóa xuất khẩu có xuất xứ ASEAN; sẵn sàng để chính thức kết nối Cơ chế một cửa ASEAN khi Nghị định thư pháp lý về Cơ chế một cửa ASEAN có hiệu lực trong năm 2016. Việt Nam là nước thứ ba trong khu vực phê duyệt Nghị định thư này.

Đến nay, ngành Hải quan đã ký thỏa thuận hợp tác thu thuế xuất nhập khẩu bằng phương thức điện tử với 28 ngân hàng với số thu ngân sách là 145.895 tỷ đồng (tính từ ngày 01/01/2016 đến hết ngày 15/8/2016) chiếm 90,51% tổng thu ngân sách của ngành Hải quan.

Đến ngày 01/9/2016, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã tổ chức thành công Lễ khai trương địa điểm kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu tại các đơn vị: Cục Hải quan thành phố Hải Phòng (Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Hải Phòng Khu vực III) ngày 01/12/2015, Cục Hải quan thành phố Hà Nội (sân bay Nội Bài) vào ngày 22/12/2015, Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh (cảng Sài Gòn khu vực I, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất) vào ngày 14/01/2016, Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn (cửa khẩu Tân Thanh) vào ngày 06/01/2016, Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh (cửa khẩu cảng Cái Lân, cửa khẩu Móng Cái) vào ngày 11/01/2016, Cục Hải quan thành phố Đà Nẵng (cửa khẩu cảng Đà Nẵng) vào ngày 14/01/2016, Cục Hải quan tỉnh Lào Cai (cửa khẩu quốc tế số II Kim Thành) vào ngày 15/01/2016, Cục Hải quan tỉnh Quảng Ngãi (Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Dung Quất) vào ngày 30/6/2016. Việc tổ chức hoạt động các địa điểm kiểm tra chuyên ngành sẽ ngày càng hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp trong việc làm thủ tục hải quan và tạo thuận lợi cho việc thông quan nhanh chóng hàng hóa./.

 

Phần C:

GIẢI ĐÁP VƯỚNG MẮC CỦA DOANH NGHIỆP HÀN QUỐC

 

Câu 1. Hoạt động bán hàng của Doanh nghiệp chế xuất vào thị trường nội địa (Vấn đề 1)

Ngày 9 tháng 11 năm 2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 114/2015/NĐ-CP sửa đổi Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định về Khu Công nghiệp, Khu Chế xuất và Khu Kinh tế, có hiệu lực từ ngày 25 tháng 12 năm 2015. Những nội dung chính của Nghị định này như sau:

“5. Quan hệ trao đổi hàng hóa giữa các khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất với các khu vực khác trên lãnh thổ Việt Nam, không phải khu phi thuế quan, là quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu trừ các trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều này và các trường hợp không làm thủ tục hải quan do Bộ Tài chính quy định.

Doanh nghiệp chế xuất được bán vào thị trường nội địa tài sản thanh lý của doanh nghiệp và các hàng hóa theo quy định của pháp luật về đầu tư và thương mại. Tại thời điểm bán, thanh lý vào thị trường nội địa không áp dụng chính sách quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trừ trường hợp hàng hóa thuộc diện quản lý theo điều kiện, tiêu chuẩn, kiểm tra chuyên ngành chưa thực hiện khi nhập khẩu; hàng hóa quản lý bằng giấy phép thì phải được cơ quan cấp phép nhập khẩu đồng ý bằng văn bản.

  1. Doanh nghiệp chế xuất được cấp Giấy phép kinh doanh hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa tại Việt Nam phải mở sổ kế toán hạch toán riêng doanh thu, chi phí liên quan đến hoạt động mua bán hàng hóa tại Việt Nam và bố trí khu vực lưu giữ hàng hóa ngăn cách với khu vực lưu giữ hàng hóa phục vụ hoạt động sản xuất của doanh nghiệp chế xuất hoặc thành lập chi nhánh riêng nằm ngoài doanh nghiệp chế xuất, khu chế xuất để thực hiện hoạt động này.

Theo các điều khoản trên, chúng tôi hiểu rằng doanh nghiệp chế xuất có thể bán tài sản thanh lý và hàng hóa vào thị trường nội địa. Ngoài ra, doanh nghiệp chế xuất được cấp Giấy phép kinh doanh hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa tại Việt Nam.

Hỏi: doanh nghiệp chế xuất được miễn thuế nhập khẩu và thuế GTGT hàng nhập khẩu (“thuế GTGT”) khi nhập khẩu nguyên vật liệu/công cụ cho sản xuất, sau đó bán thành phẩm cho doanh nghiệp chế xuất khác hoặc bán ra nước ngoài.

Tuy nhiên, khi doanh nghiệp chế xuất bán những thành phẩm này vào thị trường nội địa, doanh nghiệp chế xuấtcó phải nộp cả thuế nhập khẩu và thuế GTGT, hay chỉ phải nộp thuế nhập khẩu cho nguyên vật liệu/công đã tiêu hao vào các thành phẩm được bán vào thị trường nội địa?

Trả lời:

Căn cứ Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13; Nghị định 87/2010/NĐ-CP ngày 13/8/2010 của Chính phủ; Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính; Thông tư số 109/2014/TT-BTC ngày 15/8/2014 của Bộ Tài chính thì:

Hàng hóa của doanh nghiệp chế xuất đưa vào nội địa Việt Nam phải chịu thuế nhập khẩu và thuế GTGT theo quy định của pháp luật.

 

Câu 2. Chuyển đổi từ Doanh nghiệp chế xuất sang doanh nghiệp phi chế xuất (Vấn đề 6)

Hiện nay, một số doanh nghiệp Hàn Quốc thực hiện chuyển đổi từ doanh nghiệp chế xuất sang doanh nghiệp phi chế xuất. Khi chuyển đổi, doanh nghiệp này phải ước tính các khoản  thuế nhập khẩu và thuế GTGT hàng nhập khẩu cho các hàng tồn kho/tài sản cố định đã nhập khẩu.

Theo Khoản 2, Điều 17, Thông tư 39/2015/TT-BTC về giá tính thuế của hàng nhập khẩu:

“Điều 17. Trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trong một số trường hợp đặc biệt

  1. Hàng hóa nhập khẩu đã sử dụng tại Việt Nam, có thay đổi mục đích sử dụng so với mục đích đã được xác định thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế:
  2. a) Hàng hóa nhập khẩu là ô tô, mô tô: Trị giá hải quan được xác định trên cơ sở giá trị sử dụng còn lại của hàng hóa, tính theo thời gian sử dụng tại Việt Nam (tính từ thời điểm nhập khẩu theo tờ khai hải quan đến thời điểm tính thuế) và được xác định cụ thể như sau:
Thời gian sử dụng tại Việt Nam Trị giá hải quan = (%) trị giá khai báo tại thời điểm nhập khẩu
Từ 6 tháng trở xuống (được tính tròn là 183 ngày) 90%
Từ trên 6 tháng đến 1 năm (được tính tròn là 365 ngày) 80%
Từ trên 1 năm đến 2 năm 70%
Từ trên 2 năm đến 3 năm 60%
Từ trên 3 năm đến 5 năm 50%
Từ trên 5 năm đến 7 năm 40%
Từ trên 7 năm đến 9 năm 30%
Từ trên 9 năm đến 10 năm 15%
Trên 10 năm 0%

Nếu mức giá khai báo tại thời điểm nhập khẩu của hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế, hoặc được miễn thuế, xét miễn thuế thấp hơn mức giá trong cơ sở dữ liệu giá cùng thời điểm, thì lấy mức giá trong cơ sở dữ liệu giá và tỷ lệ quy định trên đây để xác định trị giá hải quan.

  1. b) Hàng hóa nhập khẩu khác: Trị giá hải quan là giá thực tế đã thanh toán hay sẽ phải thanh toán tại thời điểm chuyển đổi mục đích sử dụng, được xác định theo nguyên tắc, phương pháp xác định trị giá hải quan quy định tại Thông tư này.”

Hỏi: Theo các quy định nêu trên, chúng tôi muốn hỏi về việc tính toán thuế nhập khẩu và thuế GTGT trong các trường hợp sau:

+ Đối với tài sản: Có thể hiểu rằng nếu tài sản được khấu hao tuân thủ các quy định tại Thông tư 45/2013/TT-BTC, thì giá trị còn lại của tài sản sẽ là giá tính thuế nhập khẩu và thuế GTGT hàng nhập khẩu?

+ Đối với công cụ, dụng cụ: theo Chế độ Kế toán Việt Nam, chúng tôi hiểu rằng doanh nghiệp có thể ghi nhận ngay vào báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh trong kỳ giá trị công cụ, dụng cụ khi phát sinh, hoặc phân bổ trong thời hạn không quá 3 năm dựa trên đánh giá của doanh nghiệp. Tuy nhiên, cơ quan Hải quan có đồng ý với cách tiếp cận theo chuẩn mực kế toán như trên không, hay cơ quan Thuế sẽ có yêu cầu riêng về thời hạn phân bổ?

Trả lời:

– Về câu hỏi liên quan đến tài sản: Căn cứ Khoản 1 Điều 3 Thông tư 39/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015 của Bộ Tài chính thì: Người khai hải quan tự kê khai, tự xác định trị giá hải quan theo các nguyên tắc và phương pháp xác định trị giá hải quan quy định tại Luật Hải quan số 54/2014/QH13 ngày 23/6/2014, Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/1/2015 của Chính phủ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, tính trung thực về việc khai báo nêu trên.

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 3 Thông tư số 39/2015/TT-BTC, cơ quan hải quan xác định trị giá hải quan căn cứ  nguyên tắc và phương pháp xác định trị giá hải quan trong trường hợp: Người khai hải quan không xác định được trị giá hoặc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 17 Thông tư số 39/2015/TT-BTC.

Căn cứ Khoản 2 Điều 17 Thông tư 39/2015/TT-BTC quy định về xác định trị giá hải quan của hàng hóa nhập khẩu đã sử dụng tại Việt Nam, có thay đổi mục đích sử dụng so với mục đích đã được xác định thuộc đối tượng chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế.

Do vậy, việc xác định trị giá hải quan được thực hiện theo quy định nêu trên. Đối với hàng hóa nhập khẩu (như công cụ, dụng cụ) khi chuyển đổi mục đích sử dụng trị giá hải quan vẫn được xác định theo nguyên tắc, phương pháp xác định trị giá hải quan từ Điều 6 đến Điều 12  Thông tư 39/2015/TT-BTC trên cơ sở tài liệu, chứng từ tại thời điểm chuyển đổi mục đích sử dụng.

– Về câu hỏi liên quan đến công cụ, dụng cụ:

Theo quy định tại Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 16//2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành về thuế thu nhập doanh nghiệp thì: “Đối với tài sản là công cụ, dụng cụ, bao bì luân chuyển, … không đáp ứng đủ điều kiện xác định là tài sản cố định theo quy định thì chi phí mua tài sản nêu trên được phân bổ dần vào chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh trong kỳ nhưng tối đa không quá 3 năm.”

Do đó, đối với việc phân bổ chi phí đề nghị đơn vị thực hiện theo quy định hướng dẫn tại các văn bản liên quan đến kế toán.

 

Câu 3. (Vấn đề 8)

Vẫn xảy ra hiện tượng cán bộ hải quan áp dụng tùy tiện các thủ tục thông quan, đòi thêm phí để ‘xử lý nhanh’ khi doanh nghiệp làm các thủ tục thông quan, thuế hải quan hoặc đòi thêm ‘phí dịch vụ’ khi doanh nghiệp làm đề nghị hoàn thuế.

Có trường hợp, hai bên đã thỏa thuận xong và cùng ký tên lên biên bản khi kết thúc điều tra thuế, nhưng sau đó lại lật lọng và lại tiếp tục nêu ý kiến về những vấn đề đã được xác định trước đó.

Khi có những sửa đổi về nội dung trong các Nghị định về thuế, tài chính của Bộ Tài Chính, doanh nghiệp chỉ biết tự tìm hiểu và áp dụng. Các hoạt động như cập nhật (update) hay theo dõi quản lý các vấn đề phát sinh (follow up) chưa hiệu quả.

Trả lời:

– Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) xin cảm ơn các câu hỏi của doanh nghiệp và khẳng định ngoài các khoản thu Thuế, Phí, Lệ phí đã được công khai, doanh nghiệp không phải nộp bất cứ khoản Thuế, Phí, Lệ phí nào ngoài quy định.

Trong những năm qua, Tổng cục Hải quan đã chủ động, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng xác lập nhiều chuyên án; đấu tranh, phát hiện, bắt giữ và xử lý nghiêm minh, công khai, minh bạch nhiều vụ buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới, có sự móc nối, tiếp tay, bao che của một số ít cán bộ, công chức hải quan. Tuy nhiên, qua theo dõi, Tổng cục Hải quan chưa phát hiện vụ việc nào cán bộ hải quan đòi “phí dịch vụ” khi doanh nghiệp làm đề nghị hoàn thuế. Vì vậy, chưa có cơ sở khẳng định có hiện tượng tiêu cực như nội dung câu hỏi nêu. Đề nghị doanh nghiệp khi tham gia hoạt động xuất nhập khẩu, nếu thấy cơ quan hải quan thu các khoản ngoài quy định thì kịp thời phản ánh, nội dung phản ánh cần nêu rõ thời gian, địa điểm làm thủ tục hải quan, tên của cán bộ, công chức hải quan yêu cầu thu các khoản thu ngoài quy định về các số điện thoại đường dây nóng của Tổng cục Hải quan được công khai tại các địa điểm làm thủ tục hải quan hoặc được đăng tải công khai trên Báo Hải quan, website Hải quan để được xử lý kịp thời.

Luật Hải quan số 54/2014/QH13, Nghị định số 08/2015/NĐ-CP và Thông tư số 38/2015/TT-BTC đã quy định rõ ràng, minh bạch trình tự, thủ tục, thực hiện kiểm tra, xử lý kết quả kiểm tra sau thông quan, đồng thời quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của công chức hải quan cũng như quyền và nghĩa vụ của người khai hải quan trong kiểm tra sau thông quan (Điều 81, Điều 82 Luật Hải quan). Theo đó, người khai hải quan có quyền và nghĩa vụ giải trình những vấn đề liên quan theo yêu cầu của cơ quan hải quan; nhận bản kết luận kiểm tra và yêu cầu giải thích nội dung bản kết luận kiểm tra, bảo lưu ý kiến trong bản kết luận kiểm tra… Căn cứ kết luận kiểm tra và quy định pháp luật, cơ quan hải quan ban hành quyết định ấn định thuế, các quyết định hành chính về thuế và hải quan (nếu có). Trường hợp không đồng ý với quyết định ấn định thuế của cơ quan hải quan, người khai hải quan có quyền khiếu nại, khiếu kiện theo quy định của pháp luật.

– Khi xây dựng mới hoặc bổ sung, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật, Tổng cục Hải quan đều thực hiện tham vấn, lấy ý kiến của cộng đồng các doanh nghiệp (thông qua Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI).Ngành Hải quan thường xuyên phổ biến các chính sách của Nhà nước trên các phương tiện thông tin đại chúng: Báo Hải quan, website Hải quan, niêm yết công khai tại các địa điểm làm thủ tục hải quan nhằm giúp cho doanh nghiệp nắm được chế độ chính sách cũng như các khoản thuế, phí, lệ phí đối với các loại hàng hóa xuất nhập khẩu và loại hình thủ tục hải quan phải nộp vào ngân sách Nhà nước. Ngoài ra, đối với các vướng mắc, khó khăn do doanh nghiệp kiến nghị, Tổng cục Hải quan đã chủ động trả lời, giải đáp thông qua Hội nghị đối thoại, Trang thông tin điện tử của Tổng cục, điện thoại, văn bản…

Đề nghị các doanh nghiệp chủ động hơn trong việc nắm bắt thông tin. Trường hợp có vướng mắc, đề nghị các doanh nghiệp kịp thời gửi về Tổng cục Hải quan  để được hướng dẫn xử lý.

 

Câu 4. (Vấn đề 9)

Quy trình nhập khẩu cho doanh nghiệp thương mại nhập khẩu hàng bán cho doanh nghiệp chế xuất (EPE)

1.Tóm lược về mô hình kinh doanh

Chúng tôi là công ty thương mại, chủ yếu nhập khẩu hàng về cho khách hàng là doanh nghiệp chế xuất (90%)

Bản chất hàng nhập khẩu về là để cho doanh nghiệp chế xuất sử dụng để sản xuất hàng xuất khẩu

Cùng 1 loại hàng hóa này nếu doanh nghiệp chế xuất nhập khẩu về sẽ không cần đóng thuế – thuộc mặt hàng được miễn thuế. Tuy nhiên, Công ty khi nhập về lại phải đóng thuế

  1. Quy trình nhập khẩu

Cách 1: mở tờ khai nhập theo hình thức thông thường với loại hình A41, sau đó xuất đi với loại hình B11, đóng thuế nhập khẩu và thuế GTGT trước, sau đó làm thủ tục hoàn thuế sau. Công ty đã được hướng dẫn là có thể hoàn được thuế nhập khẩu, do bản chất là hàng nhập về để sản xuất xuất khẩu, không phải tiêu thụ nội địa nên có thể được hoàn (Công văn số 1776/TXNK-CST ngày 30/9/2015 của Cục Thuế xuất nhập khẩu – Tổng cục Hải quan). Tuy nhiênLuật hoàn thuế nhập khẩu hiện tại chỉ chấp nhận hoàn cho tờ khai xuất với loại hình B13 (Xuất khẩu hàng đã nhập khẩu) Nhưng công ty xuất khẩu hàng không phải trả lại mà là xuất khẩu hàng hóa kinh doanh thương mại đơn thuần, do đó ko thể dùng loại hình B13 này được. Ngoài ra, loại hình B13 này yêu cầu 100% kiểm hóa.

Cách 2: dùng kho ngoại quan. Hàng nhập về được công ty ủy quyền cho kho ngoại quan thông quan, sau đó khách hàng sẽ mở tờ khai nhập từ kho ngoại quan về. Do hàng được chuyển từ khu phi thuế quan này sang khu phi thuế quan khác nên không phải đóng thuế. Nhưng nhược điểm của cách làm này là tăng chi phí sử dụng kho ngoại quan, làm dài thời gian giao hàng nên khiến chúng tôi gặp khó khăn trong việc phục vụ khách hàng

Kiến nghị và yêu cầu: Cả 2 cách trên đều có bất cập cho Công ty. Bản chất hàng của Công ty thuộc diện hàng miễn thuế những vẫn phải đóng thuế và không được hoàn. Công ty hi vọng có thể được hướng dẫn 1 quy trình nhập khẩu mà chúng tôi có thể chứng minh được hàng của mình bán cho người sử dụng cuối cùng là doanh nghiệp chế xuất – từ đó không phải đóng thuế (ví dụ như hóa đơn mua hàng, hợp đồng mua hàng có xác nhận của khách hàng). Điều này rất quan trọng đối với 1 doanh nghiệp mạnh về nhập khẩu hàng như công ty chúng tôi, nếu được hỗ trợ về mặt quy trình nhập khẩu chúng tôi sẽ tiết kiệm được chi phí, thời gian giao hàng và giảm tải nhân công, từ đó đáp ứng được yêu cầu của khách hàng và đẩy mạnh sản lượng.

Trả lời:

Căn cứ hướng dẫn tại công văn số 2765/TCHQ-GSQL ngày 01/4/2015 của Tổng cục Hải quan thì:

– Loại hình B11 (Xuất kinh doanh) sử dụng trong trường hợp doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa kinh doanh thương mại đơn thuần ra nước ngoài hoặc xuất khẩu vào khu phi thuế quan, doanh nghiệp chế xuất theo hợp đồng mua bán và trường hợp thực hiện quyền kinh doanh xuất khẩu của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (bao gồm cả quyền kinh doanh của doanh nghiệp chế xuất).

– Loại hình B13 (Xuất khẩu hàng đã nhập khẩu) sử dụng trong trường hợp tái xuất để trả lại cho khách hàng nước ngoài; tái xuất sang nước thứ ba hoặc tái xuất vào khu phi thuế quan.

Đối chiếu với hướng dẫn nêu trên thì: Trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu sau đó xuất nguyên trạng hàng hóa vào khu phi thuế quan thì khai báo theo loại hình B13. Trường hợp doanh nghiệp đã nộp thuế thì doanh nghiệp được hoàn lại số thuế nhập khẩu đã nộp theo quy định tại khoản 8 Điều 114 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính. Số tiền thuế được hoàn được xử lý theo quy định tại Điều 49, Điều 132 Thông tư số 38/2015/TT-BTC.

 

Câu 5. Cải cách thủ tục (Vấn đề 10)

* Hiện trạng:

– Hiện tại thủ tục xuất khẩu sản phẩm ở Việt Nam được chia ra làm 2 dạng là xuất khẩu trực tiếp và xuất khẩu gián tiếp

– (Xuất khẩu trực tiếp) là hình thức xuất khẩu hàng hóa ứng với trường hợp doanh nghiệp sản xuất/doanh nghiệp xuất khẩu xuất trực tiếp ra nước ngoài một khối lượng lớn hàng sản xuất tại Việt Nam (Trên 10 tấn) qua cảng biển bằng container.

– ( (Xuất khẩu gián tiếp) ứng với trường hợp những nguyên vật liệu bán thành phẩm được sản xuất tại Việt Nam theo từng khối lượng ít (Từ 20kg ~ 1 tấn) sau đó được vận chuyển đến địa điểm sản xuất hàng thành phẩm bằng các xe tải cỡ nhỏ. Doanh nghiệp tiếp nhận hàng nguyên liệu đó để sản xuất thành hàng thành phẩm và xuất ra nước ngoài thông qua cảng biển.

– Hiện tại, phần lớn các doanh nghiệp ở Việt Nam là các doanh nghiệp cung ứng nguyên vật liệu bán thành phẩm. Và như trong trường hợp ‘xuất khẩu gián tiếp’ nêu trên, số lượng các ‘nguyên vật liệu bán thành phẩm’ cần thiết để sản xuất ra thành phẩm của doanh nghiệp xuất khẩu không nhiều, do đó khi cần thiết, thường với khoảng cách từ 2~3 ngày, sẽ phát sinh liên tục các đơn hàng không thường xuyên yêu cầu đặt hàng hoặc yêu cầu chuyển gấp.

* Vấn đề đặt ra

– Thực tế tại doanh nghiệp xuất khẩu, việc chuyển hàng gấp được quyết định dựa theo kế hoạch sản xuất và xuất khẩu của doanh nghiệp, đồng thời không thể đáp ứng đúng thời hạn theo quy định thông quan hiện nay (mất từ 3~5 ngày bao gồm cả thanh tra kiểm tra hàng hóa thực tế trước khi giao hàng) nên khó có thể áp dụng theo hình thức xuất khẩu gián tiếp.

– Nếu muốn đáp ứng đúng theo quy định thông quan thì ít nhất doanh nghiệp phải nhận được đơn hàng trước khoảng 10 ngày, nếu không thì không thể giao hàng đúng thời hạn được.

– Theo như quy định hiện hành, bên hải quan sẽ phải thực hiện các nghiệp vụ xử lý trùng lặp đối với các thủ tục thông quan xuất khẩu hàng bán thành phẩm và thủ tục thông quan xuất khẩu hàng thành phầm đối với từng hạng mục nên khối lượng hồ sơ thông quan xuất khẩu đối với từng doanh nghiệp, từng vụ việc sẽ nhiều lên gấp vài lần. Điều này sẽ khiến cho công tác xử lý của hải quan càng trở trên quá tải. Chính vì thế sẽ khiến cho việc tác nghiệp trở nên mang nặng tính hình thức, công tác kiểm tra của hải quan trở thành bất hợp lý gây lãng phí thời gian cho cả hải quan và doanh nghiệp.

* Kiến nghị:

Trong trường hợp xuất khẩu gián tiếp thì không áp dụng với doanh nghiệp xuất khẩu thành phẩm. Doanh nghiệp xuất khẩu thành phẩm sẽ thực hiện các thủ tục tái xuất, do đó trước khi các nguyên vật liệu được vận chuyển đến cho doanh nghiệp xuất khẩu nếu hải quan thực hiện xử lý trên giấy tờ trước, kiểm tra sau 1 cách triệt để mà không cần phải gửi trực tiếp hồ sơ và mẫu vật để thanh tra kiểm tra như hiện nay thì sẽ hiệu quả hơn rất nhiều.

Trả lời: Theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 25 Luật Hải quan năm 2014, thời hạn nộp tờ khai hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu là “nộp sau khi đã tập kết hàng hóa tại địa điểm người khai hải quan thông báo và chậm nhất là 04 giờ trước khi phương tiện vận tải xuất cảnh; đối với hàng hóa xuất khẩu gửi bằng dịch vụ chuyển phát nhanh thì chậm nhất là 02 giờ trước khi phương tiện vận tải xuất cảnh”. Vì vậy, theo quy định của Luật Hải quan năm 2014 thì tờ khai hải quan nộp sau khi đã tập kết hàng hóa tại địa điểm người khai hải quan thông báo. Thời hạn kiểm tra hồ sơ và kiểm tra thực tế hàng hóa được quy định cụ thể tại Điều 23 Luật Hải quan năm 2014, trong đó thời gian hoàn thành việc kiểm tra hồ sơ là không quá 02 giờ và kiểm tra thực tế hàng hóa là không quá 8 giờ.

Mặt khác, cơ quan Hải quan áp dụng quản lý rủi ro trong kiểm tra hải quan, việc đánh giá rủi ro, phân luồng kiểm tra đối với các lô hàng xuất nhập khẩu được thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 16, Điều 17, Điều 31, Điều 32, Điều 33 của Luật Hải quan năm 2014. Thời gian trung bình từ khi đăng ký tờ khai đến khi quyết định thông quan lô hàng xuất khẩu là 05 giờ 36 phút, giảm 5,5 giờ so với năm 2013 (11 giờ 06 phút).  Do đó, thời gian thông quan đối với các lô hàng “xuất khẩu gián tiếp” mà doanh nghiệp đề cập đã được cải thiện đáng kể nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp./.

NGUỒN: TỔNG CỤC HẢI QUAN

0913575247 Mr Đức ducnvtk4@gmail.com