Xử lý phế liệu , phế thải của hợp đồng gia công

Câu hỏi:

chúng tôi là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài, gia công hàng may mặc cho công ty mẹ ở nước ngoài, trong quá trình sản xuất gia công có phát sinh phế liệu, phế thải. Phế liệu, phế thải này chúng tôi có ký hợp đồng với công ty xử lý có đầy đủ chức năng và phải trả tiền tiêu hủy hàng tháng. Nhưng theo quy định tại như Thông tư số 38/2015/TT-BTC, Thông tư số 39/2018/TT-BTC, Nghị định số 134/2016/NĐ-CP thì phế liệu phế thải vật tư dư thừa khi tiêu thụ nội địa không phải làm thử tục chuyển đổi mục đích sử dụng nhưng phải kê khai tính thuế với cơ quan thuế, cơ quan hải quan theo đúng quy định. Vậy trường hợp phế liệu, phế thải không bán được, phải thuê để xử lý thì kê khai nộp thuế như thế nào? có phải kê khai không? – Theo điều 44 Nghị định số 69/2018/NĐ-CP: Khi tiêu hủy phế liệu phế thải của DN gia công phải có văn bản cho phép của Sở Tài nguyên môi trường và có sự giám sát của hải quan. Vậy phế liệu, phế thải phải thuê đơn vị tiêu hủy hàng tháng vì số lượng lớn, vậy phải thông báo với cơ quan Sở Tài nguyên môi trường như thế nào, có phải xin phép tiêu hủy hàng tháng không và Hải quan địa phương giám sát tiêu hủy như thế nào?

Ngày gửi: 01/10/2019 – Trả lời: 03/10/2019

Tên doanh nghiệp: Công Ty TNHH Foremart Viet nam

Địa chỉ: Phố Bùi thị cúc – TT Ân Thi – Ân Thi – Hưng Yên – Email : vietvui@foremart.com

Vướng mắc nêu trên, Cục Hải quan Đồng Nai có ý kiến trao đổi như sau:

– Căn cứ điều 10 Nghị định số 134/2018/NĐ-CP ngày 01/09/2019 của Chính phủ quy định:

Điều 10. Miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để gia công, sản phẩm gia công xuất khẩu

1. Hàng hóa nhập khẩu để gia công, sản phẩm gia công xuất khẩu theo hợp đồng gia công được miễn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu theo quy định tại khoản 6 Điều 16 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, gồm:

e) Hàng hóa nhập khẩu để gia công nhưng được phép tiêu hủy tại Việt Nam và thực tế đã tiêu hủy.

…4. Phế liệu, phế phẩm và nguyên liệu, vật tư dư thừa đã nhập khẩu để gia công không quá 3% tổng lượng của từng nguyên liệu, vật tư thực nhập khẩu theo hợp đồng gia công được miễn thuế nhập khẩu khi tiêu thụ nội địa, nhưng phải kê khai nộp thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường (nếu có) cho cơ quan hải quan.

– Căn cứ khoản 4 điều 44 Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15/05/2018 của Chính phủ quy định:

Điều 44. Thông báo, thanh lý, quyết toán hợp đồng gia công

4. Việc tiêu hủy các phế liệu, phế phẩm, phế thải (nếu có) chỉ được phép thực hiện sau khi có văn bản cho phép của Sở Tài nguyên – Môi trường và phải được thực hiện dưới sự giám sát của cơ quan Hải quan. Trường hp không được phép hủy tại Việt Nam thì phải tái xuất theo chỉ định của bên đặt gia công.

– Căn cứ khoản 42 điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/04/2018 của Bộ Tài chính quy định:

42. Điều 64 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 64. Thủ tục hải quan xử lý nguyên liệu, vật tư dư thừa; phế thải, phế liệu, phế phẩm; máy móc, thiết bị thuê, mượn

3. Thủ tục hải quan

d) Tiêu hủy nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị, phế liệu, phế phẩm tại Việt Nam:

d.1) Tổ chức, cá nhân có văn bản gửi Chi cục Hải quan nơi nhập khẩu nguyên liệu, vật tư phương án sơ hủy, tiêu hủy nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị, phế liệu, phế phẩm, trong đó nêu rõ hình thức, địa điểm tiêu hủy. Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm thực hiện việc tiêu hủy theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;

d.2) Cơ quan hải quan giám sát việc tiêu hủy, phế liệu, phế phẩm theo nguyên tắc quản lý rủi ro dựa trên đánh giá quá trình tuân thủ pháp luật của tổ chức, cá nhân;

d.3) Cơ quan hải quan thực hiện giám sát trực tiếp việc tiêu hủy nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị trừ trường hợp nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị tiêu hủy có trị giá dưới 1.000.000 đồng hoặc số tiền thuế dưới 50.000 đồng.

d.4) Trường hợp cơ quan hải quan giám sát trực tiếp việc tiêu hủy, khi kết thúc tiêu hủy, các bên tiến hành lập biên bản xác nhận việc tiêu hủy.

Riêng đối với tiêu hủy nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị, phế liệu, phế phẩm của doanh nghiệp ưu tiên, cơ quan hải quan không thực hiện việc giám sát.”

Như vậy, theo các quy định trên đối với phế liệu, phế thải của loại hình gia công  phải tiêu hủy thì không phải kê khai nộp thuế. Lưu ý công ty việc xử lý theo hình thức tiêu huỷ phải biến phế liệu, phế phẩm hoàn toàn không còn giá trị mới không phải kê khai nộp thuế và phế liệu, phế phẩm phải thật sự phát sinh trong qu1 trình gia công, sản xuất tại doanh nghiệp.

Về thủ tục tiêu hủy, công ty thực hiện theo quy định tại khoản 4 điều 44 Nghị định số 69/2018/NĐ-CP và khoản 42 điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC. Cơ quan hải quan sẽ giám sát việc tiêu hủy, phế liệu, phế phẩm theo nguyên tắc quản lý rủi ro dựa trên đánh giá quá trình tuân thủ pháp luật của công ty.

NGUỒN: HẢI QUAN ĐỒNG NAI

 

 

0913575247 Mr Đức ducnvtk4@gmail.com