Thủ tục “tiếp nhận và giải quyết hồ sơ” gây tốn kém thời gian và chi phí cho doanh nghiệp nhất

Có 26% DN gặp trở ngại với thủ tục “kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu”. Các thủ tục “cấp giấy phép nhập khẩu trang thiết bị y tế” và “cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm nhập khẩu” của Bộ Y tế có tỷ lệ DN gặp khó khăn trong thực hiện lần lượt ở mức 34% và 29%.

thu tuc tiep nhan va giai quyet ho so gay ton kem thoi gian va chi phi cho doanh nghiep nhat
Quang cảnh buổi công bố. Ảnh: Q.H

Sáng nay (22/6), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam công bố Báo cáo “Đánh giá mức độ hài lòng của DN và thời gian thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) qua Cơ chế một cửa quốc gia”. Đây là nỗ lực của các bên nhằm thúc đẩy tạo thuận lợi thương mại cho DN trong quá trình thực hiện TTHC xuất nhập khẩu.

Kết quả khảo sát là sự phối hợp tích cực, nghiêm túc

Phát biểu tại buổi công bố, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, thời gian qua, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Hải quan tích cực phối hợp với VCCI và các bên liên quan triển khai đánh giá mức độ hài lòng của DN việc thực hiện TTHC thông qua Cơ chế một cửa quốc gia và đo lường thời gian thực hiện TTHC của các bộ, ngành thông qua Cơ chế một cửa quốc gia .

Cuộc khảo sát đã được thực hiện ở 12 TTHC trong số 189 TTHC trên Cơ chế một cửa quốc gia. Trong đó, lựa chọn các thủ tục có số lượng hồ sơ lớn, tần suất lớn để khảo sát, đo mức độ hài lòng của DN trước. Đồng thời, khảo sát tại 5 bộ ngành có số lượng hồ sơ, tần suất nhiều nhất trong số 13 bộ, ngành tham gia Cơ chế một cửa quốc gia.

Trong thời gian tới, việc khảo sát sẽ được mở rộng các thủ tục, cũng như số lượng các bộ, ngành tham gia khảo sát trong việc thực hiện thủ tục về kiểm tra chuyên ngành thông qua Cơ chế một cửa quốc gia. Vì vậy, đề nghị các bộ, ngành quan tâm cải cách để kết quả khảo sát cải thiện nhiều hơn nữa.

“Kết quả khảo sát là sự phối hợp tích cực, nghiêm túc, khách quan, công tâm giữa Tổng cục Hải quan, VCCI, Dự án TFP, cộng đồng DN. Báo cáo kết quả khảo sát đã phân tích các ưu điểm, nhược điểm của Cơ chế một cửa quốc gia, đưa ra các tồn tại, vướng mắc trong thực hiện thủ tục của bộ, ngành liên quan, từ đó đề xuất các giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế nhằm tạo điều kiện hơn nữa trong hoạt động XNK, cộng đồng DN”, Thứ trưởng Vũ Thị Mai nhấn mạnh.

thu tuc tiep nhan va giai quyet ho so gay ton kem thoi gian va chi phi cho doanh nghiep nhat
Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai phát biểu tại buổi công bố. Ảnh: Q.H

Phản ánh ý kiến của gần 3.100 DN

Trình bày Báo cáo “Đánh giá mức độ hài lòng của DN và thời gian thực hiện TTHC qua Cơ chế một cửa quốc gia”, Trưởng Ban Pháp chế (VCCI) Đậu Anh Tuấn cho biết, báo cáo tổng hợp và phản ánh ý kiến của gần 3.100 DN về 12 TTHC, dịch vụ công có tần suất thực hiện nhiều nhất trên Cổng thông tin một cửa quốc gia. Tham gia khảo sát chọn mẫu ngẫu nhiên này là những DN có thực hiện TTHC trên Cổng thông tin một cửa quốc gia trong vòng 12 tháng gần nhất tính từ thời điểm bắt đầu khảo sát (cuối tháng 11/2019).

Những thủ tục trong diện đánh giá thuộc phạm vi quản lý nhà nước của 5 bộ, ngành gồm Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Y tế.

Kết quả khảo sát DN cho thấy, đa số các chức năng cơ bản trên Cổng Thông tin một cửa quốc gia hoạt động tốt; tỷ lệ DN đánh giá dễ/tương đối dễ thực hiện đối với các tính năng cơ bản như “tạo tài khoản và đăng nhập”, “xem và in hồ sơ” lần lượt là 95% và 93%.

Có tới 93% và 89% DN đánh giá dễ/tương đối dễ thực hiện đối với các tính năng “quản lý hồ sơ, và “xem và in giấy phép/chứng nhận”.

Dù vậy, vẫn còn một tỷ lệ đáng kể DN gặp khó khăn khi sử dụng tính năng “giải đáp vướng mắc khi sử dụng hệ thống” (35%), “rút/hủy hồ sơ” (26%). Có 27% DN chưa hài lòng với tình trạng hoạt động thiếu ổn định của Cổng do còn gặp những lỗi kết nối. Khoảng 20% DN phản ánh tốc độ xử lý các tác vụ trên cổng còn chậm.

Các thủ tục thuộc Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dễ thực hiện hơn so với các thủ tục thuộc 3 Bộ còn lại (Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải và Bộ Khoa học và Công nghệ).

Thủ tục “cấp chứng nhận xuất xứ ưu đãi C/O” và “Cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật nhập khẩu, quá cảnh và vận chuyển nội địa” là 2 thủ tục dễ tiến hành nhất với chỉ khoảng 15% DN cho biết có gặp khó khăn.

Hai thủ tục thuộc Bộ Giao thông vận tải gồm “Cấp giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu” và “Cấp giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe máy chuyên dùng” đều có 28% DN thực hiện những thủ tục này cho biết có gặp khó khăn.

Có 26% DN gặp trở ngại với thủ tục “kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu.” Các thủ tục “cấp giấy phép nhập khẩu trang thiết bị y tế” và “cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm nhập khẩu” của Bộ Y tế có tỷ lệ DN gặp khó khăn trong thực hiện lần lượt ở mức 34% và 29%.

Xem xét mức độ tốn kém thời gian và chi phí ở mỗi khâu khi làm các TTHC cho thấy “khai báo thông tin hồ sơ trên Cổng Thông tin một cửa quốc gia” là khâu ít tốn kém cho DN nhất. Tiếp đến là khâu “đánh giá sự phù hợp” của nhà nước hoặc tư nhân cung cấp, trong đó về cơ bản dịch vụ đánh giá sự phù hợp do tư nhân cung cấp có mức tốn kém chi phí thấp hơn. Đáng lưu ý trong hầu hết các thủ tục, khâu “tiếp nhận và giải quyết hồ sơ” thuộc trách nhiệm của các Bộ, ngành vẫn là khâu gây tốn kém thời gian và chi phí cho DN nhiều hơn cả.

Các DN cũng kiến nghị cần đẩy nhanh việc triển khai thanh toán điện tử, khắc phục các khó khăn của DN khi sử dụng chữ ký số và nâng cấp các chức năng giải đáp vướng mắc cho DN khi thực hiện TTHC và cung cấp thêm một số tiện ích hỗ trợ DN trên Cổng Thông tin một cửa quốc gia.

Thứ trưởng Vũ Thị Mai nhấn mạnh, với mong muốn tạo điều kiện hơn nữa cho cộng đồng DN liên quan đến hoạt động XNK, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã, đang và nỗ lực hết sức phối hợp hơp tác với các bộ, ngành liên quan để đẩy mạnh cải cách các TTHC và hiện đại hóa các khẩu thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu trên Cổng thông tin một cửa quốc gia nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực của cơ chế.

Trong đó, tập trung vào những nội dung cơ bản sau:

Thứ nhất, xây dựng, ban hành quyết định sửa đổi quyết định về phê duyệt kế hoạch hành động thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách kiểm tra chuyên ngành.

Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh triển khai Cơ chế một cửa quốc gia.

Thứ ba, các bộ, ngành tiếp tục triển khai Nghị định 85 quy định thực hiện TTHC theo Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK.

Thứ tư, xây dựng Nghị định quy định kết nối chia sẻ thông tin theo Cơ chế 1 cửa quốc gia.

Thứ năm, xây dựng đề án tổng thể về phát triển Hệ thống CNTT phục vụ triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN theo định hướng xử lý tập trung; xây dựng Đề án cải cách kiểm tra chuyên ngành theo hướng một cửa, tạo thuận lợi.

Thứ sáu, chuẩn bị xây dựng kế hoạch triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK và tạo điều kiện cho hoạt động thương mại giai đoạn 2021-2025

NGUỒN: BÁO HẢI QUAN

 

 

0913575247 Mr Đức ducnvtk4@gmail.com