Quản lý xuất nhập khẩu gỗ đối mặt hàng loạt rủi ro

Hiện nay có nhiều rủi ro trong quản lý hàng hoá xuất nhập khẩu mặt hàng gỗ và đồ gỗ. Điển hình như rủi ro trong khai hải quan, khai thuế, thời hạn làm thủ tục hải quan, thời hạn nộp thuế,…

quan ly xuat nhap khau go doi mat hang loat rui ro
Toàn ngành lâm sản đặt mục tiêu xuất khẩu 11 tỷ USD trong năm 2019. Ảnh: Nguyễn Thanh

Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT): Trong 10 năm trở lại đây, ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản Việt Nam có những bước tăng trưởng vượt bậc. Việt Nam đã trở thành nhà cung cấp gỗ và sản phẩm gỗ cho trên 120 quốc gia trên thế giới, trong đó có những thị trường có yêu cầu cao như: Mỹ, EU, Nhật bản, Hàn Quốc,…

Tính đến hết tháng 8, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ ước đạt 7,08 tỷ USD, tăng 18,6% so với cùng kỳ 2018. Với đà tăng trưởng như trên, ước cả năm, giá trị xuất khẩu lâm sản đạt khoảng 11 tỷ USD.

Theo ông Nguyễn Thế Cường, đại diện tổ chức Mạng lưới giám sát buôn bán động, thực vật hoang dã (TRAFFIC): Chính sách đóng cửa rừng tự nhiên của Chính phủ Việt Nam và một số nước xuất khẩu gỗ tự nhiên truyền thống cho Việt Nam trong những năm qua đã làm giảm lượng gỗ tự nhiên trong nước một cách nhanh chóng.

Việt Nam hiện nay đang là thị trường hàng đầu về tiêu thụ gỗ nguyên liệu. Tuy nhiên, gỗ nhập khẩu khi khai báo hải quan thì tên một loại gỗ lại được khai báo với nhiều tên khoa học khác nhau, gây khó khăn cho lực lượng hải quan. Mặt khác, thông tin về các quy định pháp lý có liên quan đến quản lý, khai thác, chế biến và thương mại gỗ tại một số quốc gia còn hạn chế.

Bên cạnh đó, chính sách quản lý tài nguyên của nhiều quốc gia cũng có nhiều bất cập, không đồng nhất, thậm chí xung đột lẫn nhau. Quản trị rừng tại nhiều quốc gia vẫn còn ở mức thấp, tiềm ẩn nhiều rủi ro với nước nhập khẩu, trong đó có Việt Nam.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngành chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu đang phấn đấu trở thành một ngành mũi nhọn trong sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam, có thương hiệu, uy tín trên thị trường quốc tế.

Cùng với đó, Việt Nam cũng đã ký kết Hiệp định VPA/FLEGT với EU và xây dựng Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam (VNTLAS). Do vậy, việc kiểm soát nguồn gốc gỗ là một yêu cầu rất quan trọng.

Theo ông Ngô Minh Hải, nguyên Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan), có nhiều rủi ro trong quản lý hàng hoá xuất nhập khẩu, trong đó có mặt hàng gỗ và đồ gỗ.

Cụ thể, rủi ro trong khai hải quan, khai thuế, thời hạn làm thủ tục hải quan, thời hạn nộp thuế,… chiếm đến 85% tổng số vi phạm phân loại theo hành vi. Bên cạnh đó còn có các rủi ro trong tuân thủ chính sách quản lý hàng hoá xuất nhập khẩu, về phân loại hàng hoá, về giá trị hải quan, xuất xứ và số lượng hàng hoá,…

“Lực lượng hải quan không được đào tạo bài bản về lâm nghiệp cũng như nhận dạng gỗ. Đây là một trong những khó khăn lớn đối với lực lượng này”, ông Ngô Minh Hải đánh giá.

Hiện nay, cơ quan Hải quan và cơ quan kiểm lâm được coi là “gác cửa” trong việc thực hiện kiểm soát nguồn gốc hợp pháp. Vì vậy, việc phối hợp chặt chẽ của hai lực lượng này sẽ góp phần quan trọng trong thực hiện các mục tiêu của ngành gỗ về bảo đảm nguồn gỗ hợp pháp.

Trong 2 ngày 19 – 20/9, tại Vĩnh Phúc, Tổng cục Lâm nghiệp đã phối hợp với Mạng lưới giám sát buôn bán động, thực vật hoang dã (TRAFFIC) tổ chức khoá tập huấn về thương mại gỗ hợp pháp và nhận dạng gỗ cho cán bộ hải quan và kiểm lâm khu vực phía Bắc. Sự kiện nằm trong khuôn khổ dự án “Kiểm soát gỗ bất hợp pháp trong xuất, nhập khẩu gỗ” thực hiện trong 2 năm (2019 – 2020).

Khoá tập huấn được tổ chức nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ hải quan và kiểm lâm trong việc thực hiện các quy định và giảm thiểu rủi ro trong kiểm soát xuất nhập khẩu gỗ và lâm sản.

Dự kiến, trong thời gian tới, Dự án sẽ tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn tương tự cho cán bộ hải quan và kiểm lâm khu vực miền Trung và miền Nam.

NGUỒN: BÁO HẢI QUAN

 

 

0913575247 Mr Đức ducnvtk4@gmail.com