Nỗ lực khơi thông dòng chảy thương mại

Với doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa, bên cạnh việc đang phải “gồng mình” phòng chống dịch Covid-19, vấn đề đặt ra là những khó khăn trong việc thực hiện thủ tục để thông quan nhanh hàng hóa đưa vào sản xuất, kinh doanh. Trong bối cảnh đó, cơ quan Hải quan đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.

Công chức Hải quan TPHCM làm thủ tục cho hàng hóa XNK qua cảng Cát Lái. 	Ảnh: T.H
Công chức Hải quan TPHCM làm thủ tục cho hàng hóa XNK qua cảng Cát Lái. Ảnh: T.H

Hải quan “3 tại chỗ”

Đầu tiên là những nỗ lực đảm bảo duy trì các khâu nghiệp vụ thực hiện thủ tục hải quan cho doanh nghiệp. Nhiều công chức hải quan đã phải xa gia đình dài ngày để thực hiện nhiệm vụ “3 tại chỗ”.

Còn nhớ giai đoạn tháng 5/2021, khi dịch bùng phát tại Bắc Giang, Bắc Ninh, tại Chi cục Hải quan Bắc Ninh đã có trường hợp công chức có xét nghiệm dương tính với Sars-CoV-2. Trong thời điểm đó, bên cạnh thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch, để đảm bảo thông quan hàng hóa cho doanh nghiệp, Chi cục đã lập tức bố trí sắp xếp công chức theo phương án phòng chống dịch. Điều đáng nói, phần lớn trường hợp F2 đã tự nguyện ở lại sinh hoạt ngay tại trụ sở đơn vị để vừa đảm bảo hoạt động nghiệp vụ tại đơn vị, vừa chống dịch. Vì thế, mặc dù chịu ảnh hưởng lớn dịch Covid-19, nhưng mọi hoạt động tại Chi cục Hải quan Bắc Ninh trong thời gian này vẫn diễn ra thông suốt.

Trong đợt dịch thứ tư này, tại địa bàn các tỉnh phía Nam diễn ra rất nhanh, mạnh, phạm vi ảnh hưởng rộng, đặc biệt nhiều địa phương có khu công nghiệp lớn nhất trong cả nước như TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương… Các đơn vị hải quan thực hiện nhiệm vụ trên các địa bàn này đã khẩn trương triển khai các phương án.

Tại Cục Hải quan TPHCM, để đảm bảo an toàn cho lực lượng trọng yếu thực hiện thông quan hàng hóa, một số đơn vị trực thuộc cũng triển khai phương án “3 tại chỗ”. Tại các chi cục hải quan cửa khẩu và ngoài cửa khẩu việc triển khai phương án 3 tại chỗ của mỗi đơn vị, mặc dù có sự khác nhau do phụ thuộc vào điều kiện cơ sở vật chất của nơi trú đóng, nhưng tựu trung lại, cán bộ công chức đều rất nỗ lực, đồng lòng với mục đích chung đảm bảo tốt nhất công tác phòng chống dịch và thông quan hàng hóa cho doanh nghiệp.

Không chỉ các địa phương trên, tại nhiều đơn vị hải quan trên cả nước, các cửa khẩu cũng linh hoạt tổ chức các phương án bố trí công chức thực hiện nhiệm vụ vừa đảm bảo hoạt động thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu được thông suốt, vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch tại đơn vị.

Giải pháp kịp thời khơi thông dòng chảy thương mại

Khi dịch bùng phát, nhiều địa phương áp dụng giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh thì một vấn đề đặt ra đối với các doanh nghiệp XNK là làm sao để nộp được các chứng từ giấy theo quy định thuộc hồ sơ hải quan. Trước tình hình đó, để tạo thuận lợi cho người khai hải quan trong việc giải quyết thủ tục thông quan hàng hóa đảm bảo mục tiêu kép vừa chống dịch có hiệu quả vừa đảm bảo hoạt động XNK được thông suốt, Tổng cục Hải quan đã chấp nhận cho doanh nghiệp được nộp bản scan một số chứng từ thuộc hồ sơ hải quan theo quy định phải nộp bản chính như: Giấy phép hoặc giấy chứng nhận kiểm tra nhà nước về chất lượng để doanh nghiệp có thể thực hiện ngay thủ tục thông quan hàng hóa và nộp bổ sung các bản chính sau khi hàng hóa được thông quan.

Lắng nghe vướng mắc của doanh nghiệp, Tổng cục Hải quan cũng nhanh chóng có văn bản hướng dẫn tạo thuận lợi trong việc nộp C/O, chấp nhận bản scan hoặc bản chụp C/O mẫu KV, AK do Hàn Quốc phát hành, được người khai hải quan nộp theo hình thức đính kèm tờ khai hải quan nhập khẩu thông qua Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải không yêu cầu người khai hải quan nộp bản giấy C/O mẫu KV, AK.

Những nỗ lực khơi thông dòng chảy XNK hàng hóa được thấy rõ nét bằng sự vào cuộc tích cực của cơ quan Hải quan, khi có những luồng thông tin về nguy cơ xảy ra tình trạng ùn tắc hàng hóa tại cảng Cát Lái- khu vực cảng biển có lượng hàng hóa lưu thông lớn nhất Việt Nam.

Ngay sau khi tiếp nhận được thông tin phản ánh của Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn và báo cáo đề xuất của Cục Hải quan TPHCM, lãnh đạo Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo Cục Giám sát quản lý về hải quan khẩn trương nghiên cứu, đề xuất giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tránh tình trạng ùn tắc hàng hóa tại cảng và không làm ảnh hưởng đến hoạt động xếp dỡ hàng hóa tại cảng; xuất cảnh, nhập cảnh phương tiện vận tải.

Ngày 2/8, Tổng cục Hải quan ban hành công văn 3847/TCHQ-GSQL giải quyết tình trạng ùn tắc hàng hóa tại cảng Cát Lái, cho phép Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn được vận chuyển hàng hóa từ Cảng Cát Lái đến các khu vực cảng biển/cảng cạn trong cùng hệ thống cảng biển của Tổng công ty trên địa bàn TPHCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai để giải tỏa tình trạng ùn tắc, quá tải tại cảng Cát Lái và hỗ trợ các doanh nghiệp có thể thực hiện thông quan hàng hóa ngay trên địa phương mình mà không phải di chuyển đến TPHCM để nhận hàng. Ngay sau đó một cuộc họp trực tuyến do Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành chủ trì đã được tổ chức để đốc thúc, tháo gỡ vướng mắc để đẩy nhanh tốc độ luân chuyển hàng hóa tại cảng Cát Lái.

Theo Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan Đào Duy Tám, các hoạt động xếp dỡ, vận chuyển hàng hóa đã trở lại trạng thái bình thường. Điều này cho thấy các giải pháp mà Tổng cục Hải quan đã thực hiện mang lại hiệu quả thực sự, không chỉ giải quyết được tình trạng ùn ứ hàng hóa tại cảng mà còn góp phần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương có thể tiếp nhận hàng hóa ngay trên địa bàn của mình, không phải di chuyển đến TPHCM, đảm bảo việc lưu thông hàng hóa và phòng chống dịch theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.

Ngoài ra, một số giải pháp khác cũng được Tổng cục Hải quan chỉ đạo hướng dẫn nhằm hỗ trợ doanh nghiệp như: công văn hướng dẫn hải quan địa phương xem xét không xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp mà doanh nghiệp chậm làm thủ tục hải quan không đúng thời hạn theo quy định của pháp luật do doanh nghiệp không thể nhận hàng trong tình huống bất khả kháng. Hay tạm dừng tổ chức kiểm tra thực tế điều kiện hoạt động đại lý làm thủ tục hải quan tại doanh nghiệp, cơ quan Hải quan chỉ kiểm tra bộ hồ sơ do doanh nghiệp nộp để thực hiện việc gia hạn hoặc công nhận đủ điều kiện hoạt động đại lý hải quan theo quy định.

Đặc biệt liên quan đến thông quan hàng hóa là vật tư, trang thiết bị y tế, tân dược, vắc xin, sinh phẩm xét nghiệm phục vụ phòng chống dịch Covid-19, Tổng cục Hải quan đã có các chỉ đạo đơn vị hải quan địa phương giải quyết nhanh, thông quan ngay trong ngày hàng hóa phục vụ hoạt động khám, chữa bệnh.

Có thể thấy, các giải pháp mà Tổng cục Hải quan triển khai đã và đang góp phần không nhỏ trong việc ổn định các hoạt động sản xuất của doanh nghiệp và cố gắng hỗ trợ các doanh nghiệp trở lại các hoạt động sản xuất ở trạng thái “bình thường mới”.

NGUỒN: BÁO HẢI QUAN

0913575247 Mr Đức ducnvtk4@gmail.com