Nhiều rủi ro về buôn lậu, gian lận thương mại từ hàng quá cảnh

Ngày 16/4, thông tin tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và phương hướng nhiệm vụ năm 2021 của Ban Chỉ đạo 389 TPHCM, lãnh đạo UBND TPHCM cho rằng các đối tượng buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả xảy ra trên địa bàn TPHCM ngày càng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, đặc biệt nhiều rủi ro về buôn lậu, gian lận thương mại từ hàng quá cảnh.

Nhiều rủi ro về buôn lậu, gian lận thương mại từ hàng quá cảnh
Cục trưởng Cục Hải quan TPHCM Đinh Ngọc Thắng (thứ 3 từ trái qua) nhận Bằng khen của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia về thành tích xuất sắc trong hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Ảnh T.D

Nhiều rủi ro về hàng quá cảnh

Bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, do có vị trí thuận lợi, quy mô hoạt động sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa, dịch vụ và thương mại cao nên TPHCM là địa bàn mà các đối tượng lợi dụng để vận chuyển, chứa trữ, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng cấm, hàng vi phạm về sở hữu công nghiệp và sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, gian lận thương mại,… ảnh hưởng không tốt đến nền kinh tế thị trường, tác động đến nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh chân chính.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp thuê mặt bằng kho của các công ty lớn có uy tín lâu năm trên thị trường để làm nơi cất giấu hàng hóa nhập lậu, hàng giả mạo nhãn hiệu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, kém chất lượng. Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, đã xuất hiện nhiều nơi sản xuất, mua bán khẩu trang kém chất lượng, không đảm bảo an toàn cho người sử dụng nhiều đối tượng mua gom khẩu trang, găng tay, dung dịch diệt khuẩn bán lại và nâng giá bất hợp lý nhằm thu lợi bất chính đã ảnh hưởng đến thị trường và công tác phòng, chống dịch bệnh.

Báo cáo tham luận tại hội nghị, ông Nguyễn Quốc Thắng, Phó Đội trưởng Đội Kiểm soát hải quan, Cục Hải quan TPHCM cho biết, hiện nay, các đối tượng đã chuyển qua tổ chức buôn lậu, gian lận theo phương thức nhỏ lẻ, thủ đoạn tinh vi hơn và vẫn diễn ra tình trạng các đối tượng lợi dụng cơ chế chính sách thông quan qua việc phân luồng tự động để buôn lậu hàng hóa có trị giá cao, XNK hàng cấm, hàng có điều kiện, hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ. Tạo ra sự dịch chuyển hàng hóa về các địa bàn thuộc tỉnh, thành phố lân cận, quá cảnh qua Lào và Campuchia là nơi chưa có điều kiện trang bị máy móc như máy soi hàng hóa, máy soi container…

Trong năm qua, Cục Hải quan TPHCM đã phát hiện, bắt giữ, lập biên bản vi phạm 1.528 vụ, trị giá hàng vi phạm gần 1.534 tỷ đồng; trong đó khởi tố 8 vụ, chuyển cơ quan khác khởi tố 31 vụ. Đặc biệt, có 140 vụ việc vi phạm hành chính liên quan đến hàng tạm nhập tái xuất, quá cảnh.

Đặc biệt, mới đây các doanh nghiệp lợi dụng hình thức hàng quá cảnh, tái xuất, hàng xuất kho ngoại quan từ Việt Nam sang Campuchia để tiến hành buôn lậu, giân lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng nhập khẩu có điều kiện biên giới.

Điển hình, trong tháng 12/2020 Cục Hải quan đã phối hợp với Đội 3 Cục Điều tra Chống buôn lậu Tổng cục Hải quan phát hiện vụ quá cảnh 93 kg sừng tê giác tại Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất.

Nhiều rủi ro về buôn lậu, gian lận thương mại từ hàng quá cảnh
Đại diện các tập thể nhận Bằng khen của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia về thành tích xuất sắc trong hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Ảnh T.D

Lập tài khoản giả để kinh doanh

Mặt khác, theo Cục Quản lý thị trường TPHCM, việc tạo lập tài khoản sử dụng thông tin giả để bán hàng trên các trang mạng xã hội hoặc các website thương mại điện tử rất phổ biến nên rất khó để xác định được đối tượng vi phạm và nơi chứa trữ hàng hóa vi phạm để kiểm tra, xử lý.

Song song đó, hàng hóa giao dịch trên thương mại điện tử thường được vận chuyển bằng ô tô, xe máy thông qua các đơn vị vận chuyển độc lập như: Grab, Be, Giao hàng nhanh…, với số lượng ít, cơ động và khó phát hiện. Địa điểm hoạt động, chứa hàng của các cơ sở kinh doanh là khu vực gần cảng, sân bay, nhà ga, tuyến quốc lộ, đặc biệt nhiều đối tượng sử dụng chung cư cao cấp rất khó tiếp cận để hoạt động kinh doanh, chứa trữ hàng hóa dân đến khó khăn trong việc tiếp cận, phát hiện và xử lý vi phạm.

Trong năm 2020, Cục Quản lý thị trường TPHCM đã phối hợp với Công an, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng có liên quan kiểm tra, xử lý đối với 96 tổ chức, cá nhân kinh doanh có hành vi vi phạm pháp luật về website thương mại điện phạt với tổng số tiền trên 1,8 tỷ đồng.

Theo đó, để thương mại điện tử thực sự trở thành động lực cho nền kinh tế thì cần phải tạo ra một môi trường kinh doanh bình đẳng, có sự cạnh tranh lành mạnh, thuận lợi, trong sạch ngoài việc hoàn thiện các quy định pháp luật, nâng cao ý thức của tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng thì việc đấu tranh phát hiện, xử lý các hoạt động vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử từ cơ quan chức năng.

Ngoài ra, người tiêu dùng cần mua sắm tại các website thương mại điện tử uy tín đã được đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; khi mua trên các trang mạng xã hội cần xem xét kỹ thông tin người bán, địa chỉ rõ ràng, khi nhận hàng hóa phải xem kỹ hàng hóa có chất lượng, có nhãn hàng hóa hoặc các tài liệu liên quan kèm theo có đầy đủ thông tin theo quy định.

Trong năm 2020, Ban Chỉ đạo 389 TPHCM đã kiểm tra, bắt giữ 25.538 vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, giảm trên 45% so với cùng kỳ năm trước. Tiến hành xử phạt vi phạm hành chính 24.750 vụ, thu nộp ngân sách nhà nước trên 5.765 tỷ đồng. Các lực lượng chức năng khởi tố hình sự 113 vụ với 123 đối tượng.

NGUỒN: BÁO HẢI QUAN

0913575247 Mr Đức ducnvtk4@gmail.com