Ngành thép chủ động “sống chung” với các vụ kiện phòng vệ thương mại

Việc thường xuyên phải ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại là một thách thức lớn cho ngành thép Việt Nam nhưng đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp thép nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập sâu rộng hơn vào thị trường thép toàn cầu.

30% vụ phòng vệ thương mại nhắm tới ngành thép

Ngày 3/10/2024, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) nhận được thông tin về việc Cục Ngoại Thương Thái Lan (Cơ quan điều tra) đã đăng công báo về việc khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng thép không gỉ cán nguội có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Việt Nam.

Trước đó, ngày 25/9, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã chính thức khởi xướng điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp với thép chống ăn mòn (thép CORE) nhập khẩu từ Việt Nam.

DOC đã gửi thông báo khởi xướng rút gọn tới Cục Phòng vệ thương mại với một số thông tin chung như thời kỳ điều tra chống bán phá giá là 6 tháng đầu năm 2024, thời kỳ điều tra chống trợ cấp là năm 2023, thời kỳ điều tra thiệt hại là 3 năm (2021- 2023).

Việt Nam là một trong 10 quốc gia, vùng lãnh thổ bị điều tra, gồm Canada, Mexico, Brazil, Hà Lan, Đài Loan (Trung Quốc), Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập Thống nhất, Việt Nam, Australia và Nam Phi.

Đây đều là các quốc gia thuộc top 10 xuất khẩu sản phẩm bị điều tra vào Hoa Kỳ, chiếm tới 75% kim ngạch nhập khẩu vào Hoa Kỳ năm 2023. Trong thông báo khởi xướng, DOC xác định trong 3 năm 2021-2023, Việt Nam xuất khẩu lần lượt 626, 751, 242 triệu USD sản phẩm bị điều tra sang Hoa Kỳ, xếp thứ 3 trong số 10 quốc gia, vùng lãnh thổ bị điều tra, chỉ sau Canada và Mexico.

Theo ông Đinh Quốc Thái, Tổng thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong 8 tháng đầu năm 2024, sản xuất và bán hàng thép thành phẩm đạt khoảng 19 triệu tấn (tăng 9%), xuất khẩu thép thành phẩm ước đạt 8,6 triệu tấn (tăng 8,5% so với cùng kỳ 2023).

Sản phẩm thép được xuất khẩu đến hơn 30 quốc gia, vùng lãnh thổ và khu vực trên thế giới như: Khu vực ASEAN (26%), EU (25%), Hoa Kỳ (15%), Đài Loan (4%)… còn lại là các quốc gia khác.

Trong 2 thập kỷ qua song hành với sự tăng trưởng, ngành thép cũng đối diện với thách thức không nhỏ từ các vụ việc phòng vệ thương mại.

Tính đến tháng 8/2024, ngành thép đối mặt 78 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại, chiếm 30% số vụ việc phòng vệ thương mại liên quan tới các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam.

Hiện, Hoa Kỳ là quốc gia áp dụng nhiều biện pháp phòng vệ thương mại đối với thép của Việt Nam nhất.

Doanh nghiệp từng bước chuyên nghiệp hóa

Ông Đinh Quốc Thái đánh giá, sau một thời gian đối mặt với nhiều vụ việc điều tra phòng vệ thương mại, Hiệp hội Thép Việt Nam và các doanh nghiệp thép đã từng bước chuyên nghiệp hóa, đáp ứng các yêu cầu của cơ quan điều tra các nước cùng với sự chuẩn bị kỹ càng trong nội tại doanh nghiệp, nhiều vụ việc đã có được kết quả đáng ghi nhận. Chẳng hạn năm 2019, KADI (Indonesia) thông báo dừng quyết định áp thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng tôn lạnh sau 2 năm điều tra; năm 2020, Australia chấm dứt điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với mặt hàng ống thép chính xác.

Gần đây nhất là năm 2023, Mexico kết luận Việt Nam không tồn tại thị trường đặc biệt và mức thuế áp cho doanh nghiệp Việt Nam (6,4-10,84%) thấp hơn so với Trung Quốc (24-77%).

Theo ông Thái, kết quả trong kháng cự phòng vệ thương mại có được phụ thuộc rất lớn vào chất lượng phối hợp giữa các bên liên quan, gồm: doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, cơ quan Nhà nước, trong đó, vai trò của các cơ quan thương vụ của Việt Nam ở nước ngoài là quan trọng.

“Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài đóng vai trò nắm bắt thông tin các giai đoạn, diễn biến, kết quả của vụ việc và kịp thời thông báo về Việt Nam. Gần đây, chúng tôi cũng được tiếp nhận các thông tin cảnh báo sớm thông qua Cục Phòng vệ thương mại, tham tán…

Từ đó, hiệp hội và cộng đồng các doanh nghiệp có liên quan tới vụ việc đã có thêm chuẩn bị tinh thần và thêm thời gian lên phương án kháng kiện khi vụ việc xảy ra”, ông Thái chia sẻ.

Trong thời gian tới, VSA đề nghị Bộ Công Thương, cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại nước ngoài tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp.

Cục Phòng vệ thương mại tiếp tục đưa ra các khuyến nghị kịp thời về vụ việc phát sinh, về kỹ thuật, lập luận, tư vấn triển khai các vụ việc; hỗ trợ trao đổi thông tin, trình bày lập luận, quan điểm của Chính phủ Việt Nam về kết luận của cơ quan điều tra liên quan đến các chế độ chính sách của Chính phủ Việt Nam.

Cục Xúc tiến thương mại tiếp tục hỗ trợ giới thiệu và tiếp tục kết nối các chương trình giao thương thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa thép.

Ngoài ra, các Thương vụ Việt Nam tại nước có nhập khẩu thép Việt Nam cần tiếp tục cập nhật, cảnh báo, hỗ trợ làm rõ quy định điều tra của Chính phủ nước nhập khẩu; hỗ trợ cung cấp danh mục các sản phẩm nước bạn cần, giới thiệu mạng lưới luật sư tư vấn, kết nối doanh nghiệp với cộng đồng các nhà nhập khẩu…

Theo ông Đinh Quốc Thái, mặc dù các vụ việc phòng vệ thương mại là một thách thức lớn cho ngành thép Việt Nam nhưng cũng là cơ hội để doanh nghiệp thép nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập sâu rộng hơn vào thị trường thép toàn cầu.

NGUỒN HẢI QUAN ONLINE

0913575247 Mr Đức ducnvtk4@gmail.com