Ngành Hải quan tiếp tục kiểm soát chặt phế liệu nhập khẩu

Trung Quốc, Malaysia, những quốc gia nhập khẩu phế liệu hàng đầu thế giới, đang tiếp tục siết chặt hoạt động nhập khẩu với nhóm hàng này trong năm 2019. Do đó nguy cơ hàng phế liệu tràn vào Việt Nam là có thể xảy ra.

Lực lượng Hải quan kịp thời phát hiện, ngăn chặn một container chứa đầy rác thải nhựa, bốc mùi hôi thối, không đạt tiêu chuẩn nhập khẩu tại cảng Hải Phòng.
Ảnh: Ngọc Linh

Thêm 8 nhóm bị Trung Quốc cấm nhập

Theo Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan), từ 1/1/2019, Trung Quốc tiếp tục bổ sung thêm 8 chủng loại phế liệu vào danh sách cấm nhập khẩu (tăng từ 24 chủng loại năm 2018 lên 32 chủng loại).

Đồng thời, Malaysia- nước đứng đầu danh sách nhập khẩu phế liệu nhựa trên thế giới, từ năm 2019 cũng gần như cắt giảm hầu hết danh mục phế liệu được phép nhập khẩu vào quốc gia này.

Do chính sách cấm nhập khẩu của các nước xung quanh khu vực trước đây đứng đầu về danh sách nhập khẩu phế liệu nhiều nhất thế giới có sự thay đổi lớn vào đầu năm 2019 nên Cục Giám sát quản lý dự đoán xu hướng trong năm 2019, phế liệu sẽ tiếp tục dịch chuyển mạnh vào Việt Nam làm gia tăng lượng phế liệu nhập khẩu; có khả năng xuất hiện thủ đoạn buôn lậu qua đường bộ.

Nhận định trên hoàn toàn có cơ sở. Bởi, những tháng cuối năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018 khi Trung Quốc có chủ trương cấm nhập khẩu 24 loại phế liệu trong đó có nhiều chủng loại phế liệu nhựa có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao thì lượng phế liệu nhựa nhập khẩu vào Việt Nam gia tăng đột biến.

Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2018, Việt Nam đã nhập khẩu 274,7 nghìn tấn phế liệu nhựa, tăng hơn 200% so với cùng kỳ năm 2017 và bằng hơn 70% lượng nhập khẩu của cả năm 2017.

Tình hình chỉ được cải thiện khi từ tháng 7/2018, Tổng cục Hải quan chỉ đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát; thực hiện kiểm tra thực tế đối với mặt hàng phế liệu nhập khẩu, lượng phế liệu nhựa nhập khẩu về Việt Nam mới giảm rõ rệt.

Cụ thể, 6 tháng cuối năm 2018, tổng lượng phế liệu nhựa nhập khẩu về Việt Nam chỉ là 107,1 nghìn tấn, giảm hơn 250% so với 6 tháng đầu năm 2018.

Theo Cục Giám sát quản lý về hải quan, qua đánh giá của các tổ chức kinh tế, môi trường trên thế giới cho thấy, năm 2017 Việt Nam là thị trường đứng thứ 4 thế giới về nhập khẩu phế liệu nhựa sau Trung Quốc, Hồng Kông và Malaysia.
Tuy nhiên, đến năm 2018 sau khi Trung Quốc cấm nhập khẩu 24 loại phế liệu thì lượng phế liệu nhựa nhập khẩu vào Trung Quốc và Hồng Kông đã giảm trên 90% so với năm 2017. Và Việt Nam đã trở thành thị trường đứng thứ 2 trong danh sách nhập phế liệu nhựa nhiều nhất thế giới trong năm ngoái chỉ sau Malaysia.

Chủ động phương án kiểm soát

Trước những diễn biến mới, để tiếp tục kiểm soát phế liệu nhập khẩu một cách hiệu quả, ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận, không để Việt Nam trở thành bãi rác của thế giới, Tổng cục Hải quan tiếp tục chỉ đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát; quản lý chặt chẽ đối với mặt hàng phế liệu nhập khẩu. Tập trung triển khai có hiệu quả Chỉ thị 27/CT-TTg ngày 17/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất. Trong đó, hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ Quyết định quy định quy chế phối hợp giữa các bộ, ngành trong việc kiểm soát phế liệu nhập khẩu.

Tăng cường công tác quản lý phế liệu nhập khẩu vào Việt Nam nhằm đảm bảo chỉ phế liệu đáp ứng các điều kiện quy định của pháp luật được nhập khẩu vào Việt Nam làm nguyên liệu sản xuất.

Xây dựng quy chế phối hợp liên ngành về quản lý nhập khẩu phế liệu nhập khẩu giữa các Bộ: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Giao thông vận tải, Công an, Quốc phòng, Ngoại giao, Khoa học Công nghệ và UBND các tỉnh, thành phố.

Một giải pháp quan trọng khác được Tổng cục Hải quan đặt ra là phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành liên quan xử lý dứt điểm các container phế liệu tồn đọng tại cảng, kiên quyết yêu cầu buộc tái xuất các lô hàng là chất thải, phế liệu gây ô nhiễm môi trường ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Đồng thời, tiếp tục trao đổi với Bộ Tài nguyên và Môi trường để tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp khi thực hiện Thông tư 08/2018/TT-BTNMT và Thông tư 09/2018/TT-BTNMT.

Song song đó, Tổng cục Hải quan tiếp tục chỉ đạo các cục hải quan địa phương tăng cường công tác thu thập thông tin, áp dụng quản lý rủi ro để chủ động đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn các thủ đoạn buôn lậu, gian lận thương mại như vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, khai gian về số lượng, sử dụng giấy tờ giả, khai sai tên hàng…

NGUỒN: BÁO HẢI QUAN

0913575247 Mr Đức ducnvtk4@gmail.com