Kiểm tra hàm lượng formaldehyt: “Tháo rào” nhưng vẫn phải quản lý chất lượng hàng hóa

Việc Bộ Công Thương bãi bỏ Thông tư 37/2015/TT-BCT quy định về mức giới hạn và việc kiểm tra hàm lượng fomaldehyt và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may là tin vui với rất nhiều doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo ông Ngô Minh Hải- Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan), Bộ Công Thương vẫn cần có giải pháp để đảm bảo hàng hóa có chất lượng đến tay người tiêu dùng.

 

Trước thông tin Bộ Công Thương ban hành Thông tư bãi bỏ Thông tư 37/2015/TT-BCT, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào? 

Thông tư 37/2015/TT-BCT được Bộ Công Thương ban hành nhằm khắc phục những bất cập trong Thông tư 32/2009/TT-BCT trước đó, tuy nhiên ngay khi Thông tư này đưa vào triển khai thực hiện đã phát sinh một số vấn đề vướng mắc chưa khắc phục được nhiều bất cập từ trước, chưa thực sự tạo thuận lợi cho doanh nghiệp XNK hàng dệt may. Một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này đã phản ánh trực tiếp đến Bộ Công Thương, đến cơ quan Hải quan về những khó khăn, vướng mắc mới dẫn đến làm tăng thêm chi phí cho doanh nghiệp, gây phản ứng trong dư luận.

Từ thực tiễn hoạt động XNK, Tổng cục Hải quan đã có văn bản phản ánh và kiến nghị với Bộ Công Thương để loại bỏ những bất cập như: chi phí kiểm tra tốn kém; kiểm tra nhiều nhưng tỉ lệ vi phạm rất ít; chưa áp dụng đúng các nguyên tắc của phương pháp quản lý rủi ro trong việc kiểm tra hàng hóa – vẫn thực hiện kiểm tra theo lô hàng hóa chứ không phải kiểm tra trên cơ sở phân tích thông tin, đánh giá việc chấp hành pháp luật nói chung của doanh nghiệp XNK; việc kiểm tra không loại trừ hàng hóa nhập khẩu từ các nước, hãng có uy tín trên thế giới; hay doanh nghiệp chỉ nhập hàng hóa để gia công nhưng vẫn phải kiểm tra, đánh giá…

Trước phản ứng của dư luận, doanh nghiệp về Thông tư 37 của Bộ Công Thương, tại Nghị quyết 19/2016/NQ-CP của Chính phủ đã chỉ rõ phải sửa đổi Thông tư 37. Đến nay Bộ Công Thương đã bãi bỏ Thông tư 37. Tuy nhiên, Bộ Công Thương cần làm rõ các vấn đề liên quan đến việc thực thi quy định mới này. Bởi danh mục hàng hóa trong Thông tư 37 lại nằm trong danh mục hàng hóa nhóm 2 (danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương) tại Thông tư 41/2015/TT-BCT. Theo Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa danh mục hàng hóa nhóm 2 thuộc đối tượng phải kiểm tra chất lượng khi NK. Chính vì vậy, để chủ trương mới phát huy hiệu quả, Bộ Công Thương cần rà soát danh mục hàng hóa nhóm 2 để rút bớt những mặt hàng cần kiểm tra ở khâu NK chuyển sang khâu sau thông quan (trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường).

Quyết định của Bộ Công Thương cũng có nghĩa các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này được tháo bỏ hoàn toàn những gánh nặng đang gặp phải. Với cơ quan quản lý thì làm cách nào để đảm bảo hàng hóa có chất lượng đến tay người tiêu dùng?

Rõ ràng việc “tháo rào” của Bộ Công Thương là một tin vui đối với rất nhiều doanh nghiệp. Nếu như trước đây việc quản lý được thắt chặt thì nay “mở hết”. Điều này đặt ra vấn đề phải có giải pháp nào đó để hàng đến tay người tiêu dùng đảm bảo chất lượng.

Quan điểm của Tổng cục Hải quan thì phương thức quản lý, kiểm tra cần thực hiện trên cơ sở nguyên tắc quản lý rủi ro, kiểm tra ngẫu nhiên, xác suất; đánh giá kiểm tra trên mức độ tuân thủ của từng doanh nghiệp. Doanh nghiệp tuân thủ, chấp hành tốt pháp luật thì cần được tạo điều kiện thuận lợi, nhưng những doanh nghiệp không chấp hành tốt pháp luật, thường xuyên vi phạm thì rõ ràng họ sẵn sàng nhập những sản phẩm không đảm bảo chất lượng để tiêu thụ trên thị trường. Vì vậy cơ quan quản lý cũng phải có giải pháp cần thiết để kiểm tra doanh nghiệp, nếu phát hiện ra cần xử lý thỏa đáng.

Xin cảm ơn ông!

Ngọc Linh (thực hiện)

NGUỒN: BÁO HẢI QUAN
0913575247 Mr Đức ducnvtk4@gmail.com