Kết quả tích cực sau 2 năm hỗ trợ doanh nghiệp tăng mức độ tuân thủ pháp luật hải quan

Nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp

Trong 2 năm triển khai thí điểm Chương trình khuyến khích, hỗ trợ DN tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan, cơ quan Hải quan đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ đối với các DN thành viên.

Đó là, thực hiện tư vấn, hỗ trợ hướng dẫn theo các cam kết tại Biên bản ghi nhớ ký kết đối với DN thành viên Chương trình khi có yêu cầu.

Tổng cục Hải quan luôn xác định đồng hành cùng DN là nhu cầu, là trách nhiệm của ngành Hải quan trong việc hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, cũng như gia tăng động lực cho DN phát triển.

Toàn Ngành đã ghi nhận 555 đề nghị hỗ trợ vướng mắc của các DN thành viên Chương trình, với 100% đề nghị đã được các cục hải quan tỉnh, thành phố xử lý, hỗ trợ, giải đáp và DN không phát sinh thêm vướng mắc.

Đồng thời, các cục hải quan tỉnh, thành phố đã thực hiện ghi nhận tư cách thành viên DN tham gia Chương trình trên hệ thống của Ngành để đảm bảo việc thực hiện các hoạt động hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng. Đơn cử như trên Hệ thống VCIS để công chức thực hiện thủ tục hải quan dễ dàng nhận biết được tờ khai của các DN thành viên, qua đó thực hiện các hoạt động hỗ trợ kịp thời theo khuôn khổ của Chương trình.

Bên cạnh đó, tại các cục hải quan tỉnh, thành phố đều thực hiện đầy đủ các chỉ đạo, hướng dẫn triển khai Chương trình. Một số đơn vị đã chủ động bố trí khu vực riêng có biển chỉ dẫn để kiểm tra hồ sơ, bố trí nguồn lực và thời gian, đồng thời phân công công chức có kinh nghiệm, trình độ để kiểm tra hàng hoá (công chức kiểm tra hồ sơ, kiểm tra thực tế hàng hóa đảm bảo theo đúng quy định hiện hành).

Ngoài ra, cơ quan Hải quan còn tạo điều kiện thuận lợi đối với DN thành viên trong việc áp dụng biện pháp kiểm tra bằng máy soi đối với hàng hóa XNK của DN. Cụ thể, DN đề nghị thay đổi địa điểm soi chiếu đối với hàng hóa XNK để giảm chi phí, nguồn lực vận chuyển; DN đề nghị được cơ quan Hải quan áp dụng biện pháp soi chiếu hàng hóa thay vì kiểm tra thủ công theo chỉ dẫn hệ thống hoặc DN đề nghị kiểm tra thủ công thay vì áp dụng biện pháp soi chiếu hàng hoá XNK của DN…

Cùng với đó, cơ quan Hải quan đã thực hiện cung cấp các thông tin cảnh báo, khuyến nghị cho DN thành viên về các yếu tố làm ảnh hưởng đến mức độ tuân thủ của DN để DN chủ động phòng, tránh các lỗi vi phạm pháp luật hải quan, đảm bảo duy trì hoặc cải thiện mức độ tuân thủ pháp luật. Việc cung cấp thông tin được các cục Hải quan thực hiện định kỳ hằng quý cho các DN thành viên thông qua hòm thư điện tử của Chương trình. Các thông tin cảnh báo này đã hỗ trợ DN trong việc phòng, tránh các vi phạm không đáng có trong quá trình hoạt động của DN.

Cải thiện tỷ lệ phân luồng

Tại hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Quản lý rủi ro (Tổng cục Hải quan) Vũ Thị Phương cho biết:

Sau 2 năm triển khai, Chương trình đã có 295 DN tham gia Chương trình và ký kết biên bản ghi nhớ với cơ quan Hải quan. Các DN đều nhận thấy lợi ích thiết thực khi tham gia Chương trình và đưa quan hệ đối tác giữa cơ quan Hải quan và DN trở thành đối tác tin cậy. Đồng thời, cũng giúp DN trong việc quản lý, kiểm soát tình hình hoạt động xuất nhập khẩu của mình, chủ động phòng tránh vi phạm. Đây chính là yếu tố tiên quyết để nâng cao mức độ tuân thủ pháp luật của DN.

Kết quả cho thấy qua 2 năm triển khai thí điểm Chương trình đã có trên 80% DN thành viên tăng mức tuân thủ hoặc giữ nguyên mức tuân thủ.

Cụ thể, có 118 DN, chiếm 40% trên tổng số DN nâng mức độ tuân thủ từ Mức 3, 4, 5 lên Mức 2, 3, 4 (Mức 2: Tuân thủ cao; Mức 3: Tuân thủ trung bình; Mức 4: Tuân thủ thấp; Mức 5: Không tuân thủ) do không phát sinh vi phạm trong quá trình tham gia hoặc vi phạm của DN đã quá thời gian đánh giá (365 ngày kể từ ngày quyết định xử phạt).

Có 135 DN, chiếm 45% trên tổng số DN giữ mức độ tuân thủ, trong đó, DN tuân thủ Mức 2, Mức 3 có 116 DN, chiếm 39,3%.

Có 42 DN, chiếm 15% trên tổng số DN thành viên giảm mức độ tuân thủ do phát sinh vi phạm trong thời gian tham gia Chương trình hoặc giảm số lượng tờ khai theo yêu cầu của Mức 2, Mức 3.

Hướng tới triển khai chính thức Chương trình

Tới đây, khi triển khai chính thức Chương trình, một số đơn vị đề xuất xây dựng phần mềm theo dõi, quản lý, kiểm tra, giám sát từ cấp Tổng cục đến cấp Cục để quản lý DN xuất nhập khẩu nói chung và DN tham gia chương trình nói riêng. Đồng thời, cần có cơ chế đào tạo để giúp cán bộ, công chức nâng cao năng lực, triển khai Chương trình đạt hiệu quả.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Lưu Mạnh Tưởng nhấn mạnh, kết quả sau 2 năm triển khai thí điểm Chương trình đã góp phần đưa quan hệ đối tác Hải quan-Doanh nghiệp ngày càng thiết thực, cụ thể. Với số lượng DN tăng mức độ tuân thủ, giữ nguyên mức độ tuân thủ cũng thể hiện vai trò tạo thuận lợi của cơ quan Hải quan. Cụ thể, tăng tỷ lệ tờ khai luồng Xanh, giảm tỷ lệ luồng Vàng, luồng Đỏ dựa trên mức độ tuân thủ của doanh nghiệp.

Phó Tổng cục trưởng Lưu Mạnh Tưởng đề nghị các đơn vị vụ, cục các cục hải quan tỉnh, thành phố tiếp tục tham gia ý kiến (bộ tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp tham gia; mở rộng đối tượng tham gia…), đảm bảo hài hòa giữa năng lực quản lý và thực thi.

Song song đó, Cục Quản lý rủi ro hoàn thiện báo cáo tổng kết, trong đó, phân tích đánh giá kỹ kết quả thực hiện, chuyển biến trong cộng đồng DN, đem lại hiệu quả quản lý hải quan để đề xuất triển khai chính thức, tuyên truyền đầy đủ đến từng đối tượng DN thấy rõ lợi ích mà Chương trình mang lại, qua đó tự nguyện tham gia chính thức Chương trình.

Trên cơ sở dự thảo và ý kiến của các đơn vị và cộng đồng DN, đề nghị Cục Quản lý rủi ro phân tích, đánh giá, báo cáo Tổng cục Hải quan, dự kiến 15/10/2024, ban hành quyết định triển khai chính thức Chương trình, trong đó Vụ Pháp chế tham gia với vai trò thẩm định; qua đó, giúp cơ quan Hải quan, cộng đồng doanh nghiệp thống nhất triển khai.

NGUỒN HẢI QUAN ONLINE

0913575247 Mr Đức ducnvtk4@gmail.com