Hàng tạm nhập tái xuất: Quản lý chặt để ngăn ngừa gian lận thương mại

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn công tác quản lý nhà nước về hải quan đối với hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất đã đầy đủ, đảm bảo việc thực thi có hiệu quả. Nhưng các biện pháp quản lý đối với loại hình này vẫn cần được tăng cường để đảm bảo hàng hóa tạm nhập tái xuất được kiểm tra, giám sát chặt chẽ từ khi tạm nhập đến khi thực tái xuất.

hang tam nhap tai xuat quan ly chat de ngan ngua gian lan thuong mai
Hoạt động nghiệp vụ của Hải quan Cao Bằng. Ảnh: T.Bình.

Hướng dẫn cụ thể, kịp thời

Theo đánh giá của cơ quan Hải quan, cơ bản hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất hàng hóa đã tương đối ổn định, không phát sinh vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan tại các đơn vị hải quan địa phương. Cơ quan Hải quan thực hiện thủ tục hải quan, theo dõi lượng hàng, thời gian tạm nhập tái xuất đối với hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất thông qua Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan, đảm bảo công tác quản lý, giám sát hải quan đối với hoạt động này. Cơ quan Hải quan chịu trách nhiệm giám sát hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất từ khi tạm nhập cho tới khi hàng hóa thực tái xuất ra khỏi Việt Nam, bao gồm cả thời gian khi hàng hóa được vận chuyển từ cửa khẩu tạm nhập đến cửa khẩu tái xuất.

Bên cạnh đó, cơ quan Hải quan cũng có nhiều chính sách hướng dẫn DN thực hiện đúng quy định pháp luật về quản lý hàng tạm nhập tái xuất. Một trong những vấn đề được DN quan tâm là việc quản lý chuyển phương tiện vận tải đối với hàng kinh doanh tạm nhập tái xuất thực hiện như thế nào. Về vấn đề này, Tổng cục Hải quan cho biết, căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 83 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính thì hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất trong thời gian chuyển sang container hoặc phương tiện vận tải khác phải chịu sự giám sát hải quan. Tuy nhiên, quy định pháp luật hiện hành không có quy định về các địa điểm thực hiện việc thay đổi phương tiện vận tải hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất trong thời gian vận chuyển từ cửa khẩu tạm nhập đến cửa khẩu tái xuất.

Liên quan đến các trường hợp doanh nghiệp đề nghị hướng dẫn việc chuyển đổi phương thức vận tải hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất, Tổng cục Hải quan đã có các văn bản số 6472/TCHQ-GSQL ngày 03/10/2017,số 4633/TCHQ-GSQL ngày 07/8/2018, số 1002/TCHQ-GSQL ngày 20/2/2019 và hướng dẫn thực hiện, theo đó đảm bảo hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất trong thời gian thực hiện việc chuyển đổi phương thức vận chuyển, phương tiện vận tải đều đảm bảo công tác giám sát hải quan theo đúng quy định tại Khoản 1 Điều 83 Thông tư số 38/2015/TT-BTC dẫn trên.

Về vấn đề chuyển tiêu thụ nội địa đối với hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất, Tổng cục Hải quan cho biết, căn cứ Khoản 4 Điều 39 Luật Quản lý ngoại thương, Khoản 4 Điều 13 Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ thì việc tiêu thụ hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất trong nội địa phải thực hiện theo quy định về quản lý nhập khẩu hàng hóa và thuế của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan. Căn cứ quy định tại Khoản 12 Điều 1 Nghị định số 59/2018/NĐ-CP ngày 20/4/2018 của Chính phủ sửa đổi bổ sung Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 thì hàng hóa tạm nhập tái xuất đã giải phóng hàng hoặc thông quan nhưng sau đó chuyển tiêu thụ nội địa thì phải khai tờ khai hải quan mới, chính sách quản lý hàng hóa nhập khẩu, chính sách thuế đối với hàng hóa nhập khẩu thực hiện tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan mới trừ trường hợp đã thực hiện đầy đủ chính sách quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại thời điểm đăng ký tờ khai ban đầu.

Như vậy, đối với trường hợp hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất khi chuyển tiêu thụ nội địa phải tuân thủ chính sách quản lý hàng hóa nhập khẩu tại thời điểm thực hiện thủ tục chuyển tiêu thụ nội địa, không được chuyển tiêu thụ nội địa đối với hàng hóa thuộc danh mục cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu, và phải thực hiện đầy đủ về giấy phép quản lý chuyên ngành cũng như kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa tạm nhập khẩu chuyển tiêu thụ nội địa.

Chủ động phòng ngừa gian lận

Bên cạnh việc kịp thời hướng dẫn DN thực hiện đúng chính sách pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất, Tổng cục Hải quan chỉ đạo cục hải quan các tỉnh, thành phố tăng cường quản lý, kiểm tra, kiểm soát phòng ngừa hành vi gian lận thương mại. Bên cạnh đó Tổng cục Hải quan cũng đề xuất có cơ quan quản lý có liên quan sửa đổi, bổ sung các Nghị định về xử phạt vi phạm theo hướng tăng nặng mức phạt đối với hành vi vi phạm các quy định về quản lý hàng kinh doanh tạm nhập tái xuất như: Hành vi tự ý tiêu thụ nội địa hàng kinh doanh tạm nhập tái xuất; tái xuất hàng hóa qua cửa khẩu không đúng quy định…

Đồng thời, nghiên cứu sớm vận hành và đưa vào hoạt động hệ thống niêm phong điện tử trong việc giám sát việc vận chuyển hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất để đảm bảo hiệu quả quản lý đối với loại hình này.

Đặc biệt, Bộ Công Thương cần chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng nắm bắt các thông tin thay đổi trong chính sách biên mậu của phía đối tác Trung Quốc để đưa ra những khuyến cáo cho các doanh nghiệp để kịp thời điều chỉnh, tránh gây thiệt hại về kinh tế, tạo cơ hội cho hàng thẩm lậu vào nội địa. UBND các tỉnh biên giới quản lý chặt chẽ các đường mòn, lối mở, không để hàng kinh doanh tạm nhập tái xuất vận chuyển không đúng tuyến đường, khu vực quy định hoặc thẩm lậu vào nội địa.

NGUỒN: BÁO HẢI QUAN

 

 

0913575247 Mr Đức ducnvtk4@gmail.com