Hải quan Việt Nam đẩy mạnh hợp tác quốc tế toàn diện

Hải quan Việt Nam đã và đang tích cực xây dựng, đề xuất các cấp phê duyệt các đề án, chuyên đề, chương trình hợp tác đa và song phương.

Chỉ tính riêng trong quý III/2024, các hoạt động hợp tác và hội nhập quốc tế tiếp tục được Hải quan Việt Nam triển khai một cách chủ động, có kế hoạch.

Theo đó, trong hợp tác song phương, Hải quan Việt Nam đã trao đổi, đàm phán dự thảo Biên bản ghi nhớ hợp tác với Hải quan Hoa Kỳ trong khuôn khổ Chương trình Trao đổi dữ liệu Điện tử với nước ngoài (FECDEP); trình Bộ Tài chính phê duyệt ký Hiệp định giữa Việt Nam và Xri-Lanca về hợp tác và trợ giúp lẫn nhau trong lĩnh vực hải quan;

Tiếp tục hoàn thiện dự thảo hồ sơ trình Chính phủ phê duyệt việc ký và ủy quyền cho lãnh đạo Bộ Tài chính ký Hiệp định về hỗ trợ hành chính lẫn nhau trong lĩnh vực hải quan với Qatar; tiếp và làm việc với Tùy viên Hải quan Hà Lan về kế hoạch thực hiện thí điểm trao đổi thông tin hàng hóa XNK qua cặp cảng biển được lựa chọn của Việt Nam và Hà Lan…

Trong hợp tác đa phương, Hải quan Việt Nam đã tích cực tham dự đầy đủ các cuộc họp trong khuôn khổ hợp tác với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Tổ chức Hải quan thế giới (WCO), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) nhằm đảm bảo lợi ích của Việt Nam.

Cụ thể, Hải quan Việt Nam đã tích cục tham gia cuộc họp kiểm soát và tuân thủ hải quan ASEAN (CEC); tăng cường năng lực cho cán bộ Hải quan ASEAN; Ủy ban chỉ đạo Cơ chế một cửa ASEAN; tham dự Phiên họp Hội đồng lần thứ 143/144 của WCO; Phiên họp lần thứ 245/246 của Ủy ban Kỹ thuật thường trực của WCO; cuộc họp lần thứ 2 của Tiểu ban các vấn đề về hải quan và Hội nghị đối thoại Hải quan- DN tại Peru.

Trong diễn đàn APEC, Hải quan Việt Nam tham dự cuộc họp về các vấn đề hải quan lần thứ 2 trong khuôn khổ Hải quan APEC năm 2024. Trong đó, tập trung thúc đẩy thực hiện 2 nội dung ưu tiên lớn của Kế hoạch Chiến lược SCCP giai đoạn 2022-2025 về tăng cường triển khai các biện pháp tạo thuận lợi thương mại và cải thiện khả năng dự đoán và kết nối của chuỗi cung ứng.

Bên cạnh đó, nhiều hoạt động hợp tác trong khuôn khổ các dự án, chương trình cũng được Hải quan Việt Nam đẩy mạnh. Cụ thể như tham dự Sáng kiến khu vực về tăng cường các cơ sở đào tạo thực thi pháp luật tại Indonesi; tham dự đầy đủ các phiên họp của Nhóm đàm phán Chương thủ tục Hải quan và tạo thuận lợi thương mại trong Hiệp định thương mại tự do: ASEAN- Canada, ASEAN- Trung Quốc (ACFTA nâng cấp) và Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA nâng cấp).

Trong quý IV/2024, Hải quan Việt Nam đặt mục tiêu tiếp tục tổ chức họp đàm phán vòng thứ nhất CMAA với Hải quan Trung Quốc; triển khai thủ tục để ký kết Kế hoạch hành động về DN ưu tiên (AEO) với Hải quan Trung Quốc trong chuyến thăm chính thức Việt Nam của lãnh đạo cấp cao Trung Quốc.

Ngoài ra, Hải quan Việt Nam sẽ tích cực làm việc với Hàn Quốc và Nhật Bản để trao đổi khả năng hợp tác về hệ thống CNTT phục vụ cho việc phát triển hệ thống Hải quan số, Hải quan thông minh và hoạt động quản lý hải quan tại sân bay quốc tế.

Đồng thời, sẽ triển khai ký Hiệp định giữa Việt Nam và Xri- Lanca về hợp tác và trợ giúp lẫn nhau trong lĩnh vực hải quan sau khi được Bộ Tài chính phê duyệt chủ trương; lấy ý kiến các bộ, ngành, đơn vị liên quan để trình Chính phủ phê duyệt việc ký và ủy quyền cho lãnh đạo Bộ Tài chính ký Hiệp định về hỗ trợ hành chính lẫn nhau trong lĩnh vực hải quan giữa Việt Nam và Qatar; tham dự Hội nghị Hải quan biên giới tại Campuchia và Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan Việt Nam- Campuchia, Việt Nam – Lào.

Trong hợp tác đa phương, Tổng cục Hải quan đặt mục tiêu tham gia các phiên họp, chương trình hợp tác và các nghĩa vụ thành viên trong khuôn khổ hợp tác với các tổ chức quốc tế.

Cụ thể, trong khuôn khổ là thành viên của WCO, Hải quan Việt Nam sẽ tích cực tham gia các phiên họp của các Ủy ban và các nhóm làm việc của WCO, tham gia một số cuộc họp quan trọng trong khu vực; xây dựng Kế hoạch hợp tác trong khuôn khổ WCO giai đoạn 2025-2030.

Đối với thành viên của ASEAN, Hải quan Việt Nam đặt định hướng thực hiện tốt vai trò đơn vị chủ trì Ủy ban điều phối hải quan (CCC). Đặc biệt, với vai trò là Chủ tịch Hải quan ASEAN và Chủ tịch CCC, Hải quan Việt Nam sẽ xây dựng phương án điều hành của chủ tọa, phương án tham dự của đoàn Hải quan Việt Nam tại cuộc họp CCC 41. Đồng thời, rà soát công việc tại tất cả các nhóm kỹ thuật trước cuộc họp để đảm bảo Hải quan Việt Nam hoàn thành các đầu mục hợp tác theo đúng tiến độ chung…

Đáng chú ý, thể hiện vai trò hợp tác trong khuôn khổ các dự án, chương trình, Hải quan Việt Nam sẽ chủ động phối hợp với đối tác khắc phục lỗi hệ thống Megaports; triển khai thủ tục tiếp nhận thiết bị dự phòng cho hệ thống Megaports tại cảng Cái Mép và Cát Lái; tham dự cuộc họp nhóm công tác chuyên trách về các chất hướng thần mới…

Trong công tác đàm phán, tổ chức thực hiện cam kết quốc tế, Hải quan Việt Nam khẳng định sẽ tích cực tham dự các phiên họp của nhóm đàm phán Chương Thủ tục hải quan và tạo thuận lợi thương mại trong các hiệp định thương mại.

NGUỒN HẢI QUAN ONLINE

0913575247 Mr Đức ducnvtk4@gmail.com