HẢI QUAN GÓP PHẦN QUAN TRỌNG VÀO KỶ LỤC XUẤT NHẬP KHẨU 786,3 TỶ USD

Theo số liệu thống kê Tổng cục Hải quan vừa công bố, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước năm 2024 đạt kỷ lục mới 786,3 tỷ USD.
Hoạt động xuất nhập khẩu tại khu vực cảng Hải Phòng. 	Ảnh minh họa: Thái Bình
Hoạt động xuất nhập khẩu năm 2024 là điểm sáng của nền kinh tế.

Tăng hơn 105 tỷ USD

So với năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước tăng hơn 105 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt 405,53 tỷ USD, tăng 14,3%; nhập khẩu đạt 380,76 tỷ USD, tăng 16,7%.

Năm 2024, xuất khẩu ghi nhận nhiều gam màu tươi sáng với 7 nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 10 tỷ USD trở lên gồm: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng vụ, phụ tùng; dệt may; giày dép; phương tiện vận tải và phụ tùng; thủy sản.

Cả 7 nhóm hàng xuất khẩu chủ lực đều có tăng trưởng dương, trong đó nhiều nhóm tăng trưởng cao hai con số.

Đáng chú ý, thủy sản và nhiều nhóm hàng xuất khẩu quan trọng của ngành nông nghiệp lập được kỷ lục trong năm 2024.

Tiêu biểu là thủy sản khi lần đầu cán mốc 10 tỷ USD với kim ngạch đạt 10,04 tỷ USD, tăng 11,9% so với năm 2023.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong bối cảnh năm 2024 khó khăn nhiều hơn thuận lợi, nhưng với tinh thần sáng tạo, khả năng thích ứng linh hoạt ngành thủy sản Việt Nam đã đạt được thành tích ấn tượng với kim ngạch xuất khẩu đạt trên 10 tỷ USD.

Các mặt hàng chủ lực đều có tăng trưởng tích cực như: xuất khẩu tôm đạt 4 tỷ USD, tăng 16,7%; cá ngừ gần 1 tỷ USD, tăng 17%; cá tra 2 tỷ USD, tăng 9,6%.

Chủ tịch VASEP Nguyễn Thị Thu Sắc cho rằng, những con số trên thể hiện ngành thủy sản đang đi đúng hướng trong việc phát triển bền vững và nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.

Năm 2024 cũng là năm thắng lớn của ngành hàng rau quả với kim ngạch đạt mốc mới 7,15 tỷ USD, tăng mạnh 27,6% so với năm 2023.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VINAFRUIT) phân tích, với diện tích trồng cây ăn quả khoảng 1,2 triệu ha và tổng sản lượng trên 14 triệu tấn/năm, Việt Nam có tiềm năng trở thành một trong những nước xuất khẩu trái cây quan trọng cho thế giới.

Thực tế, kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam không ngừng tăng từ 3,3 tỷ USD năm 2022 trở về trước lên 5,6 tỷ USD năm 2023 và năm nay đạt hơn 7 tỷ USD như đề cập ở trên. Và dự kiến kim ngạch xuất khẩu rau quả có thể đạt hơn 10 tỷ USD vào năm 2030.

“Kết quả này có được là do chất lượng rau quả của chúng ta ngày càng được nâng cao nhờ áp dụng quy trình sản xuất hiện đại với các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế như VietGap, GlobalGap. Ngoài ra, chúng ta có sự đa dạng về chủng loại và cạnh tranh về giá. Điều quan trọng nữa là Nhà nước đang có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển ngành nông nghiệp, tạo điều kiện rất thuận lợi cho việc sản xuất và xuất khẩu rau quả. Ngoài ra, hiện nay, nhu cầu về thực phẩm tươi sống đang tăng cao, đặc biệt sau đại dịch Covid-19, thói quen tiêu dùng của người dân đã thay đổi, có xu hướng tiêu dùng thực phẩm tươi sống nhiều hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu rau quả. Bên cạnh đó, Việt Nam đã thương lượng và ký được một loạt Hiệp định thương mại tự do (FTA)…”, ông Đặng Phúc Nguyên chia sẻ.

Vai trò tạo thuận lợi của ngành Hải quan

Góp phần vào thành tích nêu trên của xuất nhập khẩu không thể không nhắc đến vai trò quan trọng về tạo thuận lợi thương mại của ngành Hải quan.

Nhiều năm qua, công tác cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa, tự động hóa quy trình thủ tục hải quan, tạo thuận lợi thương mại là nhiệm vụ ưu tiên, xuyên suốt của ngành Hải quan.

Năm 2024, công tác cải cách hành chính của Tổng cục Hải quan tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp.

Về thực hiện dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), Tổng cục Hải quan tích cực cung cấp DVCTT để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Tính đến ngày 30/12/2024, trong số 214 thủ tục hành chính (TTHC) do cơ quan Hải quan thực hiện, Tổng cục Hải quan đã cung cấp DVCTT toàn trình cho 132 TTHC và DVCTT một phần cho 61 thủ tục, 21 thủ tục được cung cấp thông tin trực tuyến.

Đáng chú ý, tổng số hồ sơ trực tuyến toàn Ngành thực hiện trong năm qua lên đến 48,54 triệu hồ sơ.

Kết quả triển khai Cơ chế một cửa quốc gia (NSW) và Cơ chế một cửa ASEAN (ASW) cũng là điểm sáng về cải cách của ngành Hải quan.

Được thực hiện từ tháng 11/2014, việc triển khai NSW tại Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực được Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế ghi nhận…

Hiện, NSW phục vụ triển khai thủ tục hành chính cho 13 bộ, ngành; thường xuyên có khoảng 60.000 doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính với khoảng trên 4 triệu giao dịch/năm, thủ tục cho tàu thuyền xuất nhập cảnh tại các cảng biển trên toàn quốc cũng như tàu bay xuất nhập cảnh tại các sân bay quốc tế đều được thực hiện thông qua NSW.

Về phương diện quốc tế, mỗi năm có trung bình trên 400.000 chứng nhận xuất xứ (C/O) điện tử được trao đổi thông qua NSW, tiết kiệm hàng triệu USD cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, Tổng cục Hải quan đang xúc tiến mở rộng việc trao đổi các chứng từ hành chính thương mại khác như chứng nhận kiểm dịch động vật, tờ khai xuất khẩu…

Đồng thời, Hải quan Việt Nam đang duy trì kết nối chính thức để trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với 9 nước thành viên ASEAN. Ngoài ra, Tổng cục Hải quan đang phối hợp kiểm thử trong môi trường thử nghiệm với Lào. Bên cạnh đó, ASEAN cũng đang mở rộng trao đổi thông tin với các đối tác thương mại như: Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Hoa Kỳ…

NGUỒN HẢI QUAN ONLINE

 

0913575247 Mr Đức ducnvtk4@gmail.com