Hai chi cục hải quan tại Đồng Nai được chuyển đổi mô hình thành chi cục hải quan cửa khẩu

Hai chi cục Hải quan Long Thành và Bình Thuận trực thuộc Cục Hải quan Đồng Nai sẽ chính thức được chuyển đổi sang mô hình chi cục Hải quan cửa khẩu kể từ ngày 15/10 tới.

Công chức Hải quan Đồng Nai kiểm tra hàng hóa XNK
Công chức Hải quan Đồng Nai kiểm tra hàng hóa XNK

Bộ Tài chính vừa ban hành quyết định về việc đổi tên 2 chi cục trực thuộc Cục Hải quan Đồng Nai kể từ ngày 15/10/2021. Trong đó, Chi cục Hải quan Long Thành được đổi thành Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đồng Nai và Chi cục Hải quan Bình Thuận đổi thành Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Bình Thuận.

Cục Hải quan tỉnh Đồng Nai được thành lập theo Quyết định số 137/TTg ngày 01/04/1994 của Thủ tướng Chính phủ và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 3/1/1995 được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về Hải quan trên địa bàn 2 tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận.

Trong đó, Đồng Nai là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Bình Thuận là tỉnh nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng của địa bàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Thời gian qua số lượng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại đây liên tục tăng qua các năm và có tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn ở mức cao. Đặc biệt trong giai đoạn 2015 – 2020, Đồng Nai là một trong 5 tỉnh thành dẫn đầu cả nước về phát triển kinh tế với GRDP tăng bình quân 8,12%/năm.

Hiện, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Thuận có 40 khu công nghiệp đang hoạt động với tỷ lệ lấp đầy trên 90%, 2 địa điểm thông quan nội địa (ICD), 23 kho ngoại quan, 11 cảng thương mại tổng hợp, 13 cảng chuyên dụng đã được Cục Hàng hải Việt Nam cho phép tàu nước ngoài và tàu Việt Nam ra vào neo đậu, xếp dỡ hàng hóa.

Trong khi đó, Cục Hải quan tỉnh Đồng Nai hiện chỉ có 10 địa điểm thông quan hàng hóa thuộc 7 Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu nên việc phục vụ phát triển kinh tế, và hoạt động xuất khâu, nhập khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn, tăng chi phí do phải vận chuyển hàng hóa chuyển cửa khấu, chưa phát huy hết lợi thế của hệ thống cảng biển quốc tế và cảng sông, cảng cạn (ICD).

Do đó, việc triển khai bộ máy hải quan theo mô hình tổ chức Chi cục Hải quan cảng biển (Chi cục Hải quan cửa khẩu) sẽ giúp tạo thuận lợi cho hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có trụ sở nhà máy sản xuất đóng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bình Thuận. Điều này cũng kỳ vọng sẽ giúp giảm bớt áp lực cho các cảng biển thuộc các tỉnh, thành phố khu vực Đông Nam bộ, Nam Trung bộ, Tây Nguyên và TPHCM.

NGUỒN: BÁO HẢI QUAN

0913575247 Mr Đức ducnvtk4@gmail.com