FED cắt giảm lãi suất- cơ hội tốt cho xuất khẩu và đầu tư của Việt Nam

Tác động đến kinh tế Việt Nam

Động thái này của FED trước tiên tác động tích cực đến xuất khẩu và dòng vốn đầu tư trong nước. Theo đó, FED giảm lãi suất sẽ góp phần giúp mặt bằng lãi suất toàn cầu có xu hướng giảm khi nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đã và đang “nối gót” FED tiếp tục giảm lãi suất, từ đó kích cầu tiêu dùng, đầu tư, sản xuất của doanh nghiệp và người dân. Điều này sẽ giúp thúc đẩy nhu cầu hàng xuất khẩu của Việt Nam trong bối cảnh độ mở của nền kinh tế Việt Nam ở mức cao và Mỹ, châu Âu là những thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam.

Về đầu tư, FED hạ lãi suất sẽ khiến mức độ chênh lệch lãi suất giữa USD và VND thu hẹp, qua đó giảm áp lực về tỷ giá. Thực tế là sức ép tỷ giá giữa VND và USD thời gian qua đã giảm, thậm chí ở mức tương đối tốt, nên không chỉ giảm áp lực lên lạm phát trong nước mà còn góp phần tăng niềm tin, nâng cao sự yên tâm với các nhà đầu tư và doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư, xuất nhập khẩu.

Cùng với đó, dòng vốn đầu tư, nhất là vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài khi được hỗ trợ bởi thu hẹp chênh lệch lãi suất sẽ tạo triển vọng tích cực cho thị trường chứng khoán. Xu hướng rút vốn từ các thị trường mới nổi quay về đầu tư tại thị trường Mỹ và một số thị trường phát triển khác nhằm trú ẩn rủi ro, hưởng chênh lệch lãi suất sẽ giảm dần. Hiện thị trường chứng khoán tại Việt Nam đang tương đối hấp dẫn với kỳ vọng có thể được nâng hạng từ mới nổi lên cận biên bởi Tổ chức FTSE Russel trong năm 2025 nên từ đầu tháng 9/2024 đến nay, xu hướng mua ròng của nhà đầu tư ngoại đã bắt đầu tăng trở lại.

Sự tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu

Tỷ giá ngoại tệ có ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động xuất nhập khẩu. Hiện tỷ giá đã giảm, không tăng mạnh như thời gian trước, điều này thường có nghĩa là đồng nội tệ mạnh lên và giá trị đồng ngoại tệ giảm. Nhưng điều này không phải lúc nào cũng thuận lợi cho xuất khẩu của Việt Nam. Bởi giá trị đồng ngoại tệ ở nước ngoài vẫn cao sẽ ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam. Hơn nữa, xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc nhiều các doanh nghiệp FDI, nên mối quan hệ giữa tỷ giá và ngoại thương cần được xem xét kỹ lưỡng.

Vì thế, như tôi đã nói ở trên, khi FED giảm lãi suất sẽ thúc đẩy đầu tư và tiêu dùng, làm tăng nhu cầu cho hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam, từ đó mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu hơn.

Kiến nghị giải pháp để ứng phó với rủi ro, thách thức

Các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện theo các chỉ đạo về phát triển kinh tế – xã hội của Đảng, Quốc hội và Chính phủ. Trong đó, trước mắt là sớm khắc phục hậu quả cơn bão số 3 vừa qua; đồng thời tiếp tục bám sát, chủ động phân tích, dự báo và có kịch bản ứng phó phù hợp đối với tình hình kinh tế, tài chính quốc tế; đẩy nhanh tháo gỡ vướng mắc, rào cản trên thị trường tài chính, bất động sản…

Cùng với đó cần nâng cao hiệu quả trong điều hành, phối hợp chính sách, đặc biệt giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, chính sách giá cả và các chính sách vĩ mô khác… nhằm thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát. Theo đó, chính sách tài khóa tiếp tục giữ vai trò chủ lực, mở rộng có trọng tâm, trọng điểm, gắn với đẩy mạnh giải ngân đầu tư công; chính sách tiền tệ theo hướng chủ động, linh hoạt, tăng khả năng tiếp cận tín dụng gắn với kiểm soát rủi ro và xử lý nợ xấu.

Riêng chính sách tiền tệ cần tiếp tục linh hoạt sử dụng nhiều công cụ khác nhau nhằm ổn định mặt bằng lãi suất, thị trường ngoại hối, thị trường vàng. Chính phủ cần tiếp tục ưu tiên các giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán nhằm tận dụng cơ hội dịch chuyển, phân bổ tài sản đầu tư quốc tế cũng như kiểm soát rủi ro trong chu kỳ lãi suất giảm.

NGUỒN HẢI QUAN ONLINE

0913575247 Mr Đức ducnvtk4@gmail.com