Đối tác Hải quan–doanh nghiệp: Cầu nối hiệp hội

Từ năm 2013 đến nay, nhiều hiệp hội ngành nghề đã ký thỏa thuận hợp tác với cơ quan Hải quan các cấp. Điều này đã tạo thuận lợi hơn cho cộng đồng DN, giúp việc cải cách, hiện đại hóa hải quan có thêm những bước tiến mới.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Vũ Ngọc Anh và Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Hồ Nghĩa Dũng ký kết văn bản thỏa thuận hợp tác (tháng 6-2016). (Ảnh: N.Linh)

 

Số lượng đông hơn, hiệu quả cụ thể hơn

Theo Ban Cải cách hiện đại hóa hải quan, Tổng cục Hải quan, năm 2014, 2015, toàn Ngành đã ký kết 31 thỏa thuận hợp tác với các hiệp hội DN và chi hội của các hiệp hội trong trao đổi thông tin, hỗ trợ thực hiện thủ tục hải quan. Trong 6 tháng đầu năm 2016, toàn ngành Hải quan tiếp tục duy trì và thiết lập mối quan hệ đối tác thường xuyên với 44 hiệp hội và chi hội tại các địa phương. Mới đây nhất, Tổng cục Hải quan và Hiệp hội Thép Việt Nam đã ký kết văn bản thỏa thuận hợp tác; hay việc ký kết quy chế phối hợp xử lý vướng mắc giữa Hải quan Hải Phòng và 19 hiệp hội DN; ký biên bản thỏa thuận hợp tác giữa Cục Hải quan Đồng Nai và Hiệp hội DN Nhật Bản tại TP.HCM… Sắp tới đây, cơ quan Hải quan các cấp sẽ tiếp tục tích cực triển khai việc ký kết này và mở rộng với nhiều hiệp hội hơn nữa.

Khác với DN, hiệp hội thường có tới hàng trăm hội viên, với đủ lĩnh vực, ngành nghề. Vì thế, việc kết nối với các hiệp hội sẽ tạo điều kiện lan tỏa việc hợp tác giữa Hải quan với DN một cách toàn diện, nhanh chóng và hiệu quả hơn. Chia sẻ về những thuận lợi của việc ký kết, ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho hay, Hiệp hội hiện có hơn 100 hội viên, hoạt động trong hầu hết các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thép. Hơn nữa, thép là mặt hàng XK có nhiều tiềm năng, đang có sự tăng trưởng dần qua các năm. Do đó, có được sự hỗ trợ từ phía Hải quan, việc XNK mặt hàng này luôn có sự thuận lợi.

Theo ông Sưa, từ trước và sau khi ký kết thỏa thuận, phía cơ quan Hải quan đã thường xuyên phối hợp với Hiệp hội để tổ chức các buổi tập huấn, đối thoại, giải đáp vướng mắc cho DN, mới đây nhất là buổi tập huấn cho các DN hội viên về mã HS, thủ tục XNK. Bên cạnh đó, phía Hải quan cũng đã giúp cung cấp thông tin cho Hiệp hội và hội viên về tình hình XNK thép, giá thép, sản phẩm thép, DN XNK thép; cung cấp thông tin về tình hình gian lận, buôn lậu để cùng phối hợp, đấu tranh phòng ngừa các hoạt động gian lận thương mại, buôn lậu thép.

Cũng thường xuyên nhận được sự hỗ trợ từ phía cơ quan Hải quan, ông Nguyễn Duy Minh, Tổng thư ký Hiệp hội DN logistics Việt Nam cho biết, mặc dù hai bên mới chỉ bàn bạc đi đến thống nhất thỏa thuận, nhưng phía Hải quan đã có nhiều hỗ trợ cho DN hội viên. Logistics là ngành có nhiều quan hệ trực tiếp nhất đến Hải quan, nhờ cơ chế đối tác, không chỉ thủ tục được đơn giản hóa mà các cán bộ Hải quan cũng có nhiều thay đổi về thái độ phục vụ. Hơn nữa, nếu phía DN, Hiệp hội có thắc mắc, các cán bộ, lãnh đạo Hải quan sẵn sàng giải đáp, thậm chí trực tiếp tham dự các buổi tập huấn, đối thoại về giải quyết vướng mắc với DN.

Nỗ lực hơn nữa từ hai phía

Mặc dù các cơ chế phối hợp này đang ngày càng phát huy được hiệu quả và lợi thế, nhưng với sự phát triển của các ngành kinh tế, khối lượng XNK tăng lên, DN và các hiệp hội đều mong muốn việc hợp tác này có được sự linh hoạt, đáp ứng yêu cầu của DN. Ông Nguyễn Văn Sưa hy vọng sự hợp tác sẽ được triển khai tích cực hơn nữa trong thời gian tới để các DN thực sự thấy rõ những thuận lợi. Bởi các văn bản pháp luật cũng như các quy định liên tục được cập nhật, nên phía Hải quan cần xây dựng cơ chế cung cấp thông tin nhanh hơn nữa, các văn bản hướng dẫn đầy đủ và cụ thể hơn để Hiệp hội phổ biến xuống DN được thuận lợi. Đồng quan điểm, nhiều DN và hiệp hội cũng mong muốn, phía Hải quan xây dựng hiệu quả hơn các kênh thông tin để tiếp nhận, xử lý góp ý, phản ánh, kiến nghị, đề xuất… của cộng đồng DN, như: Đường dây nóng, trang thư trên cổng thông tin, hòm thư góp ý…

Cũng mong muốn hợp tác hiệu quả hơn, ông Nguyễn Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho hay, mặc dù mới chỉ thỏa thuận hợp tác nhưng Hiệp hội và cơ quan Hải quan đã xây dựng được cơ chế cung cấp thông tin về giá đường, thống kê số lượng hàng hóa XNK… Tuy nhiên, ông Hải mong muốn cơ chế phối hợp, cơ chế đối tác Hải quan – DN cần xây dựng riêng cho từng hiệp hội ngành nghề, bởi mỗi ngành, mỗi lĩnh vực có một đặc thù riêng trong hoạt động sản xuất và XNK nên cơ chế hợp tác cũng nên có đặc thù riêng.

Mặt khác, cùng với sự nỗ lực thay đổi từ phía cơ quan Hải quan, các hiệp hội cũng phải xây dựng cơ chế để những hoạt động phối hợp này được hiệu quả, xuống được đến từng DN hội viên, tích cực ủng hộ, kêu gọi hội viên tham gia đầy đủ và có trách nhiệm các chương trình trong hoạt động phối hợp… Bởi hiện nay, có tình trạng nhiều DN chỉ tham gia hiệp hội cho có, khi tham dự các buổi hội thảo, tập huấn, góp ý lại cử nhân viên, thậm chí là nhân viên không chuyên trách tham dự, khiến hiệu quả chưa cao.

Do vậy, để hoạt động phối hợp, xây dựng cơ chế đối tác Hải quan – DN được thuận lợi hơn nữa, sự nỗ lực cố gắng của cả hai bên là điều cần thiết. Cả hai bên đều cần sự chủ động, làm việc trên tinh thần cầu thị, vì mục tiêu phát triển chung thì các hoạt động XNK sẽ được đẩy mạnh hơn nữa, góp phần vào tăng trưởng cho nền kinh tế.

NGUỒN: BÁO HẢI QUAN

0913575247 Mr Đức ducnvtk4@gmail.com