Doanh nghiệp đề xuất nhiều vấn đề với cơ quan Hải quan

Dù tình hình sản xuất, xuất nhập khẩu hàng hóa những tháng qua đã dần phục hồi, song hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu vẫn đối diện với nhiều rủi ro, khó đoán định. Do đó các bên, trong đó có cơ quan Hải quan cần triển khai nhiều giải pháp để tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp.

Tiếp tục cải thiện từ cả phía nhà nước và doanh nghiệp

Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cho rằng, sự phục hồi khả quan của hoạt động xuất nhập khẩu không thể không nhắc đến đóng góp của ngành Hải quan. Những nỗ lực này bao gồm việc giảm thiểu gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp, phản ứng nhanh trước biến động thị trường quốc tế, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các Hiệp định thương mại tự do (FTA), thúc đẩy xuất khẩu nông sản qua các cửa khẩu biên giới và ứng dụng công nghệ mới trong quản lý hải quan.

Tuy nhiên, theo bà Thủy, hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu trên toàn cầu và tại Việt Nam vẫn đối diện với nhiều rủi ro và khó khăn. Xu hướng bảo hộ thương mại gia tăng, nhiều quốc gia thực hiện các biện pháp bảo vệ sản xuất nội địa, áp đặt các rào cản thương mại. Đồng thời, những yêu cầu mới về kỹ thuật, như “xanh hóa” trong thương mại quốc tế, cũng tạo ra nhiều thách thức. Trong bối cảnh này, việc tiếp tục cải thiện từ cả phía nhà nước và doanh nghiệp là yêu cầu đặt ra cấp thiết trong tình hình mới, trong đó có vai trò của cơ quan Hải quan.

Đại diện Ban IV nêu một số nguyện vọng của cộng đồng doanh nghiệp với cơ quan Hải quan như: nâng cao tính nhất quán và minh bạch trong thực thi. Hiện nay, việc áp dụng quy định kiểm tra hàng hóa có thể khác nhau giữa các cửa khẩu. Để cải thiện, cơ quan Hải quan có thể triển khai hệ thống quản lý và đánh giá hiệu suất trên toàn quốc, đảm bảo rằng cùng một loại hàng hóa sẽ được xử lý theo cách tương tự tại mọi cửa khẩu. Các kết quả kiểm tra cũng có thể được cập nhật công khai trên một nền tảng trực tuyến, nơi doanh nghiệp có thể tra cứu và so sánh giữa các cửa khẩu khác nhau.

Bên cạnh đó, nhiều dữ liệu hải quan vẫn được quản lý rời rạc và khó kiểm soát. Để tối ưu, cơ quan Hải quan có thể triển khai hệ thống blockchain để theo dõi toàn bộ chuỗi cung ứng của các lô hàng từ đầu đến cuối. Điều này sẽ giúp ngăn chặn tình trạng làm giả giấy tờ hoặc thay đổi dữ liệu và đảm bảo rằng thông tin về hàng hóa được minh bạch và nhất quán trong toàn bộ quá trình vận chuyển.

Theo bà Thủy, hiện tại, các doanh nghiệp nhỏ thường gặp khó khăn trong việc hiểu và tuân thủ các quy định phức tạp về hải quan. Do đó cơ quan Hải quan có thể cải thiện bằng cách thành lập các trung tâm hỗ trợ trực tuyến, nơi doanh nghiệp có thể tiếp cận với các chuyên gia để được tư vấn cụ thể về các vấn đề như thuế suất, thủ tục hải quan và các yêu cầu kiểm tra.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng đề xuất đơn giản hóa và số hóa quy trình kiểm tra sau thông quan. Chẳng hạn, cơ quan Hải quan có thể triển khai một hệ thống kiểm tra tự động dựa trên AI. Hệ thống này sẽ tự động đánh giá rủi ro của lô hàng dựa trên các dữ liệu đã có và chỉ yêu cầu kiểm tra thêm đối với các lô hàng có dấu hiệu bất thường. Doanh nghiệp sẽ nhận được thông báo kết quả kiểm tra trong vòng vài giờ thay vì vài ngày.

Ngoài ra, đại diện Ban IV cũng nêu các khía cạnh doanh nghiệp đề xuất như cải thiện cơ chế phản hồi và giải quyết khiếu nại; phát triển hạ tầng logistics và kết nối quốc tế; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực.

Tăng cường hợp tác và đối thoại

Ở góc độ doanh nghiệp dịch vụ logistics, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) kiến nghị hai bên tăng cường hợp tác và đối thoại thông qua việc xây dựng các đầu mối liên lạc để tiếp nhận giải quyết các vướng mắc của doanh nghiệp và hiệp hội; xây dựng đầu mối cập nhật các văn bản mới trong quản lý thủ tục hải quan để thông qua VLA thêm một kênh phổ biến nhanh chóng, chính xác đến cộng đồng doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Đồng thời tiếp tục phối hợp tổ chức giới thiệu, phổ biến, hướng dẫn các nội dung quy định pháp luật về hải quan có liên quan đến hoạt động kinh doanh dịch vụ logistics; cùng phối hợp đóng góp ý kiến với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, chính sách và các quy định khác của ngành Hải quan có liên quan đến hoạt động kinh doanh dịch vụ logistics.

VLA cũng kiến nghị cơ quan Hải quan các cấp đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp theo các chuyên đề về thủ tục hải quan theo loại hình hàng hóa xuất nhập khẩu, quy định của pháp luật về hàng hóa xuất nhập khẩu tại chỗ, phân loại, xác định trị giá xuất xứ… Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận kịp thời các thông tin quy định pháp luật mới, tình hình xuất nhập khẩu, xu hướng thương mại; giải đáp vướng mắc của doanh nghiệp phát sinh khi làm thủ tục hải quan; chú trọng hỗ trợ đối với nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan.

Ngoài ra, đối với hoạt động tham vấn doanh nghiệp và các bên liên quan, cơ quan Hải quan tham vấn doanh nghiệp và các bên liên quan trong việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, quy trình, thủ tục hải quan, biểu mẫu chứng từ, văn bản điện tử và chỉ tiêu thông tin phục vụ yêu cầu số hóa và chuyển đổi số trong ngành Hải quan; quy định về cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu; quy định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được giao dịch qua thương mại điện tử; quy định về thủ tục hải quan, kiểm tra, giảm sát, kiểm soát hải quan; quy định thực hiện kết nối và chia sẻ thông tin trong lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh hàng hóa, người và phương tiện vận tải theo Cơ chế một cửa quốc gia….

NGUỒN HẢI QUAN ONLINE

0913575247 Mr Đức ducnvtk4@gmail.com