DNCX thay đổi mục đích sử dụng của NVL nhập khẩu

Câu hỏi: 18757:

Công ty  là DNCX 100% vốn của Nhật Bản.

1. Trước đây, có nhập nguyên liệu sản xuất theo loại hình tờ khai E11. Hiện nay, có 1 số mặt hàng (ví dụ: băng dính) không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, do đó, dự định tận dụng để sử dụng làm vật tư tiêu hao trong nhà máy và không đưa vào định mức của sản phẩm xuất khẩu. Vậy theo quy định, bên em có được tận dụng NVL như vâỵ làm vật tư tiêu hao và chỉ sử dụng trong nội bộ nhà máy không? Trường hợp được chuyển đổi mục đích sử dụng của nguyên vật liệu để sử dụng nội bộ, tư vấn giúp bên em loại hình tờ khai, chính sách thuế đối với hàng hóa chuyển đổi mục đích sử dụng.

2. Cty có nhập khẩu một số loại hóa chất về làm nguyên vật liệu sản xuất và phải làm thủ tục khai báo hóa chất hoặc xin giấy phép nhập khẩu tiền chất khi nhập khẩu. Sau khi nhận hàng, bên em phát hiện có 1 số mã hóa chất (có giấy phép khai báo hóa chất hoặc giấy phép nhập khẩu tiền chất do Cục Hóa chất- bộ công thương cấp) bị hỏng và không thể đưa vào sản xuất; do đó, bên em dự định sẽ làm thủ tục tiêu hủy. Vậy trường hợp này, bên em có cần xin phê duyệt từ các cơ quan cấp giấy phép nhập khẩu cho việc tiêu hủy các hàng hóa chất trên không?

3. Ctyvà bên đối tác có cho mượn thiết bị phục vụ sản xuất. Bên cho mượn thiết bị đã hoàn thảnh thủ tục tạm xuất và bàn giao hàng hóa cho bên bên mượn thiết bị. Trường hợp, bên mượn thiết bị đã nhận hàng về nhà máy và sơ xuất quên không mở tờ khai tạm nhập trong thời hạn quy định; vậy bên mượn thiết bị có tiếp tục được làm thủ tục Hải quan tạm nhập cho lô hàng trên không? Hiện tại, có quy định nào giới hạn về thời gian tối đa không được mở tờ khai tạm nhập sau khi tờ khai tạm xuất đã hoàn thành thủ tục không?

Ngày gửi: 18/04/2017 – Trả lời: 28/04/2017

Tên doanh nghiệp: Công ty TNHH Inoac Việt Nam

Địa chỉ: Lô 36, KCN Quang Minh, Thị trấn Quang Minh, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội – Email : thuylt@inoac.com.vn

1. Chuyên đổi mục đích sử dụng nguyên liệu sản xuất:

– Căn cứ công văn số 293/GSQL-GQ2 ngày 14/02/2017 của Cục Giám sát quản lý trả lời cho Cục Hải quan Đồng Nai về báo cáo quyết toán đối với vật từ tiêu hao:

    Tại khoản 2 Điều 54 Thông tư 38/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để gia công, sản xuất hàng hoá xuất khẩu, hàng chế xuất bao gồm “nguyên liệu, vật tư trực tiếp tham gia vào quá trình gia công, sản xuất sản phẩm xuất khẩu nhưng không trực tiếp chuyển hoá thành sản phẩm hoặc không cấu thành thực thể sản phẩm”. Theo đó, vật tư tiêu hao nhập khẩu dùng cho nhà xưởng, máy móc được sử dụng vào quá trình sản xuất, gia công hàng xuất khẩu phải thực hiện báo cáo quyết toán theo quy định tại Điều 60 Thông tư 38/2015/TT-BTC.

Căn cứ quy định trên, đối chiếu với trường hợp Công ty nêu nguyên liệu sản xuất theo loại hình tờ khai E11, không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, định tận dụng để sử dụng làm vật tư tiêu hao trong nhà máy,  nếu số vật tư này được sử dụng vào quá trình sản xuất, gia công hàng hoá xuất khẩu thì vẫn phải đưa vào báo cáo quyết toán theo quy định tại Điều 60 Thông tư 38/2015/TT-BTC như đối với nguyên liệu nhập loại hình SXXK. Do đó, Công ty không phải làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng theo quy định tại Điều 21 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015 của Bộ Tài chính.

          2. Tiêu huỷ nguyên liệu sản xuất là hoá chất đã nhập khẩu (có Giấy phép nhập khẩu tiền chất):

          Khi tiêu huỷ nguyên liệu sản xuất đã nhập khẩu theo Giấy phép, Công ty không cần xin phê duyệt từ cơ quan cấp giấy phép nhập khẩu.

          Trường hợp là nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất sản phẩm xuất khẩu loại hình E11, bị hỏng không đưa vào sản xuất được, khi tiêu huỷ nguyên liệu theo quy định Điều 72 Thông tư 38/2015/TT-BTC để thực hiện đúng quy định về tiêu huỷ nguyên phụ liệu:

          “Điều 72. Thủ tục tiêu hủy nguyên liệu, vật tư, phế liệu, phế phẩm

          1. Thủ tục tiêu hủy thực hiện như thủ tục tiêu hủy nguyên liệu, vật tư dư thừa, phế liệu, phế phẩm gia công quy định tại điểm d khoản 3 Điều 64 Thông tư này.

          2. Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm tiêu hủy nguyên liệu, vật tư, phế liệu, phế phẩm theo đúng quy định của pháp luật”.

– Thủ tục huỷ thực hiện theo quy định tại Khoản 3 Điều 64 Thông tư 38/2015/TT-BTC như sau :

3. Thủ tục hải quan

          d) Tiêu huỷ nguyên liệu, vật tư, phế liệu, phế phẩm tại Việt Nam:

          d.1) Tổ chức, cá nhân có văn bản gửi Chi cục Hải quan nơi nhập khẩu nguyên liệu, vật tư phương án sơ hủy, tiêu hủy nguyên liệu, vật tư, phế liệu, phế phẩm, trong đó nêu rõ hình thức, địa điểm tiêu huỷ. Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm thực hiện việc tiêu hủy theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;

          d.2) Cơ quan hải quan giám sát việc tiêu hủy nguyên liệu, vật tư, phế liệu, phế phẩm theo nguyên tắc quản lý rủi ro dựa trên đánh giá tuân thủ pháp luật của tổ chức, cá nhân.

– Căn cứ Khoản 1 Điều 21 Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015 của Bộ Tài chính quy định:

Điều 21. Khai thay đổi mục đích sử dụng, chuyển tiêu thụ nội địa

          1. Nguyên tắc thực hiện:

          …d) Hàng hóa thay đổi mục đích sử dụng hoặc chuyển tiêu thụ nội địa, người nộp thuế phải kê khai, nộp đủ tiền thuế, tiền phạt (nếu có) theo quy định”.

Căn cứ quy định nêu trên hàng hóa là nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu, không sử dụng được và phải tiêu hủy, thì Công ty tiến hành làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng theo quy định tại Điều 21, kê khai nộp đủ tiền thuế nhập khẩu, GTGT và tiền phạt (nếu có) trên tờ khai mới.

3. Quy định về thời hạn tạm xuất tái nhập:

Trường hợp Công ty cho đối tác mượn thiết bị để phục vụ sản xuất  hình thức tạm xuất, tái nhập quy định tại Điều 50 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP, Công ty đã làm thủ tục tạm xuất thì tiếp tục theo dõi là làm thủ tục tái nhập đúng thời hạn quy định. Bên mượn thiết bị không phải làm thủ tục tạm nhập.

Về thời hạn tạm xuất tái nhập thực hiện theo quy định tại khoản 5, Điều 50 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP, cụ thể như sau:

    “5. Thời hạn tạm nhập – tái xuất, tạm xuất – tái nhập thực hiện theo thỏa thuận của thương nhân với bên đối tác và đăng ký với cơ quan hải quan. Trường hợp cần kéo dài thời hạn tạm nhập, tạm xuất để sản xuất, thi công công trình, thực hiện dự án, thử nghiệm theo thỏa thuận với bên đối tác thì người khai hải quan có văn bản thông báo cho Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục tạm nhập, tạm xuất.

    Trường hợp quá thời hạn tạm nhập, tạm xuất mà người khai hải quan chưa tái xuất, tái nhập thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Công ty tham khảo thêm quy định về quản lý, theo dõi tờ khai hải quan tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập theo khoản 2 Điều 84 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015 của Bộ Tài chính, cụ thể như sau:

2. Hàng hóa tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập quy định tại Điều 49, Điều 50, Điều 51, Điều 52, Điều 53, Điều 54, Điều 55 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP:

a) Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục tạm nhập, tạm xuất theo dõi, quản lý lượng hàng tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập trên Hệ thống. Quá thời hạn tạm nhập, tạm xuất đã đăng ký với cơ quan hải quan nhưng chưa làm thủ tục tái xuất, tái nhập hoặc chưa thực hiện việc gia hạn thời gian tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập thì cơ quan hải quan xử lý theo quy định của pháp luật và thực hiện ấn định thuế (nếu có).

    Trường hợp việc khai hải quan tạm nhập, tạm xuất thực hiện trên tờ khai hải quan giấy (bao gồm cả trường hợp khai trên Bảng kê tạm nhập hoặc tạm xuất container/bồn mềm rỗng đối với phương tiện quay vòng tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 49 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP) thì thủ tục tái xuất, tái nhập và theo dõi lượng hàng tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập thực hiện trên tờ khai hải quan giấy;

    b) Đối với hàng hóa tạm nhập, tạm xuất thuộc đối tượng chịu thuế nhập khẩu, thuế xuất khẩu, sau khi tái xuất, tái nhập, người khai hải quan thực hiện thủ tục hoàn thuế, không thu thuế nhập khẩu, thuế xuất khẩu cho tờ khai tạm nhập, tạm xuất theo quy định tại mục 4 Chương VII Thông tư này;

    c) Đối với hàng hóa tạm nhập, tạm xuất thay đổi mục đích sử dụng, chuyển tiêu thụ nội địa thì phải làm thủ tục theo quy định tại Điều 21 Thông tư này.

    3. Trường hợp thực hiện thủ tục hải quan trên tờ khai hải quan giấy, sau khi tái xuất, tái nhập hàng hóa

    a) Đối với hàng hóa thuộc đối tượng miễn thuế hoặc không chịu thuế nhập khẩu, thuế xuất khẩu hoặc có thuế suất thuế nhập khẩu, thuế xuất khẩu 0%:

    a.1) Người khai hải quan nộp cho Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục tạm nhập, tạm xuất bộ hồ sơ gồm:

    a.1.1) Công văn đề nghị quyết toán tờ khai tạm nhập, tạm xuất, trong đó nêu rõ số tờ khai tạm nhập, tạm xuất, tái nhập, tái xuất: 01 bản chính;

    a.1.2) Tờ khai hải quan hàng hóa tái xuất, tái nhập: 01 bản chụp;

    a.1.3) Chứng từ thanh toán cho hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất: nộp 01 bản chụp.

    a.2) Trách nhiệm của cơ quan hải quan:

    Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận đầy đủ bộ hồ sơ, công chức hải quan thực hiện việc kiểm tra, đối chiếu bộ hồ sơ do người khai hải quan nộp với bộ hồ sơ lưu tại cơ quan hải quan để thực hiện việc quyết toán, xác nhận trên tờ khai hải quan tạm nhập, tạm xuất lưu tại cơ quan hải quan;

    b) Đối với hàng hóa tạm nhập, tạm xuất thuộc đối tượng chịu thuế nhập khẩu, xuất khẩu, sau khi tái xuất, tái nhập, người khai hải quan thực hiện thủ tục hoàn thuế, không thu thuế nhập khẩu, thuế xuất khẩu cho tờ khai tạm nhập, tạm xuất theo quy định tại mục 4 Chương VII Thông tư này tại Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục tạm nhập, tạm xuất.

NGUỒN: HẢI QUAN ĐỒNG NAI

0913575247 Mr Đức ducnvtk4@gmail.com