Đánh giá tổng thể cửa khẩu, cảng, kho, bãi hướng tới mô hình Hải quan thông minh

Những bước tiến trong quản lý cửa khẩu, cảng kho, bãi, địa điểm đã góp phần hiện đại hóa trong quản lý hàng hóa xuất, nhập khẩu. Khi ngành Hải quan nghiên cứu xây dựng mô hình Hải quan thông minh sẽ tiếp tục tạo bước tiến nhảy vọt trong công tác giám sát quản lý hoạt động hải quan của cơ quan Hải quan tại các khu vực cửa khẩu, cảng, kho, bãi, địa điểm cũng như tạo thuận lợi hơn nữa cho dòng chảy lưu thông hàng hóa.

Hoạt động xuất nhập khẩu tại khu vực cảng Hải Phòng. 	Ảnh: T.Bình
Hoạt động xuất nhập khẩu tại khu vực cảng Hải Phòng. Ảnh: T.Bình

Trong việc quản lý kho, bãi, địa điểm trên phạm vi toàn quốc đã có khoảng 500 doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng, địa điểm đã thực hiện kết nối, trao đổi dữ liệu điện tử thông qua Hệ thống VASSCM.

Theo đánh giá của Cục Giám sát quản lý về hải quan, thời gian qua việc triển khai hệ thống giám sát tự động đã được áp dụng tại Cảng hàng không sân bay quốc tế Nội Bài và Cảng hàng không sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã đạt nhiều kết quả nổi bật. Bước đầu đã quản lý được qua việc trao đổi thông tin liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp trên Hệ thống một cửa quốc gia. Kết nối thông tin hàng hóa nhập khẩu của doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng với hệ thống VASSCM, người khai hải quan đến nhận hàng gần như không phải làm thủ tục tại cơ quan Hải quan giúp doanh nghiệp giảm chí phí hồ sơ chứng từ bản giấy, giảm chi phí đi lại, giảm phiền hà từ việc làm thủ tục hải quan, tạo thuận lợi thương mại. Những lợi ích trên đã được các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa và doanh nghiệp kinh doanh kho hàng không ghi nhận.

Tuy vậy, tại cảng biển, cảng thủy nội địa, cảng hàng không quốc tế, cảng cạn (ICD), ga đường sắt liên vận quốc tế, nhiều doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng và địa điểm vẫn chưa nhận thức đầy đủ về trách nhiệm của doanh nghiệp trong công tác quản lý, giám sát hàng hóa, chưa thực hiện xây dựng, bổ sung kho, bãi, cảng nhằm đáp ứng việc phân tách riêng biệt khu vực lưu giữ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh với khu vực lưu giữ hàng hóa nội địa; chưa hoàn thiện bổ sung điều kiện tại kho, bãi, địa điểm theo quy định của pháp luật.

Về công tác giám sát đường bộ, để tăng cường đồng bộ các giải pháp kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu biên giới đường bộ, đặc biệt là với hàng bách hóa tiêu dùng, Tổng cục Hải quan đã có văn bản hướng dẫn theo đó, yêu cầu người khai phải thực hiện khai báo thông tin trước khi hàng hóa đến cửa khẩu biên giới đường bộ, đường thủy nội địa…

Việc hiện đại hóa quản lý cửa khẩu, cảng, kho, bãi đã đạt được nhiều kết quả, tuy nhiên để tiếp tục đáp ứng yêu cầu quản lý, cũng như đồng bộ công tác hiện đại hóa hướng tới mô hình Hải quan số, Hải quan thông minh, Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục có sự rà soát, đánh giá thực trạng trong phạm vi toàn Ngành.

Cụ thể, Tổng cục Hải quan đã yêu cầu các cục hải quan tỉnh, thành phố thực hiện rà soát tổng thể các cửa khẩu biên giới đất liền, khu vực cảng biển, cảng không quốc tế, ga đường sắt quốc tế, cảng thủy nội địa; kho, bãi, địa điểm thuộc khu vực giám sát hải quan trên toàn quốc.

Các đơn vị rà soát, thống kê các cửa khẩu biên giới đất liền (quốc tế, chính, phụ); cảng biển tiếp nhận tàu quốc tế; điểm chuyển tải; cảng không quốc tế; ga đường sắt quốc tế; cảng thủy nội địa; địa điểm kiểm tra tại khu vực cửa khẩu đường bộ, ga đường sắt liên vận quốc tế, cảng biển, cảng thủy nội địa có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu do hải quan đầu tư xây dựng hoặc kho, bãi, địa điểm trong khu vực cảng biển, cảng thủy nội địa, cảng hàng không quốc tế, ga đường sắt liên vận quốc tế đủ điều kiện tập kết, kiểm tra giám sát hải quan do doanh nghiệp đầu tư xây dựng; kho ngoại quan, kho CFS, kho bảo thuế, kho hàng không kéo dài, cửa hàng miễn thuế; địa điểm làm thủ tục hải quan tại cảng cạn; địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tập trung; địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát hàng hóa chuyển phát nhanh; địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu ở khu vực biên giới; địa điểm kiểm tra tại cơ sở sản xuất, công trình thuộc địa bản quản lý.

Đồng thời, các đơn vị hải quan địa phương cũng được yêu cầu rà soát, lập danh sách, thực hiện kiểm tra thực tế các kho bãi, địa điểm do doanh nghiệp đầu tư xây dựng được công nhận hoạt động trước thời định Nghị định 68/2016/NĐ-CP có hiệu lực, có tên gọi và chức năng hoạt động chưa đúng với tên gọi với các kho bãi, địa điểm nhưng đáp ứng các điều kiện hoạt động theo quy định tại Nghị định số 68/2016/NĐ-CP.

Việc đánh giá tổng thể hoạt động cửa khẩu, cảng, kho, bãi, địa điểm sẽ giúp cho Tổng cục Hải quan có căn cứ đánh giá thực trạng tại các cửa khẩu, cảng, kho bãi, địa điểm, từ đó xây dựng xây dựng cơ sở dữ liệu và kế hoạch đầu tư trang thiết bị phục vụ đề án Mô hình hệ thống Hải quan thông minh trong thời gian tới, đảm bảo công tác giám sát quản lý hoạt động hải quan của cơ quan Hải quan tại các khu vực của khẩu, cảng, kho, bãi, địa điểm.

NGUỒN: BÁO HẢI QUAN

0913575247 Mr Đức ducnvtk4@gmail.com