Chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả quản lý hải quan

Thực hiện chủ trương về chuyển đổi số quốc gia, ngành Hải quan đang tập trung thực hiện đồng loạt các công việc liên quan đến xây dựng hệ thống Hải quan số để minh bạch hóa công tác hải quan, thông quan nhanh hàng hóa và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về hải quan.

Công chức Hải quan Quảng Ninh thực hiện giám sát qua hệ thống camera tại sân bay Vân Đồn. 	Ảnh: Quang Hùng
Công chức Hải quan Quảng Ninh thực hiện giám sát qua hệ thống camera tại sân bay Vân Đồn. Ảnh: Quang Hùng

Trao đổi với phóng viên, Cục trưởng Cục CNTT và Thống kê hải quan (Tổng cục Hải quan) Lê Đức Thành cho biết, căn cứ Nghị quyết số 52-NQ/TƯ ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Quyết định 749/QĐ-TTg ngày 30/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” và chỉ đạo của Bộ Tài chính, ngành Hải quan đang tập trung nguồn lực, triển khai các nội dung công việc liên quan đến chuyển đổi số trong lĩnh vực hải quan.

Trước tiên là tái thiết kế quy trình nghiệp vụ với mục đích nâng cao hiệu quả quản lý thông qua việc tăng cường tính công khai, minh bạch, đồng thời hạn chế sự can thiệp của con người. Quy trình mới phải nâng cao hơn nữa tính tự động hóa.

“Quy trình mới sẽ tinh xảo hơn, có các bước thực hiện gọn hơn, hạn chế tối đa sự can thiệp của con người nhưng nâng cao hiệu quả quản lý thông qua việc phân tích, đánh giá thông tin chính xác hơn để tập trung quản lý những đối tượng có rủi ro cao”, ông Lê Đức Thành chia sẻ.

Để có nguồn dữ liệu thông tin đầy đủ, chính xác phục vụ việc phân tích, đánh giá tự động của các hệ thống công nghệ thông tin, vấn đề quan trọng đặt ra là phải chuyển đổi số. Cụ thể là chuyển đổi hồ sơ, tài liệu, hệ thống văn bản liên quan đến lĩnh vực hải quan, lĩnh vực xuất nhập khẩu… từ các bản giấy, bản scan thành các dữ liệu số hóa để hệ thống máy tính có được nguồn dữ liệu đầy đủ, phong phú, làm cơ sở tự động phân tích, đánh giá.

Ngoài số hóa hồ sơ, tài liệu, để có nguồn dữ liệu thông tin đầy đủ, phong phú, ngành Hải quan đã và đang đẩy mạnh áp dụng các trang thiết bị hiện đại trong công tác quản lý hải quan như seal điện tử, máy soi container, hệ thống camera giám sát… Đây là các trang thiết bị giúp kết nối và trao đổi thông tin (dưới dạng số hóa) trực tiếp với các hệ thống phần mềm quản lý của cơ quan Hải quan.

Sau khi có được nguồn thông tin, vấn đề đặt ra tiếp theo là thực hiện phân tích, đánh giá. Theo đó, cơ quan Hải quan sẽ tăng cường áp dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 vào phân tích đánh giá các nguồn thông tin, dữ liệu thông qua sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), hệ thống thông tin quản trị thông minh (BI) với việc sử dụng các mẫu biểu nghiệp vụ thông minh, áp dụng internet vạn vật (IOT)…

Nội dung quan trọng thứ ba trong chuyển đổi số của lĩnh vực hải quan là sử dụng Big Data (dữ liệu lớn) để thu thập, lưu trữ các nguồn thông tin dữ liệu liên quan (cả thông tin thô và thông tin sau khi được phân tích, đánh giá).

“Các nội dung về chuyển đổi số rất rộng, nhưng tựu trung, cụ thể trong lĩnh vực hải quan sẽ tập trung vào các vấn đề chính là thiết kế lại quy trình nghiệp vụ, số hóa dữ liệu đầu vào, áp dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 như AI, BI, IOT, Big Data vào phân tích, đánh giá và lưu giữ thông tin phục vụ công tác quản lý nhà nước về hải quan”, Cục trưởng Cục CNTT và Thống kê hải quan nhấn mạnh.

Theo ông Lê Đức Thành, với khoảng 15 triệu tờ khai hải quan mỗi năm càng nhiều chứng từ, tài liệu kèm theo, chưa kể các hệ thống văn bản pháp luật trong lĩnh vực hải quan, lĩnh vực xuất nhập khẩu… nên khối lượng công việc đặt ra trong tiến trình chuyển đổi số của ngành Hải quan là hết sức nặng nề.

Hiện nay, Tổng cục Hải quan đang tập trung triển khai nhiều nội dung công việc liên quan đến chuyển đổi số, trong đó nhiệm vụ trọng tâm là thực hiện Quyết định 97/QĐ-BTC ngày 26/1/2021 của Bộ Tài chính phê duyệt chủ trương “Thuê dịch vụ công nghệ thông tin thực hiện Hải quan số”.

Ông Lê Đức Thành cho biết, mục tiêu của thuê dịch vụ công nghệ thông tin thực hiện Hải quan số là triển khai hệ thống công nghệ thông tin mới trên cơ sở ứng dụng những thành tựu mới về công nghệ, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, đáp ứng yêu cầu quản trị thông minh; quản lý doanh nghiệp, hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh; phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh toàn diện từ khâu đầu đến khâu cuối; có khả năng tích hợp, kết nối, chia sẻ thông tin với các bộ, ngành, doanh nghiệp thông qua Cơ chế một cửa quốc gia và sẵn sàng trao đổi dữ liệu hải quan với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Hiện nay, Tổng cục Hải quan đang thực hiện các nội dung công việc liên quan đến thuê dịch vụ công nghệ thông tin thực hiện Hải quan số theo đúng mục tiêu, kế hoạch.

NGUỒN: BÁO HẢI QUAN

0913575247 Mr Đức ducnvtk4@gmail.com