Chú trọng đơn giản, tự động hóa quy trình thủ tục, tạo thuận lợi thương mại

Nhằm đơn giản, tự động hóa quy trình thủ tục hải quan, tạo thuận lợi thương mại, Tổng cục Hải quan tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia (NSW), Cơ chế một cửa ASEAN (ASW); triển khai công tác kiểm tra chuyên ngành (KTCN) đối với hàng hóa nhập khẩu; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT)…

Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cái Lân (Cục Hải quan Quảng Ninh). 	Ảnh: T.Bình
Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cái Lân (Cục Hải quan Quảng Ninh). Ảnh: T.Bình

NSW ngày càng phát huy hiệu quả

Về triển khai NSW, Tổng cục Hải quan đã xây dựng Nghị định về kết nối và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan Chính phủ với các bên liên quan thông qua NSW trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa. Đồng thời xây dựng Đề án tổng thể về xây dựng và phát triển hệ thống CNTT phục vụ triển khai NSW, ASW theo định hướng xử lý tập trung.

Cùng với đó là xây dựng Kế hoạch hành động triển khai NSW, thúc đẩy công nghiệp logistic và tạo thuận lợi thương mại giai đoạn 2022-2026 trình Chính phủ.

Quý 1/2022, Tổng cục Hải quan tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành triển khai thủ tục hành chính mới trên NSW. Cập nhật đến ngày 15/3/2022, có 244 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành kết nối NSW với với gần 4,9 triệu bộ hồ sơ của xấp xỉ 53 nghìn doanh nghiệp. Riêng từ ngày 1/1/2022 đến hết ngày 15/3/2022, số hồ sơ được xử lý trên Cổng thông tin một cửa quốc gia là 155.589 với 1.319 doanh nghiệp tham gia.

Về triển khai ASW, Việt Nam tiếp tục trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với tất cả 9 nước thành viên ASEAN. Tổng cục Hải quan đang phối hợp với Ban thư ký ASEAN và các nước ASEAN để triển khai kết nối trao đổi tờ khai hải quan ASEAN theo đúng kế hoạch, lộ trình chung.

Đối với triển khai kết nối với các đối tác ngoài ASEAN, Việt Nam đã hoàn thành việc kiểm thử kỹ thuật kết nối và trao đổi thông điệp thử nghiệm tờ khai hải quan xuất khẩu với Liên minh kinh tế Á – Âu; Phối hợp với Bộ Công Thương tiến hành đàm phán để hoàn thiện các Nghị định thư, thống nhất yêu cầu kỹ thuật và xây dựng hệ thống để trao đổi chứng nhận xuất xứ với Liên minh kinh tế Á – Âu; trao đổi thông tin C/O điện tử với Hàn Quốc.

Triển khai “Thỏa thuận về việc tạo thuận lợi thông quan sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản thông qua việc sử dụng chứng nhận điện tử” giữa Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Bộ Các ngành cơ bản (New Zealand) thông qua NSW.

Triển khai nhiều ứng dụng CNTT

Để đơn giản hóa, tự động hóa quy trình thủ tục, tạo thuận lợi thương mại, việc ứng dụng CNTT có vai trò then chốt.

Quý 1/2022, Tổng cục Hải quan tập trung thực hiện các nội dung Thông báo số 48-TB/BCSĐ ngày 14/12/2021 của Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính về thuê dịch vụ CNTT như: hoàn thiện dự thảo báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thuê dịch vụ CNTT thực hiện Hải quan số; rà soát, hoàn thiện các nội dung cần sửa đổi tại Quyết định số 97/QĐ-BTC ngày 26/01/2021 sau khi tiếp thu ý kiến các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Tài chính; thành lập Tổ thẩm định nội bộ rà soát dự toán kế hoạch thuê dịch vụ CNTT thực hiện Hải quan số và Tổ giám sát độc lập việc triển khai Kế hoạch thuê dịch vụ CNTT thực hiện Hải quan số.

Bên cạnh đó, được sự ủy quyền của lãnh đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã có công văn gửi Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước và Bộ Công an đề nghị kiểm toán và giám sát ngay từ đầu quá trình thuê dịch vụ CNTT thực hiện Hải quan số.

Mặt khác, để đáp ứng nhu cầu phát triển trong giai đoạn mới, cũng như phù hợp với chủ trương, kế hoạch chuyển đổi số của Chính phủ, của Bộ Tài chính; ứng dụng công nghệ của Cách mạng công nghiệp 4.0; xu hướng phát triển của cơ quan Hải quan các nước phát triển trên thế giới và mô hình phát triển hải quan số do Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) đưa ra, Tổng cục Hải quan đã và đang triển khai quyết liệt các nội dung công việc liên quan đến chuyển đổi số. Quý 1, Tổng cục Hải quan đã triển khai xây dựng Đề án cơ sở dữ liệu quốc gia về Hải quan trình Chính phủ và xây dựng Kế hoạch chuyển đổi số ngành Hải quan.

Cùng với đó, Tổng cục Hải quan còn triển khai các hoạt động ứng dụng CNTT vào công tác quản lý hải quan như: xây dựng hệ thống quản lý tem điện tử rượu và thuốc lá nhập khẩu; triển khai và tổ chức đào tạo, hướng dẫn sử dụng phần mềm khai hải quan miễn phí cho doanh nghiệp; triển khai tiếp nhận Manifest đường bộ qua Cổng thông tin điện tử hải quan; phối hợp kết nối, chia sẻ thông tin cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Bộ Công an; quản lý, giám sát và đảm bảo vận hành Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS và các hệ thống CNTT tập trung của ngành Hải quan ổn định 24/7, đảm bảo an ninh, an toàn, đường truyền thông suốt phục vụ thông quan hàng hóa nhanh chóng, thuận lợi.

Đặc biệt, để giải quyết tình trạng ùn tắc hàng hóa tại cửa khẩu phía Bắc, Tổng cục Hải quan đã chính thức triển khai chức năng cảnh báo chống ùn tắc trên Cổng thông tin một cửa quốc gia. Để biết được tình trạng phương tiện tại cửa khẩu biên giới (lưu lượng phương tiện tại cửa khẩu), người sử dụng truy cập vào địa chỉ https://www.vnsw.gov.vn, mục “Bản đồ mật độ phương tiện”. Thông tin về lưu lượng phương tiện tại cửa khẩu biên giới được cập nhật theo thời gian thực; công khai trên Cổng thông tin một cửa quốc gia tại địa chỉ https://www.vnsw.gov.vn. Cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, người điều khiển phương tiện có thể truy cập bằng máy tính hoặc các thiết bị thông minh có kết nối internet để tra cứu.

Những hoạt động ứng dụng CNTT nêu trên đã góp phần tạo thuận lợi thương mại và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về hải quan, được cộng đồng doanh nghiệp, người dân và các cơ quan quản lý nhà nước ghi nhận, đánh giá cao.

NGUỒN: BÁO HẢI QUAN

0913575247 Mr Đức ducnvtk4@gmail.com