CHI 380 TỶ USD NHẬP KHẨU HÀNG HÓA, TRUNG QUỐC CHIẾM HƠN 1/3

Năm 2024, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 380,76 tỷ USD, tăng 16,7% (tương ứng tăng 54,41 tỷ USD), theo thống kê của Tổng cục Hải quan.
Hàng hóa xuất nhập khẩu qua Cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành (Lào Cai). Ảnh: N.Linh
Hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc qua cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành. Ảnh: N.Linh.

Nhập khẩu từ Trung Quốc hơn 144 tỷ USD

Đáng chú ý, về thị trường nhập khẩu, Trung Quốc chiếm ưu thế rất lớn. Năm 2024, riêng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ quốc gia này lên đến 144,02 tỷ USD, tăng mạnh 30,2% (tương ứng tăng 33,39 tỷ USD) so với năm trước.

Chỉ riêng thị trường Trung Quốc chiếm tới 38% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước. Năm 2024, cả 5 nhóm hàng lớn nhất nhập khẩu từ Trung Quốc đều tăng rất mạnh.

Cụ thể, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 34,59 tỷ USD, tăng 47,7% (tương ứng tăng 11,17 tỷ USD); máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng đạt 28,96 tỷ USD, tăng 28,7%; nguyên phụ liệu phục vụ ngành dệt may da giày đạt 15,59 tỷ USD, tăng 22,3%; điện thoại các loại và linh kiện đạt 9,05 tỷ USD, tăng 24%; sắt thép các loại đạt 7,49 tỷ USD, tăng 32,5%.

Như vậy, riêng 5 nhóm hàng trên có kim ngạch lên đến 95,67 tỷ USD, chiếm 66% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ thị trường Trung Quốc.

Hàn Quốc là thị trường Việt Nam nhập khẩu hàng hóa nhiều thứ hai với 55,93 tỷ USD, tăng 6,6% (tương ứng tăng 3,46 tỷ USD) so với năm trước.

Nhóm hàng nhập khẩu lớn nhất từ “xứ sở kim chi” là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với 31,89 tỷ USD, tăng 10,9%.

Khối ASEAN là thị trường nhập khẩu lớn thứ ba với 47,06 tỷ USD, tăng 15% (tương ứng tăng 6,15 tỷ USD) so với năm trước.

Trong đó, nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 8,01 tỷ USD, tăng 0,8%; xăng dầu các loại đạt 4,75 tỷ USD, tăng 11,4); máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác đạt 2,94 tỷ USD, tăng 13,3%…

Ngoài top 3 kể trên, các thị trường nước ta nhập khẩu nhiều hàng hóa có thể kể đến như: Đài Loan (Trung Quốc) đạt 22,74 tỷ USD, tăng 23,5%; Nhật Bản đạt 21,59 tỷ USD, giảm 0,2%; EU đạt 16,73 tỷ USD, tăng 12%; Hoa Kỳ đạt 15,1 tỷ USD, tăng 9,3%…

Lần đầu chi hơn 100 tỷ USD nhập khẩu máy vi tính

Liên quan đến hàng hóa nhập khẩu, nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu.

Đặc biệt, năm 2024, nhập khẩu nhóm hàng này lần đầu tiên vượt mức 100 tỷ USD (đạt 107,05 tỷ USD), tăng 21,7% (tương ứng tăng 19,09 tỷ USD) so với năm trước.

Trong đó, kim ngạch nhập khẩu của FDI là 97,49 tỷ USD, tăng 21,3% (tương ứng tăng 17,09 tỷ USD) và doanh nghiệp trong nước là 9,6 tỷ USD, tăng 26,3% (tương ứng tăng gần 2 tỷ USD).

Việt Nam chủ yếu nhập khẩu nhóm hàng này từ các thị trường: Trung Quốc đạt 34,59 tỷ USD, tăng 47,7%; Hàn Quốc đạt 31,89 tỷ USD, tăng 10,9%; Đài Loan (Trung Quốc) đạt 13,86 tỷ USD, tăng 36,1%…

Nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng đứng thứ hai với 48,89 tỷ USD, tăng 17,6% so với năm trước (tương ứng tăng 7,31 tỷ USD). Đây cũng là năm ghi nhận kim ngạch nhập khẩu kỷ lục của nhóm hàng này.

Trung Quốc là thị trường lớn nhất cung cấp máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng cho Việt Nam với 28,96 tỷ USD, tăng 28,7%; tiếp theo là Hàn Quốc với 5,26 tỷ USD, giảm 3,2%; Nhật Bản với 4,01 tỷ USD xấp xỉ năm 2023…

Các nhóm hàng nhập khẩu lớn khác như: vải đạt 26,37 tỷ USD; sắt thép đạt 19,65 tỷ USD; chất dẻo nguyên liệu đạt 17,58 tỷ USD…

Nhìn chung các nhóm hàng nhập khẩu đều có tăng trưởng cao so với năm 2023, nhất là các nhóm hàng chủ lực.

Thái Bình – HẢI QUAN ONLINE

0913575247 Mr Đức ducnvtk4@gmail.com