Cảnh báo tình trạng khai sai mã hàng ở khu vực cảng Hải Phòng

Liên tiếp những vụ việc khai chủng loại, mã số hàng hóa với số tiền thuế thiếu hụt (so với hàng thực nhập) từ vài chục đến cả trăm triệu đồng đối với hàng hóa nhập khẩu về khu vực cảng Hải Phòng đã được lực lượng Hải quan kịp thời phát hiện. Điều này cho thấy nguy cơ gian lận, trốn thuế qua khai sai mã số hàng hóa luôn nóng, nhất là với địa bàn có lưu lượng hàng hóa XNK lớn.

Thép tấm nhập khẩu ở cảng Hoàng Diệu, Hải Phòng. Ảnh: T.Bình.

“Hô biến” hàng có thuế thành… thuế 0%!

Mới đây, Công ty B. mở tờ khai tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực I (Cục Hải quan Hải Phòng) nhập khẩu gần 130 tấn thép, xuất xứ từ Nhật Bản. Trong đó phần lớn hàng hóa được DN tự khai vào mã số của dòng sản phẩm có thuế suất thuế Nhập khẩu 0%. Cụ thể, DN khai báo 102,3 tấn thép cuộn cán nóng, đã ngâm tẩy gỉ và tráng phủ dầu có chiều dày 1,3-2,3 mm, hàng loại 2, không hợp kim, xuất xứ Nhật Bản, mã HS 72082790, thuế suất thuế Nhập khẩu 0%. Số hàng còn lại (hơn 27 tấn) được DN khai báo là thép cuộn mạ kẽm bằng phương pháp nhúng nóng, chiều dày 1,4-2,0 mm, hàng loại 2, không hợp kim, xuất xứ Nhật Bản, mã HS 72104999, thuế suất thuế Nhập khẩu 10%.

Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế và kết quả giám định hàng hóa, lực lượng Hải quan phát hiện DN khai sai chủng loại, mã số hàng hóa làm thiếu số tiền thuế phải nộp. Theo đó, trong lô hàng trên có hơn 41 tấn thép cuộn cán phẳng, mạ kẽm bằng phương pháp nhúng nóng, chiều dày từ 0,5-1,2 mm, có HS 72104912, thuế suất thuế Nhập khẩu 20%. Số hàng hơn 88 tấn còn lại được xác định là thép cuộn cán phẳng, mạ kẽm bằng phương pháp nhúng nóng, chiều dày từ 1,3-2,3 mm, có mã HS 72104999, có thuế suất thuế Nhập khẩu 10%.

Như vậy, theo kết quả kiểm tra thực tế của cơ quan Hải quan và kết quả giám định của cơ quan chức năng, toàn bộ lô hàng kể trên đều có thuế suất thuế Nhập khẩu là 10% và 20%, khác rất nhiều so với khai báo trước đó của DN như đề cập ở trên. Nếu tạm tính đơn giá nhập khẩu bình quân 10 triệu đồng/tấn, số thuế chênh lệch giữa khai báo của DN và hàng thực nhập cũng lên đến hơn trăm triệu đồng.

Trường hợp khác, mới đây, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đình Vũ (Cục Hải quan Hải Phòng) đã phát hiện Công ty M. có hành vi khai báo sai chủng, mã số thuế dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp. Khi làm thủ tục hải quan, DN khai báo hàng nhập khẩu là gần 87 tấn bột giấy Kraft được sản xuất bằng phương pháp sulphat từ gỗ cây lá kim, chưa tẩy trắng, loại không hòa tan, dạng cuộn; mã HS 47031100, có thuế suất thuế Nhập khẩu 0%. Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế của cơ quan Hải quan và giám định của cơ quan chức năng, hàng hóa thực nhập là giấy kraft lớp mặt, loại chưa tẩy trắng, thành phần bột giấy kraft trên 80%, bề mặt không tráng phủ, độ bục 560 kPa, dạng cuộn, mã số  HS 48041100; có thuế suất thuế Nhập khẩu 15%…

Các trường hợp nêu trên không phải là cá biệt ở khu vực cảng Hải Phòng. Theo thông tin từ Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia, thời gian gần đây, các chi cục hải quan cửa khẩu trực thuộc Cục Hải quan Hải Phòng phát hiện nhiều trường hợp khai báo sai chủng loại, mã số hàng nhập khẩu dẫn đến thiếu hụt tiền thuế phải nộp.

Chủ yếu xử lý vi phạm hành chính

Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, lãnh đạo Phòng Chống buôn lậu và xử lý vi phạm (Cục Hải quan Hải Phòng) cho biết, các hành vi khai sai chủng loại, mã số, hoặc số lượng hàng hóa… thường do các chi cục xử lý theo thẩm quyền. Theo thông tin từ Cục Hải quan Hải Phòng, riêng 6 tháng đầu năm 2017, toàn Cục xử phạt  vi phạm hành chính 2.865 vụ, trong đó có 2.826 vụ xử phạt tại cấp chi cục; 17 vụ xử phạt tại cấp Cục; chuyển Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố ra quyết định xử phạt 22 vụ, thu nộp ngân sách từ xử lý vi phạm hành chính tổng số tiền 8,75 tỷ đồng.

Để làm rõ hơn quy định xử lý đối với các trường hợp khai sai mã số hàng hóa dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp, ngày 21/8, phóng việc Báo Hải quan làm việc với bà Trịnh Thanh Hải- Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Tổng cục Hải quan). Bà Hải cho biết: Hiện nay căn cứ xử lý vi phạm hành chính với trường hợp nêu trên được quy định tại Điều 8 và Điều 13 Nghị định 45/2016/NĐ-CP. Trong đó, Điều 8 quy định về việc xử lý vi phạm quy định về khai thuế. Theo đó, người nộp thuế có hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn, không thu thì ngoài việc nộp đủ số tiền thuế, tiền chậm nộp theo quy định còn bị xử phạt bổ sung như phạt 10% hoặc 20% số tiền thuế khai thiếu…

Còn Điều 13 quy định xử phạt đối với hành vi trốn thuế, gian lận thuế, có chế tài xử lý nặng hơn. Cụ thể, người nộp thuế có hành vi trốn thuế, gian lận thuế trong lĩnh vực hải quan (quy định tại Khoản 1 Điều 13) nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì ngoài việc phải nộp đủ số tiền thuế theo quy định, còn bị phạt tiền bằng 1 lần số tiền thuế trốn, gian lận trong trường hợp không có tình tiết tăng nặng. Trường hợp có tình tiết tăng nặng thì đối với tổ chức mỗi tình tiết tăng nặng mức phạt tăng lên 0,2 lần nhưng không vượt quá 3 lần số tiền thuế trốn, gian lận; đối với cá nhân mỗi tình tiết tăng nặng mức phạt tăng lên 0,1 lần nhưng không quá 1,5 lần số tiền thuế trốn, gian lận.

NGUỒN: BÁO HẢI QUAN.

0913575247 Mr Đức ducnvtk4@gmail.com