CẢI CÁCH KIỂM TRA CHUYÊN NGÀNH LÀ XU THẾ KHÔNG ĐỪNG ĐƯỢC

 Thời gian qua, công tác cải cách, đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành (KTCN) đối với hàng hóa xuất nhập khẩu đã có nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên, dư địa cải cách vẫn còn rất lớn.

Công chức Hải quan cảng Sài Gòn khu vực 4 kiểm tra hàng hóa NK. Ảnh: T.H

Đường dài cải cách kiểm tra chuyên ngành

Tại cuộc họp mới đây với một số bộ, ngành về dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra nhà nước về chất lượng và kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho rằng, cải cách là xu thế không đừng được, không cải cách sẽ tự văng ra khỏi bộ máy. Bộ Tài chính mong muốn cải cách nhanh, có phương án tốt nhất hỗ trợ doanh nghiệp.

Có thể thấy, quá trình cải cách thủ tục KTCN được triển khai từ nhiều năm qua, đặc biệt từ năm 2015 đến nay thực hiện theo Quyết định 2026/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động KTCN đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn đó những bất cập, tồn tại. Đó là văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động KTCN quá nhiều, có những quy định chưa được hướng dẫn đầy đủ, thiếu thống nhất. Vẫn còn tình trạng xung đột trong các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chuyên ngành, trong khi đó hiệu quả kiểm tra không cao.

Khi Quyết định 38/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu ban hành đầu năm 2021, được kỳ vọng sẽ là bước đột phá, tháo gỡ những “nút thắt” bất cập hiện nay.

Cụ thể hóa các mục tiêu đó chính là hướng đến cải cách toàn diện các quy định về hoạt động kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng quản lý rủi ro, đơn giản hóa quy trình, thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu. Giảm đầu mối tiếp xúc giữa doanh nghiệp với các cơ quan quản lý. Các kết quả của cơ quan tổ chức sẽ được chuyển trực tiếp tới cơ quan Hải quan để thực hiện thủ tục KTCN, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu đồng thời với thực hiện thủ tục hải quan. Qua đó cắt giảm chi phí, thời gian thông quan hàng hóa nhập khẩu…

Trong khoảng 3 năm xây dựng dự thảo Nghị định triển khai mục tiêu cải cách nêu tại Quyết định 38/2021/QĐ-TTg, Ban soạn thảo đã tổ chức lấy ý kiến, tổ chức họp, hội thảo với các bộ, cơ quan, doanh nghiệp để tiếp thu ý kiến, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Nghị định. Cơ quan soạn thảo đã liên tục hoàn chỉnh nhiều lần trên tinh thần vẫn bám sát các nội dung cải cách đã được Chính phủ phê duyệt và tiếp thu những ý kiến hợp lý. Tinh thần cải cách được các bộ, ngành hưởng ứng quyết liệt, nhiều thành viên Chính phủ đã bỏ phiếu thông qua, song vẫn còn một số bộ có ý kiến khác. Thời gian qua, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) vẫn tiếp tục làm việc với một số bộ còn ý kiến khác nhau để đi đến phương án thống nhất.

Tại cuộc họp cuối năm 2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã kết luận giao Bộ Tài chính làm việc với các Bộ: Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Y tế, Tư pháp để rà soát kỹ lưỡng dự thảo Nghị định, áp dụng tối đa các nguyên tắc cải cách thuộc thẩm quyền của Chính phủ, bảo đảm phù hợp với các luật chuyên ngành và chịu trách nhiệm toàn diện về các nội dung tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Nghị định.

Vì mục tiêu cắt giảm chi phí, thời gian thông quan

Tại nhiều cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi đã đánh giá, dự thảo Nghị định này là một văn bản khó. Khi xây dựng dự thảo, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan mong muốn đặt ra những “bước đi dài” cho công tác cải cách quản lý nhà nước về kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.

Tuy nhiên, với sự kéo dài của của việc hoàn thiện Nghị định, do vẫn còn những ý kiến khác nhau của một số bộ, ngành, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi trong cuộc họp mới đây cũng bày tỏ sự “sốt ruột”, đồng thời đề nghị các bộ nêu ý kiến cụ thể. “Cải cách là xu thế không đừng được. Tuy nhiên trong từng lĩnh vực: Y tế, Giao thông, Khoa học công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương… đều có những hàng hóa, sản phẩm có đặc thù khác nhau… do đó các bộ cần có ý kiến cụ thể có làm được vào Nghị định khung với các nguyên tắc chung hay không. Hoặc các bộ sẽ chủ động rà soát báo cáo Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch cải cách của từng bộ”, lãnh đạo Bộ Tài chính đề nghị.

Ý kiến của đại diện Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Khoa học và Công nghệ đều mong muốn đưa cải cách từng lĩnh vực về từng bộ xử lý vì mỗi bộ, mỗi mặt hàng đều đặc thù riêng. Nếu cùng một phương pháp áp dụng cho nhiều nhóm hàng hóa không phù hợp. Các bộ sẽ rà soát từng chi tiết lĩnh vực và có lộ trình, cách làm phù hợp với từng lĩnh vực riêng. Các bộ chuyên ngành trong vai trò của mình phải có trách nhiệm đổi mới, cải tiến trong công tác quản lý. Đồng thời đề xuất tiếp tục nâng cấp, cải thiện Hệ thống một cửa quốc gia kết nối với các bộ, ngành.

Trong khi đó, đại diện Bộ Giao thông vận tải ủng hộ phương án ban hành Nghị định và thực hiện đồng bộ trên Cổng một cửa quốc gia. Quá trình xây dựng dự thảo Nghị định, Bộ Giao thông vận tải đã có 5 văn bản góp ý và 1 phiếu ý kiến thành viên Chính phủ. Tất cả các ý kiến được Bộ Tài chính giải trình và có những nội dung đã tiếp thu. Với cách giải trình và qua rất nhiều cuộc họp thì Bộ Giao thông vận tải thấy rằng dự thảo Nghị định chỉ đưa ra nguyên tắc để thực hiện việc đăng ký và triển khai trên một cửa, còn phương thức, quy trình như thế nào thì vẫn các bộ chuyên ngành thực hiện. Sản phẩm hàng hóa khi xảy ra sơ suất về chất lượng thì bộ chuyên ngành sẽ phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, trong lĩnh vực giao thông vận tải vẫn cần phải làm việc trực tiếp với Ban soạn thảo để làm rõ và điều chỉnh theo đặc thù của lĩnh vực.

Cũng tại cuộc họp, trao đổi về vấn đề cải cách KTCN, gắn với triển khai trên Cổng một cửa quốc gia, Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan Âu Anh Tuấn cho biết, thực tế qua rà soát của cơ quan Hải quan, kiến nghị của doanh nghiệp cho thấy thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm còn nhiều bất cập như vẫn còn thực hiện thủ công, hồ sơ chưa số hóa… Không phải tất cả các thủ tục đều thực hiện trên Cổng một cửa quốc gia mà vẫn có bộ thực hiện trên hệ thống riêng sau đó cập nhật kết quả lên Cổng. Do đó, cơ quan Hải quan khi thực hiện thông quan hàng hóa không tự động kiểm tra, đối chiếu được do kết quả kiểm tra được trả trên Cổng thông tin một cửa quốc gia vẫn còn ở dạng scan, chưa được số hóa..

“Do vậy nếu làm theo hướng thực hiện toàn bộ các thủ tục của bộ chuyên ngành trên Cổng một cửa quốc gia hoặc Cổng dịch vụ công trực tuyến của bộ, ngành sau đó kết nối với Cổng một cửa quốc gia để nhận và có thể sử dụng kết quả đó để thông quan thì phải rà soát lại toàn bộ các quy định, trình tự thực hiện trên cổng, các chỉ tiêu thông tin để đảm bảo các chỉ tiêu thông tin được số hóa và kết quả trả ra là số hóa”, ông Âu Anh Tuấn phân tích.

Trên cơ sở ý kiến các bộ, ngành, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho rằng, giải pháp cải cách chung cho tất cả sản phẩm, hàng hóa là không phù hợp, Bộ Tài chính sẽ báo cáo, đề xuất Phó Thủ tướng báo cáo Thủ tướng cho họp lại với các bộ, trên cơ sở đó các bộ sẽ báo cáo trực tiếp và Phó Thủ tướng để chỉ đạo về vấn đề này.

Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng khẳng định, việc KTCN nhanh hay chậm là trách nhiệm của các bộ, ngành. Về hệ thống, cơ quan Hải quan có trách nhiệm kết nối để không gián đoạn. Để cải cách chung giảm chi phí, thời gian thông quan hàng hóa phải KTCN thì bộ, ngành kết nối với Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan. Cần thiết thì sửa Nghị định 85/2019/NĐ-CP để thống nhất chỉ tiêu thông tin phục vụ kết nối Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN.

NGỌC LINH

NGUỒN: HẢI QUAN ONLINE

0913575247 Mr Đức ducnvtk4@gmail.com