HẢI QUAN CHUNG TAY CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG KINH DOANH, THU HÚT ĐẦU TƯ

Thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 5/1/2024 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024, ngành Hải quan đã chủ động, linh hoạt triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để chung tay cùng các bộ, ngành địa phương thực hiện chủ trương quan trọng này.

Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp XNK do UBND TP Hải Phòng tổ chức ngày 20/3/2024. 	Ảnh: T.Bình
Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp XNK do UBND TP Hải Phòng tổ chức ngày 20/3/2024. Ảnh: T.Bình

Nhiều “đại bàng” công nghệ về “làm tổ”

Ngay những ngày đầu xuân Giáp Thìn 2024 (ngày 19/2/2024), Thái Nguyên đón tin vui khi Tập đoàn Trina Solar (doanh nghiệp FDI của Trung Quốc) chính thức được trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà máy thứ 3 tại địa phương này với số vốn lên đến 545 triệu USD (cả 3 nhà máy đều nằm trong KCN Yên Bình).

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), quý 1/2024, đã có hơn 6,17 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2023. Trong số này, vốn đăng ký mới đạt hơn 4,77 tỷ USD, tăng 57,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mới đặt chân đến Việt Nam (cụ thể là Thái Nguyên) từ năm 2021, nhưng trong thời gian ngắn Trina Solar đã quyết định mở đến 3 nhà máy tại Thái Nguyên với tổng vốn đầu tư lên đến gần 1 tỷ USD.

Trina Solar là Tập đoàn chuyên nghiên cứu, sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời và đầu tư giải pháp năng lượng tái tạo hàng đầu trên thế giới, có trên 50 chi nhánh trên toàn cầu, sản phẩm đã có mặt tại hơn 150 quốc gia.

Động lực khiến Tập đoàn này sớm mạnh dạn đầu tư lớn vào Thái Nguyên bởi doanh nghiệp luôn nhận được sự đồng hành, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi nhất của địa phương, trong đó có Chi cục Hải quan Thái Nguyên (Cục Hải quan Bắc Ninh).

Nằm cách KCN Yên Bình chỉ vài chục cây số, KCN Yên Phong II (Bắc Ninh) cũng mới đón một “đại bàng” công nghệ lớn đến “an cư lạc nghiệp” là Tập đoàn Amkor (Hoa Kỳ).

Được thành lập năm 1968, Amkor với bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, đã có mặt tại 11 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có 8 quốc gia đặt nhà máy sản xuất (với 20 nhà máy), thu hút khoảng 30.000 lao động.

Tháng 11/2021, Amkor quyết định đầu tư nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu, thiết bị bán dẫn tại KCN Yên Phong II-C (huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh). Nhà máy Amkor Technology Việt Nam có tổng vốn đầu tư lên đến 1,6 tỷ USD, chia làm 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn I là 520 triệu USD và dự kiến tới năm 2035 sẽ tạo việc làm cho khoảng 10.000 lao động. Đây là nhà máy mới nhất của Tập đoàn trên toàn cầu.

Lãnh đạo Công ty chia sẻ, quá trình triển khai dự án, doanh nghiệp nhận được sự hỗ trợ hiệu quả từ Cục Hải quan Bắc Ninh. Nếu không có sự hợp tác, hỗ trợ đó, Công ty không thể sớm hoàn thành được nhà máy quy mô, hiện đại như hiện nay.

Nhiều lần có dịp làm việc, trao đổi với đại diện các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới đang có nhà máy tại địa bàn Cục Hải quan Bắc Ninh quản lý như Samsung, Canon, Foxconn…, chúng tôi ghi nhận ý kiến đánh giá tích cực về vai trò của cơ quan Hải quan trong tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Đây là một trong những lý do quan trọng để các tập đoàn lớn trên thế giới đến đầu tư và mở rộng sản xuất tại Việt Nam.

Chủ động tìm đến doanh nghiệp

Với chủ trương của ngành Hải quan xem doanh nghiệp là đối tác để đồng hành, phát triển, các đơn vị hải quan địa phương đã chủ động tìm đến doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp FDI để nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp từ khâu đầu tư xây dựng nhà máy đến quá trình sản xuất, kinh doanh.

Như Cục Hải quan Bắc Ninh, ngay trong những ngày đầu năm 2024, lãnh đạo Cục đã liên tiếp có các cuộc làm việc với 6 doanh nghiệp, tập đoàn lớn trên địa bàn quản lý (Bắc Ninh, Bắc Giang và Thái Nguyên), gồm: Tập đoàn Trina Solar, Công ty TNHH Goertek Vina, Công ty TNHH Goertek Technologi, Công ty TNHH Amkor Technology Việt Nam, Công ty TNHH Canon Việt Nam, Công ty TNHH Hana Micron Vina.

Đáng chú ý, đây đều là doanh nghiệp FDI của Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc…, có quy mô toàn cầu hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao như (công nghiệp bán dẫn, linh kiện và sản phẩm điện tử, hệ thống pin năng lượng mặt trời…).

Trực tiếp có mặt trong các buổi làm việc giữa lãnh đạo Cục Hải quan Bắc Ninh với doanh nghiệp, chúng tôi ghi nhận đại diện các doanh nghiệp đánh giá cao vai trò tạo thuận lợi của cơ quan Hải quan.

Cùng với công tác cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan, các doanh nghiệp ấn tượng về tinh thần thái độ phục vụ chuyên nghiệp của cán bộ, công chức hải quan.

Đặc biệt, các doanh nghiệp mới đến đầu tư ở Việt Nam như Amkor, Trina Solar khẳng định, nhờ sự hỗ trợ tận tình của cán bộ, công chức hải quan giúp doanh nghiệp rút ngắn thời gian thông quan, đẩy nhanh quá trình xây dựng nhà xưởng, nhập khẩu máy móc, thiết bị để sớm đi vào vận hành nhà máy.

Cầu nối cho doanh nghiệp với chính quyền

Cục Hải quan Hải Phòng quản lý nhà nước về hải quan tại 4 tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, đây cũng đang là những địa phương có nhiều đột phá trong thu hút FDI, đặc biệt là TP Hải Phòng.

Ngoài việc triển khai đồng bộ các giải pháp về cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan, Cục Hải quan Hải Phòng đã có nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả trong phát triển quan hệ đối tác Hải quan – Doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư. Một trong số đó là tham mưu cho lãnh đạo các tỉnh, thành phố tổ chức hội nghị đối thoại với doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Mới đây nhất, ngày 20/3/2024, UBND TP Hải Phòng tổ chức Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp xuất nhập khẩu năm 2024 với chủ đề “Hợp tác – Phát triển – Hiệu quả” với sự tham dự của 250 doanh nghiệp tiêu biểu làm thủ tục qua địa bàn. Trong đó, Cục Hải quan Hải Phòng được UBND TP Hải Phòng giao chủ trì chuẩn bị nội dung của hội nghị.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí Hải quan bên lề hội nghị, đại diện nhiều doanh nghiệp cho biết, thông qua sự kiện, doanh nghiệp có cơ hội phản ánh trực tiếp đến lãnh đạo UBND và các sở, ngành của TP Hải Phòng những vướng mắc.

“Hội nghị nêu trên là cầu nối hữu hiệu giữa doanh nghiệp với chính quyền sở tại do có sự chủ trì của lãnh đạo thành phố và sự tham gia của lãnh đạo nhiều sở, ngành liên quan”, ông Trương Gia Huy, Tổng giám đốc Công ty TNHH Nhôm Đông Á nói.

Hiện đại hóa để phục vụ doanh nghiệp tốt hơn

Hết năm 2023, TPHCM dẫn đầu cả nước về thu hút FDI với 12.398 dự án, tổng vốn đăng ký 57,632 tỷ USD, chiếm 31,67% tổng số dự án và gần 13% tổng vốn đăng ký của cả nước.

Đóng góp vào thu hút FDI của thành phố không thể không nhắc đến vai trò tạo thuận lợi của Cục Hải quan TPHCM. Đặc biệt để đáp ứng khối lượng công việc lớn, đơn vị đã chú trọng công tác hiện đại hóa, ứng dụng máy móc, trang thiết bị hiện đại…

Trong đó, Hải quan TPHCM chủ động xây dựng và triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, cũng như nghiệp vụ nhằm hỗ trợ công tác đặc thù của đơn vị.

Tiêu biểu là thực hiện các phân hệ ứng dụng tích hợp trên Hệ thống quản trị nội bộ HCAS trong việc số hóa, điện tử hóa quy trình các lĩnh vực công tác, như: quản lý văn bản và điều hành công việc, theo dõi kết luận chỉ đạo của lãnh đạo các cấp, đánh giá phân loại cán bộ công chức hàng tháng, hỗ trợ nghiệp vụ cho cán bộ, công chức trên nhiều lĩnh vực (chính sách mặt hàng, phân tích phân loại, quản lý rủi ro, mang hàng về bảo quản, báo cáo quyết toán, theo dõi trạng thái tờ khai tại các khâu trong quy trình nghiệp vụ…).

Đáng chú ý, Hải quan TPHCM đã triển khai thành công một số đề án mang tính đột phá, như: Đề án tạo thuận lợi thương mại, thủ tục hải quan trong hoạt động logistics và chống ùn tắc hàng hóa xuất nhập khẩu tại cảng Cát Lái; Đề án ứng dụng công nghệ 4.0 trong công tác đánh giá, xếp loại chất lượng công chức, người lao động và tự soi, tự sửa; Đề án đào tạo phân tích hình ảnh máy soi cho cán bộ công chức làm nhiệm vụ kiểm tra hàng hóa, hành lý bằng máy soi; Đề án ứng dụng công nghệ thông tin trong việc nâng cao công tác quản lý, theo dõi giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo…

Ngoài 3 đơn vị nêu trên, còn nhiều cách làm hay, sáng tạo ở các cục hải quan địa phương trên cả nước như: Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội, Hà Nam Ninh, Đà Nẵng, Cần Thơ… mà trong khuôn khổ bài báo này chúng tôi không thể đề cập hết. Nhưng, có thể nói, với sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của lãnh đạo Tổng cục Hải quan, toàn Ngành đã triển khai tích cực, hiệu quả các giải pháp tạo thuận lợi thương mại, thúc đẩy tăng trưởng hoạt động xuất nhập khẩu, góp phần quan trọng vào cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư.

HẢI QUAN ONLINE

0913575247 Mr Đức ducnvtk4@gmail.com