GIẢI PHÁP CÂN BẰNG GIỮA KIỂM SOÁT VÀ TẠO THUẬN LỢI THƯƠNG MẠI CỦA HẢI QUAN HOA LƯ

Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Hoa Lư, Cục Hải quan Bình Phước xác định việc áp dụng quản lý rủi ro trong quá trình quản lý xuất nhập khẩu là một trong những nội dung quan trọng của cải cách hải quan, giúp cân bằng giữa năng lực kiểm soát và tạo thuận lợi thương mại.
Công chức Hải quan Bình Phước kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu tại cửa khẩu quốc tế Hoa Lư. Ảnh: N.H
Công chức Hải quan kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu tại cửa khẩu quốc tế Hoa Lư. Ảnh: N.H

Tạo thuận lợi gắn với kiểm soát hiệu quả

Năm 2023, tại Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Hoa Lư có trên 150 doanh nghiệp làm thủ tục với số tờ khai phát sinh là gần 6.000 tờ khai. Trong đó, luồng Xanh chiếm 45,5%; luồng Vàng chiếm 49,67% và luồng Đỏ chiếm 4,83%.

Theo ông Điểu Đrênh Đức, Phó chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Hoa Lư, trong sự phát triển không ngừng của thương mại quốc tế, việc áp dụng quản lý rủi ro trong quá trình quản lý xuất nhập khẩu là một trong những nội dung quan trọng của cải cách hải quan, giúp cân bằng giữa năng lực kiểm soát và tạo thuận lợi thương mại.

Theo đó, trong năm 2023, Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Hoa Lư thường xuyên cập nhật hồ sơ doanh nghiệp để thực hiện thu thập vào Hệ thống thông tin quản lý ro, quản lý vi phạm…, qua đó làm cơ sở thực hiện đánh giá, xếp hạng và cập nhật hạng doanh nghiệp trên Hệ thống thông tin quản lý rủi ro và Hệ thống VCIS. Trên cơ sở các doanh nghiệp đã được Tổng cục Hải quan đánh giá, xếp hạng rủi ro, Chi cục thực hiện theo dõi, thu thập, cập nhật thông tin, dấu hiệu vi phạm, đánh giá quá trình chấp hành pháp luật của doanh nghiệp, từ đó thực hiện kiến nghị, đề xuất điều chỉnh hạng đối với các trường hợp xét thấy chưa phù hợp theo quy định.

Đặc biệt, để thực hiện quyết định kiểm tra trong quá trình làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, Chi cục đã đề xuất thiết lập tiêu chí kiểm tra thực tế hàng hóa đối với một số doanh nghiệp có rủi ro cao, mặt hàng rủi ro về chính sách, thuế, đã từng bị xử lý vi phạm hành chính và vi phạm pháp luật về thuế. Đồng thời thường xuyên rà soát các trường hợp hủy bỏ tờ khai luồng Vàng hoặc luồng Đỏ mà lý do không phù hợp để theo dõi đề xuất thiết lập tiêu chí phân tích.

Chi cục Hoa Lư cũng áp dụng biện pháp tuyên truyền cho doanh nghiệp về hủy sửa tờ khai sẽ liên quan đến việc xem xét, điều chỉnh kết quả đánh giá tuân thủ và kết quả đánh giá xếp hạng rủi ro của doanh nghiệp theo quy định; đưa ra cảnh báo rủi ro về đối tượng, dấu hiệu, phương thức, thủ đoạn lợi dụng hoạt động hủy, sửa tờ khai để buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế.

Ngoài ra, với những lô hàng có dấu hiệu vi phạm, trong quá trình làm thủ tục hải quan, chi cục cũng thực hiện chuyển luồng để kiểm tra thực tế. Cụ thể, đã chuyển luồng 43 tờ khai của 20 doanh nghiệp, dừng hàng qua khu vực giám sát đối với 31 tờ khai của 19 doanh nghiệp. Qua đó đã phát hiện và xử lý 3 trường hợp vi phạm.

Tiếp tục vận dụng hiệu quả

Dù có nhiều thuận lợi, song theo Chi cục, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đơn vị cũng gặp một số khó khăn trong công tác thu thập thông tin, nhất là các doanh nghiệp làm thủ tục xuất nhập khẩu không thường xuyên tại đơn vị thường là doanh nghiệp ở xa, không có trụ sở đóng trên địa bàn quản lý.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp cung cấp thông tin cho cơ quan hải quan không kịp thời, không đầy đủ nội dung, chất lượng và thời gian yêu cầu do không có quy định và chế tài cụ thể đối với trường hợp này, phần lớn là các doanh nghiệp chỉ cung cấp các thông tin cơ bản đã có sẵn trên hệ thống.

Về phía Hải quan, công chức làm công tác quản lý rủi ro còn kiêm nhiệm các công việc khác tại đơn vị, chưa chuyên sâu, chủ yếu thực hiện các hoạt động bề nổi, chạy theo chỉ tiêu.

Các nguồn thu thập thông tin doanh nghiệp cũng chưa đa dạng, hiện tại chủ yếu từ doanh nghiệp cung cấp theo mẫu biểu quy định, thông tin từ các đơn vị trong ngành hoặc thông tin thu thập được từ các cơ quan, đơn vị khác qua công tác phối hợp, trao đổi. Tuy nhiên, nguồn thông tin này chưa cập nhật đầy đủ, kịp thời do việc thu thập chỉ thực hiện qua đường công văn 1 lần/ năm.

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, ông Đức cho biết, thời gian tới chi cục sẽ tăng cường hơn nữa công tác thu thập thông tin trong khâu thông quan, giúp ngăn chặn kịp thời, giảm thiểu mức thấp nhất rủi ro trong quá trình quản lý hàng hóa xuất khẩu, hành khách xuất cảnh, nhập cảnh; duy trì mối quan hệ chặt chẽ giữa công tác quản lý rủi ro và các khâu thông quan nhằm hướng tới một hệ thống quản lý xuyên suốt, liên hoàn.

Theo đó, để doanh nghiệp hiểu rõ mục đích, yêu cầu cũng như quyền lợi và trách nhiệm trong việc cung cấp thông tin cho cơ quan Hải quan, áp dụng trong công tác kiểm soát rủi ro tại doanh nghiệp, cần tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và các buổi đối thoại doanh nghiệp.

Chi cục cũng sẽ chủ động trao đổi, thu thập thông tin từ các đơn vị liên quan như ngân hàng thương mại, cơ quan Thuế, Công an, Sở Kế hoạch và Đầu tư… Từ đó phân tích, xử lý, so sánh thông tin từ nhiều nguồn khác nhau để có kết quả chính xác, áp dụng hiệu quả và tạo cho công tác đánh giá, quản lý doanh nghiệp.

Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Hoa Lư kiến nghị cần có quy chế phối hợp với các ban, ngành trong và ngoài ngành về công tác cung cấp thông tin liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp. Đồng thời, Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan Bình Phước cần có kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng quản lý rủi ro cho cán bộ, công chức qua các buổi hội nghị, hội thảo, các lớp đào tạo, bồi dưỡng./.

NGUYỄN HIỀN

NGUỒN: HẢI QUAN ONLINE

0913575247 Mr Đức ducnvtk4@gmail.com