FED tăng lãi suất tác động gì đến kinh tế Việt Nam?

Mới đây, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã quyết định tăng lãi suất cơ bản thêm 0,5 điểm %, lên mức 0,75-1%. Đây là mức tăng lãi suất lớn nhất kể từ 5/2020 nhằm kiềm chế lạm phát. Theo các chuyên gia, tác động tới kinh tế Việt Nam dù không nhiều nhưng cũng đang dần rõ nét.

FED tăng lãi suất có thể tạo áp lực lên tỷ giá USD/VND. Ảnh minh họa: TTXVN
FED tăng lãi suất có thể tạo áp lực lên tỷ giá USD/VND. Ảnh minh họa: TTXVN

Cùng với động thái tăng lãi suất, FED cũng công bố kế hoạch cắt giảm quy mô tài sản đang nắm giữ (mỗi tháng giảm khoảng gần 50 tỷ USD từ tháng 6/2022) từ mức gần 9.000 tỷ USD hiện nay (chủ yếu gồm trái phiếu kho bạc và chứng khoán đảm bảo bằng các khoản vay thế chấp nhà ở).

Theo báo cáo nghiên cứu của nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, đối với kinh tế – tài chính thế giới, về ngắn hạn, việc FED tăng lãi suất không gây nhiều tác động do đây là việc được thực hiện theo lộ trình và đã được thị trường kỳ vọng từ trước. Tuy nhiên, trong trung hạn, điều này sẽ khiến chi phí vốn và trả nợ của các chính phủ, hộ gia đình và doanh nghiệp tăng cao, khiển kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại.

Về tác động tới Việt Nam, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ Quốc gia cho rằng, trước mắt, tác động trực tiếp tới kinh tế – tài chính Việt Nam mặc dù không nhiều song đã dần rõ nét hơn.

Cụ thể, tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng từ ngày 16/3 (lần FED tăng lãi suất đầu tiên) tới nay đã tăng 0,36% khi chỉ số đồng USD (DXY) tăng 4,25%. Áp lực tỷ giá và lạm phát tăng lên cũng khiến một số tổ chức tín dụng tăng lãi suất huy động từ 0,3-0,5% tùy theo kỳ hạn và xu hướng này vẫn tiếp tục diễn ra.

Đặc biệt, vị chuyên gia này nhấn mạnh, việc FED tiếp tục tăng lãi suất trong các tháng tiếp theo sẽ có những tác động rõ nét hơn đến kinh tế – tài chính Việt Nam trên ít nhất là 4 phương diện.

Thứ nhất, mặt bằng lãi suất toàn cầu tăng lên có thể khiến kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, làm giảm sức cầu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Nguyên nhân do việc FED và một số ngân hàng trung ương các nước tiếp tục tăng lãi suất nhằm đối phó với lạm phát khiến chi phí đi vay của doanh nghiệp và người dân tăng lên, nhu cầu hàng hóa – dịch vụ giảm.

Thứ hai, việc FED tăng lãi suất sẽ khiến đồng USD lên giá so với hầu hết các đồng tiền khác, trong đó có VND, tạo sức ép lớn hơn lên tỷ giá USD/VND. Tuy nhiên, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, tỷ giá USD/VND tăng không quá lớn do đồng USD đến hết ngày 5/5/2022 đã tăng gần 7% so với cuối năm 2021. Bên cạnh đó, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đang đạt mức khá cao (trên 110 tỷ USD), góp phần củng cố “tấm đệm” với các cú sốc bên ngoài và ổn định tỷ giá.

Ngoài ra, nguồn cung ngoại tệ như kiều hối, giải ngân FDI dự báo vẫn tăng trưởng ổn định, cán cân thương mại 4 tháng đầu năm thặng dư 2,53 tỷ USD và cả năm dự báo vẫn thặng dư (khoảng 4-8 tỷ USD). Vì thế, vị chuyên gia này dự báo, tỷ giá năm 2022 sẽ chỉ tăng khoảng 0,8-1,2%.

Thứ ba, việc tăng lãi suất của FED sẽ làm cho lãi suất có xu hướng tăng lên khiến chi phí vay vốn mới và nghĩa vụ trả nợ bằng đồng USD tăng.

Thứ tư là tác động đối với dòng vốn đầu tư, nhất là đầu tư gián tiếp nước ngoài. Khi FED tăng lãi suất, một số nhà đầu tư e ngại rủi ro, rút vốn từ các thị trường mới nổi, quay về đầu tư tại thị trường Mỹ và một số thị trường phát triển khác nhằm trú ẩn rủi ro và hưởng lãi suất cao hơn trước.

Tuy nhiên, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, nhà đầu tư ngoại sẽ rút vốn không nhiều đối với thị trường Việt Nam do Việt Nam vẫn được đánh giá là thị trường hấp dẫn đầu tư với nền tảng chính trị ổn định, tiềm năng tăng trưởng kinh tế khá cao, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định.

Cũng nói về vấn đề này, theo PGS.TS. Tô Trung Thành, Khoa Kinh tế học, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, động thái thắt chặt chính sách tiền tệ do lo ngại lạm phát sẽ khiến dư địa của các chính sách tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ phục hồi kinh tế tại Việt Nam bị thu hẹp hơn. Do đó, các chính sách cần tập trung hơn, hướng đến việc làm thế nào để phục hồi và phát triển nền kinh tế một cách bền vững; các chính sách cũng cần ưu tiên hướng đến khu vực doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp có tính lan tỏa lớn đến nền kinh tế.

Tương tự, nhóm chuyên gia của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cũng đưa ra một số kiến nghị như: cần tiếp tục tăng cường phối hợp chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và điều hành giá cả nhằm ổn định kinh tế vĩ mô; cần xây dựng lộ trình và phối hợp thực thi kế hoạch tăng giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý; cần xây dựng kế hoạch với các chính sách, giải pháp đồng bộ, nhất quán nhằm tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế đối với các cú sốc bên ngoài…

NGUỒN: BÁO HẢI QUAN

0913575247 Mr Đức ducnvtk4@gmail.com