Chủ động ứng dụng công nghệ thông tin kiểm soát thời gian thông quan

Ứng dụng công nghệ công khai thông tin về thời gian tiếp nhận, thực hiện thủ tục thông quan của từng bộ, ngành liên quan theo thời gian trên Cổng thông tin một cửa quốc gia, giúp doanh nghiệp có thể theo dõi thời gian khai báo, thời gian xử lý, cán bộ/đơn vị xử lý, nhật ký giao dịch của hồ sơ được khai báo.

ứng dụng công nghệ thông tin giúp kiểm soát thời gian thông quan. Ảnh: N.Linh
Ứng dụng công nghệ thông tin giúp kiểm soát thời gian thông quan. Ảnh: N.Linh

Đây là một trong những kết quả nổi bật của Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) trong việc triển khai kế hoạch cải thiện Chỉ số hiệu quả logistics của Việt Nam (ban hành theo Quyết định 708/QĐ-BTC ngày 26/3/2019). Nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm soát thời gian thông quan, công khai thông tin về thời gian tiếp nhận, thực hiện thủ tục thông quan của từng bộ, ngành liên quan theo thời gian trên Cổng thông tin một cửa quốc gia đã đạt nhiều kết quả.

Cụ thể, trong thời gian qua, Tổng cục Hải quan đã phát triển, quản lý và vận hành nhiều hệ thống thông tin lớn, cốt lõi trong lĩnh vực quản lý nhà nước về hải quan và một số các hệ thống phục vụ công tác nội ngành. Các hệ thống thông tin này đã góp phần quan trọng trong nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong công tác quản lý nhà nước về Hải quan.

Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS được triển khai chính thức từ tháng 4/2014, thực hiện tiếp nhận khai báo của doanh nghiệp dưới dạng điện tử 24/7; thực hiện phân luồng hàng hóa; tự động thông quan và phản hồi kết quả cho doanh nghiệp.

Các hệ thống xử lý nghiệp vụ khác hỗ trợ cho cán bộ hải quan trong quá trình xử lý nghiệp vụ thông quan, giám sát hàng hóa như: tiếp nhận kiểm tra thông tin về phương tiện vận tải, bản khai hàng hóa; Hệ thống quản lý, giám sát hải quan tự động (VASSCM), phục vụ việc giám sát hàng hóa tại kho, bãi, cảng; Hệ thống quản lý rủi ro; Hệ thống quản lý thông tin giá tính thuế (GTT02); Hệ thống thanh toán thuế điện tử; Hệ thống thông tin quản lý cơ sở dữ liệu danh mục, biểu thuế và phân loại, mức thuế (MHS); Kiểm tra giấy phép, kết quả kiểm tra chuyên ngành được gửi về từ Cơ chế một cửa quốc gia thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia…

Đáng chú ý về ứng dụng công nghệ thông tin công khai thông tin về thời gian tiếp nhận, thực hiện thủ tục thông quan của từng bộ, ngành liên quan theo thời gian trên Cổng thông tin một cửa quốc gia, Bộ Tài chính, các bộ, ngành liên quan đã đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh; hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh bằng phương thức điện tử thông qua Cơ chế một cửa quốc gia với đầu mối là Cổng thông tin một của quốc gia kết nối các hệ thống quản lý chuyên ngành.

Đến ngày 20/9/2021, đã có 235 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành được triển khai chính thức Cơ chế một cửa quốc gia. Khi thực hiện các thủ tục hành chính thông qua Cơ chế một cửa quốc gia, doanh nghiệp khai báo hồ sơ điện tử và nhận kết quả xử lý, giấy phép của các bộ, ngành thông qua hệ thống.

Cơ quan Hải quan thực hiện thủ tục thông quan hàng hóa thông qua giấy phép điện tử được cấp qua Cổng thông tin một cửa quốc gia. Doanh nghiệp có thể theo dõi thời gian khai báo, thời gian xử lý, cán bộ/đơn vị xử lý, nhật ký giao dịch của hồ sơ được khai báo.

Đặc biệt, để tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm soát thời gian thông quan, Bộ Tài chính đang phối hợp với các bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ xây dựng và triển khai Đề án tổng thể về xây dựng và phát triển hệ thống công nghệ thông tin phục vụ triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN theo định hướng xử lý tập trung, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ trong quý 1 năm 2022.

Mục tiêu của đề án là tái cấu trúc Cổng thông tin một cửa quốc gia đáp ứng yêu cầu trở thành điểm tiếp nhận và chia sẻ thông tin, dữ liệu, chứng từ điện tử cho tất cả các bên tham gia vào hoạt động thương mại xuyên biên gưới, chuỗi cung ứng, logistics thông qua việc tập trung hóa dữ liệu và tập trung hóa việc xây dựng xử lý dữ liệu.

Ngoài ra, thời gian qua Tổng cục Hải quan đã triển khai tự động hóa thủ tục giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu tại tất cả các cửa khẩu đường không, đường biển trên toàn quốc. Tính đến nay, ngành Hải quan đã triển khai Hệ thống giám sát hải quan tự động (Hệ thống VASSCM) áp dụng tại tất cả các cảng biển trên toàn quốc và đối với cảng hàng không quốc tế đã chính thức triển khai tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, đang triển khai thí điểm tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, đối với các cảng hàng không khác, ngành Hải quan đang tiếp tục nghiên cứu để áp dụng triển khai trong thời gian tới.

NGUỒN: BÁO HẢI QUAN

0913575247 Mr Đức ducnvtk4@gmail.com