Hải quan thúc đẩy phục hồi, đổi mới, bền bỉ nhằm đảm bảo chuỗi cung ứng bền vững

Nhân ngày Hải quan quốc tế 26/1/2021, Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO) lựa chọn chủ đề của năm 2021 là “Hải quan thúc đẩy phục hồi, đổi mới và luôn kiên định mục tiêu nhằm đảm bảo chuỗi cung ứng bền vững”.

Tổng cục Hải quan đã xây dựng được hệ thống công nghệ thông tin, với dữ liệu được xử lý điện tử tập trung cấp Tổng cục, hoạt động ổn định, thông suốt.
Tổng cục Hải quan đã xây dựng được hệ thống công nghệ thông tin, với dữ liệu được xử lý điện tử tập trung cấp Tổng cục, hoạt động ổn định, thông suốt. (Trong ảnh là hoạt động nghiệp vụ của Chi cục Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị- Cục Hải quan Lạng Sơn). Ảnh: H.Nụ

Chủ đề năm nay nhằm mục tiêu để các cơ quan Hải quan thành viên cùng tăng cường hợp tác, kiên trì các mục tiêu đã đề ra, tiếp tục đổi mới và hiện đại hóa ứng dụng công nghệ thông tin, đặt yếu tố con người vào trung tâm của quá trình chuyển tiếp trong bối cảnh đại dịch Covid- 19 ngày càng nghiêm trọng.

Đặc biệt, trong thời gian qua, nhiều cơ quan Hải quan đã và đang tái cơ cấu, phát triển không ngừng cho mục tiêu thuận lợi hóa thương mại và thực thi pháp luật hải quan hiệu quả. Trong quá trình đó, hướng các cơ quan Hải quan tiến hành tái cơ cấu hoạt động nhằm đối phó với sự bùng nổ của đại dịch Covid-19, WCO khuyến nghị các thành viên về việc sử dụng công nghệ hiện đại tại biên giới, nhất là lưu ý vào việc tự động hóa, sử dụng các công nghệ mới nổi và thông qua các hướng tiếp cận với các đối tác trong chuỗi cung ứng.

Cụ thể, tăng cường hợp tác nhằm thúc đẩy phục hồi: Đại dịch Covid-19 gây ra hậu quả hết sức nặng nề đối với doanh nghiệp và thương mại, đây cũng là thời điểm các cơ quan Hải quan cần thể hiện vai trò tiên phong của mình trong việc đảm tạo thuận lợi và an ninh chuỗi cung ứng. WCO khuyến nghị các thành viên áp dụng các công của WCO như Công ước Kyoto sửa đổi, Khung tiêu chuẩn về Đảm bảo an ninh và Tạo thuận lợi thương mại SAFE, các chuẩn mực đối với Doanh nghiệp ưu tiên, Khung tiêu chuẩn về Thương mại điện tử qua biên giới khi dự báo về sự tiếp tục gia tăng mạnh mẽ của thương mại điện tử qua biên giới trong đại dịch Covid-19.

Về mục tiêu tiếp tục đổi mới, WCO khuyến nghị tiếp tục ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm hướng đến các mô hình hải quan thông minh gắn với các biện pháp thông quan số và tự động, sử dụng công nghệ để kiểm soát và tạo thuận lợi một cách hiệu quả hơn, nghiên cứu việc ứng dụng các công nghệ blockchain, trí tuệ nhân tạo, máy soi, kết nối vạn vật nhằm tối ưu hóa việc thu thập, tổng hợp, chia sẻ và phân tích dữ liệu.

Một mục tiêu nữa mà WCO cũng như các cơ quan Hải quan thành viên kiên định thúc đẩy đó là đưa yếu tố con người thành trung tâm của sự thay đổi nhằm tạo ra sự bền vững và ổn định của chuỗi cung ứng. WCO nhấn mạnh, đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi cách thức vận hành của cả thế giới, lối sống và thói quen của con người, từ đó, cơ quan Hải quan cần rút ra các bài học và giải pháp nhằm thích ứng với tình hình mới, xây dựng năng lực và tăng cường liêm chính của đội ngũ cán bộ, nhằm củng cố niềm tin từ cộng đồng và tạo ra những cơ hội mới cho thương mại của mỗi quốc gia.

Đối với Hải quan Việt Nam, năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khóa XV, là năm đầu tiên thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2021-2025 và Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 10 năm 2021-2030.

Dự báo tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Hoà bình, hợp tác, liên kết phát triển vẫn là xu thế lớn nhưng cạnh tranh chiến lược giữa một số quốc gia, đối tác lớn trong khu vực, trên biển tiếp tục diễn ra gay gắt. Xung đột thương mại gia tăng và những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 có thể kéo dài, tiềm ẩn nhiều nguy cơ khủng hoảng về tài chính, tiền tệ,… tác động rất lớn đến tình hình kinh tế nước ta năm 2021. Trong đó, nền kinh tế trong nước có nhiều triển vọng lạc quan, tuy sẽ gặp những khó khăn, thách thức từ bên ngoài nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, nên kinh tế vĩ mô dự báo tiếp tục ổn định.

Để thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao năm 2021, trong các mục tiêu nhiệm vụ của Tổng cục Hải quan, nhiều mục tiêu nhiệm vụ hoàn toàn phù hợp với năm chủ đề của WCO thể hiện tầm nhìn và định hướng phát triển đúng đắn của Hải quan Việt Nam – một thành viên của WCO, cụ thể đó là:

Một là, tiếp tục cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan theo hướng hiện đại, công khai, minh bạch… nhằm góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phục hồi kinh tế và đảm bảo sự bền vững của các chuỗi cung ứng đi và đến Việt Nam.

Hai là, tiếp tục áp dụng các chuẩn mực quốc tế, quy trình quản lý hải quan hiện đại nhằm tạo thuận lợi tối đa cho cộng đồng doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo giám sát, quản lý chặt chẽ theo đúng quy định của pháp luật.

Ba là, đẩy mạnh ứng dụng, tái thiết kế tổng thể hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ cốt lõi của ngành Hải quan hướng tới hải quan số. Định hướng xây dựng mô hình tổ chức hải quan thông minh gắn với triển khai Đề án tái thiết kế Hệ thống công nghệ thông tin tổng thể của ngành Hải quan và khung Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030 trên cơ sở quản lý tập trung, ứng dụng công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo, đáp ứng yêu cầu quản lý, phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế.

Bốn là, tăng cường công tác kiểm soát chống buôn lậu và gian lận thương mại, công tác quản lý rủi ro, kiểm tra sau thông quan; công tác thanh tra, kiểm tra góp phần tăng thu NSNN. Tăng cường công tác kiểm tra, xác định xuất xứ, chống gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, chuyển tải bất hợp pháp.

Năm là, xây dựng lực lượng Hải quan văn minh, chuyên nghiệp, hiện đại, có chuyên môn cao, có kỹ năng giỏi, liêm chính, đáp ứng yêu cầu cải cách hiện đại hóa hải quan; thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ.

Nguyễn Anh Tài (Phó Vụ trưởng Vụ HTQT- TCHQ)

NGUỒN: BÁO HẢI QUAN

0913575247 Mr Đức ducnvtk4@gmail.com