Gỡ vướng quản lý phương tiện vận tải đường bộ, đường thủy nội địa

Từ thực tiễn phát sinh trong công tác quản lý phương tiện vận tải xuất nhập cảnh tại cửa khẩu, Tổng cục Hải quan đang sửa đổi, bổ sung một số quy định tại hai Nghị định 08/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan và Nghị định 59/2018/NĐ-CP.

Công chức Hải quan Lào Cai giám sát hàng hóa xuất nhập khẩu, phương tiện xuất nhập cảnh qua cửa khẩu quốc tế đường bộ. 	 Ảnh: T.Bình
Công chức Hải quan Lào Cai giám sát hàng hóa xuất nhập khẩu, phương tiện xuất nhập cảnh qua cửa khẩu quốc tế đường bộ. Ảnh: T.Bình

Vướng mắc hồ sơ phương tiện xuất nhập cảnh

Theo đánh giá của Tổng cục Hải quan, thực tế hiện nay, theo quy định, quy trình thực hiện thủ tục hải quan, khai báo hải quan đối với ô tô, mô tô, xe gắn máy, phương tiện thủy nội địa xuất nhập cảnh, hồ sơ phương tiện vận tải xuất nhập cảnh lưu tại cơ quan Hải quan chỉ bao gồm: Tờ khai phương tiện tạm nhập – tái xuất hoặc Tờ khai phương tiện tạm xuất – tái nhập và danh sách hành khách (nếu ô tô vận chuyển hành khách), do đó chưa đảm bảo công tác quản lý của cơ quan Hải quan.

Theo Tổng cục Hải quan, việc sửa đổi quy định về quản lý phương tiện vận tải xuất nhập cảnh tại cửa khẩu đảm bảo phù hợp, thống nhất giữa các văn bản quy phạm pháp luật, đáp ứng yêu cầu quản lý. Tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại biên giới, xuất nhập khẩu hàng hóa; các phương tiện vận tải là tài sản thế chấp tại các tổ chức tín dụng hoặc thuê của các công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính được xuất cảnh, tham gia hoạt động vận tải hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới.

Tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay cũng chưa có quy định cụ thể về việc cung cấp trước thông tin của hàng hóa nhập khẩu trước khi đưa vào lãnh thổ Việt Nam. Nhiều trường hợp các phương tiện vận chuyển hàng hóa nhập khẩu qua cửa khẩu vào tập kết tại khu vực cửa khẩu hoặc các địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát hàng hóa nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu sau đó mới thực hiện hiện việc khai báo hải quan. Do đó gây khó khăn, vướng mắc khi xử lý vi phạm trong trường hợp hàng hóa là hàng cấm, hàng giả…

Bên cạnh đó, thực tiễn công tác quản lý phương tiện vận tải xuất nhập cảnh tại cửa khẩu phát sinh các trường hợp phương tiện vận tải là tài sản thế chấp tại các tổ chức tín dụng hoặc thuê của các công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính, người điều khiển chỉ giữ bản sao Giấy đăng ký phương tiện, không đảm bảo quy định về việc xuất trình bản chính Giấy đăng ký phương tiện khi xuất nhập cảnh tại Nghị định 08/2015/NĐ-CP, Nghị định 59/2018/NĐ-CP. Chính vì vậy, thời gian qua các cơ quan có liên quan như Ngân hàng Nhà nước, tổng công ty du lịch… đã có văn bản đề nghị nghiên cứu, sửa đổi nội dung quy định này.

Ngoài ra, trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan cũng phát sinh một số vướng mắc như: phương tiện vận tải đường bộ lưu thông và thực hiện thủ tục nhập cảnh qua cửa khẩu đường bộ sau đó xuất cảnh bằng đường sắt, đường biển, đường hàng không hoặc ngược lại, tuy nhiên theo quy định chưa có hướng dẫn cụ thể. Đối với phương tiện thô sơ qua lại biên giới, hoạt động trong khu vực cửa khẩu, quy định hiện nay về công tác kiểm tra, giám sát cũng chưa đầy đủ. Vì vậy, cần quy định cụ thể để đảm bảo công tác quản lý.

Bên cạnh đó, đối với phương tiện thủy nội địa xuất nhập cảnh qua cửa khẩu đường thủy nội địa về tên gọi chưa phù hợp với các quy định của pháp luật như Luật Biên giới quốc gia, Luật Giao thông đường thủy nội địa, Nghị định số 112/2014/NĐ-CP… Ngoài ra, trong quy định cũng chưa có hướng dẫn cụ thể về việc sử dụng một số biểu mẫu hồ sơ thực hiện thủ tục cho phương tiện thủy nội địa xuất nhập cảnh, đồng thời cũng chưa có quy định cụ thể hướng dẫn việc thực hiện khai báo điện tử thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia.

Bổ sung quy định nộp bản sao một số chứng từ

Để đảm bảo phù hợp, thống nhất giữa các văn bản quy phạm pháp luật, đáp ứng yêu cầu quản lý đồng thời tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu hàng hóa, Tổng cục Hải quan đã đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định quản lý phương tiện vận tải xuất nhập cảnh tại cửa khẩu. Cụ thể sửa đổi Điều 74, 75 theo hướng quy định nộp bản sao một số chứng từ đối với phương tiện xuất nhập cảnh lần đầu. Bổ sung quy định hướng dẫn về việc cung cấp trước thông tin của hàng hóa nhập khẩu trước khi đưa vào lãnh thổ Việt Nam để đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý.

Dự thảo cũng bổ sung quy định đối với các trường hợp phương tiện vận tải là tài sản thế chấp tại các tổ chức tín dụng hoặc thuê của các công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính, người điều khiển được phép xuất trình bản sao Giấy đăng ký phương tiện kèm bản gốc giấy biên nhận của tổ chức tín dụng hoặc hợp đồng thuê phương tiện giao thông với công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính còn hiệu lực thay cho bản chính giấy đăng ký phương tiện giao thông.

Bổ sung quy định đối với các trường hợp phương tiện vận tải nhập cảnh qua cửa khẩu đường bộ sau đó xuất cảnh bằng đường sắt, đường biển, đường hàng không hoặc ngược lại. Đồng thời bổ sung quy định trong công tác kiểm tra, giám sát đối với các trường hợp phương tiện vận tải thô sơ qua lại biên giới, hoạt động trong khu vực cửa khẩu để đảm bảo công tác quản lý.

Bên cạnh đó, sửa đổi tên gọi của loại cửa khẩu, phương tiện vận tải thủy nội địa đảm bảo phù hợp với các quy định của pháp luật, có quy định hướng dẫn cụ thể về việc sử dụng một số biểu mẫu hồ sơ thực hiện thủ tục cho phương tiện thủy nội địa xuất nhập cảnh; quy định hướng dẫn thực hiện khai báo, làm thủ tục xuất nhập cảnh cho phương tiện thủy nội địa bằng phương thức điện tử thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia.

NGUỒN: BÁO HẢI QUAN

0913575247 Mr Đức ducnvtk4@gmail.com