Mức độ hài lòng của DN, sự tín nhiệm của người dân đối với ngành Hải quan đã tăng lên nhiều lần

Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh, trong bối cảnh kinh tế đang chịu nhiều ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, mối quan hệ đối tác giữa Hải quan với doanh nghiệp ngày càng được cải thiện, giúp doanh nghiệp thuận lợi trong thương mại, gia tăng uy tín của Việt Nam trong hội nhập quốc tế.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Xin ông đánh giá về những cải cách trong việc hỗ trợ doanh nghiệp của ngành Hải quan trong thời gian qua?

– Trong thời gian qua, Bộ Tài chính là cơ quan luôn đi đầu trong cải cách thủ tục hành chính. Trong cả hai lĩnh vực thuế và hải quan luôn tiếp nhận ý kiến của doanh nghiệp và người dân, giúp các cơ quan này tăng cường rà soát và cải tiến cho phù hợp với tình hình thực tế tại doanh nghiệp. Đặc biệt, với cơ quan Hải quan, hoạt động tham vấn doanh nghiệp đã đi xuống từng địa phương, từng chi cục với những trao đổi rất cởi mở, từ đó phát hiện ra các vấn đề còn vướng mắc, các vấn đề mà hai bên chưa hiểu nhau… để có những hướng dẫn, thậm chí tổ chức thành những buổi tập huấn cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, ngành Hải quan cũng đã rất tập trung vào các giải pháp về hiện đại hóa, ngày càng áp dụng mạnh mẽ công nghệ trong các hoạt động thông quan hàng hóa. Theo tôi, cải cách, hiện đại hóa là chìa khóa tác động đến các khâu phức tạp nhất, khó nhất. Với ngành Hải quan, chương trình hiện đại hóa là nền tảng, là công cụ quản lý, thủ tục thông quan đã được vận hành trên chuẩn mực minh bạch, gần với chuẩn mực quốc tế; trình độ năng lực của cán bộ công chức Hải quan đã thể hiện tính chuyên nghiệp trên nhiều mặt. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp được hưởng lợi từ cơ chế “doanh nghiệp ưu tiên”, được tạo thuận lợi thương mại thông qua Cơ chế một cửa quốc gia hoặc cơ chế quản lý rủi ro… Nhờ đó, mức độ hài lòng của doanh nghiệp, sự tín nhiệm của người dân đối với ngành Hải quan đã tăng lên nhiều lần qua các năm khảo sát.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, theo ông, đâu là những vấn đề còn cần phải cải thiện của ngành Hải quan để phục vụ tốt hơn doanh nghiệp và người dân trong thời gian tới?

– Hội nghị đối thoại giữa Bộ Tài chính với doanh nghiệp Việt Nam về chính sách, thủ tục hành chính thuế, hải quan là sự kiện thường niên, nên chúng tôi vẫn còn ghi nhận nhiều kiến nghị, vướng mắc của các doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hải quan. Theo đó, nhiều nhất vẫn là những thắc mắc của doanh nghiệp về cách hiểu khác nhau giữa cùng một văn bản hướng dẫn, dẫn đến có những cách áp dụng khác nhau về cách tính thuế, cách ghi mã HS… giữa các chi cục hải quan. Ngoài ra, thủ tục khai báo hải quan tại một số đơn vị, một số lĩnh vực vẫn còn rườm rà, mất thời gian…

Bên cạnh đó, mối quan hệ giữa Hải quan – doanh nghiệp vẫn còn một số điểm chưa tích cực, còn đâu đó một số cán bộ, công chức, viên chức hải quan chưa thực sự hết lòng vì doanh nghiệp, cũng như sự phát triển chung của nền kinh tế. Ngoài ra, vẫn còn không ít vướng mắc, thắc mắc của doanh nghiệp được cơ quan Hải quan giải đáp chung chung, chưa thật sự đúng với hoàn cảnh thực tế của doanh nghiệp. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp phải tự tìm hiểu, tự thực hiện dẫn đến việc doanh nghiệp dễ bị nhầm lẫn, thực thi không chính xác và doanh nghiệp lại phải mất thời gian tới cơ quan Hải quan để điều chỉnh, bổ sung.

Vì thế, các doanh nghiệp luôn mong muốn cơ quan Hải quan tiếp tục có sự cải thiện mạnh mẽ hơn nữa, chấn chỉnh kịp thời những tồn tại, để tiếp tục cải cách theo tinh thần của Chính phủ là xây dựng bộ máy hành chính liêm chính, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, chuyển từ nền hành chính quản lý sang nền hành chính phục vụ một cách thực chất.

2020 là năm đặc biệt khi cả thế giới và Việt Nam chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, xin ông cho biết, ngành Hải quan cần có những hành động như thế nào để hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó?

– Trong tình hình năm 2020, dịch Covid-19 ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng, trong đó có các doanh nghiệp khi giao thương quốc tế bị đình trệ. Nhiều doanh nghiệp đã bị sụt giảm nguồn thu, thậm chí không có nguồn thu, nhưng để khắc phục khó khăn, các cơ quan quản lý đã đứng ra hỗ trợ bằng nhiều chính sách ưu đãi, các doanh nghiệp cũng phải tự lên phương án để phục hồi kinh doanh, thương mại.

Do đó, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn ngành Hải quan tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý để triển khai Cơ chế một cửa quốc gia nhằm giảm thời gian thông quan, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, phù hợp với sự phát triển của thương mại quốc tế. Bên cạnh đó, ngành Hải quan cũng cần tiếp tục cải cách thủ tục hải quan theo hướng công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu…

Mối quan hệ đối tác giữa Hải quan với doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn này càng phải được gắn kết hơn nữa. Hiện nay mối quan hệ đã được hình thành và xây dựng có hệ thống, với tổ chức xuyên suốt từ Tổng cục đến các cục, chi cục; tuy nhiên để đẩy mạnh hơn nữa và đi vào thực chất hơn nữa thì cần phải có lộ trình và có cách làm mới, làm sao để doanh nghiệp cùng đồng hành với Hải quan trong tiến trình cải cách, hội nhập, vượt qua những khó khăn trong khủng hoảng. Đặc biệt, tạo được thuận lợi cho các doanh nghiệp trong giao thương quốc tế, ngành Hải quan sẽ giúp “tăng điểm” cho Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.

Cùng với những giải pháp từ ngành Hải quan, các doanh nghiệp cũng cần có những giải pháp nào, thưa ông?

– Để những vướng mắc được tháo gỡ kịp thời hơn, tôi cho rằng về phía doanh nghiệp cũng cần phải chủ động hơn, có ý kiến phản hồi ngay nếu chính sách có sự bất cập, ảnh hướng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các doanh nghiệp hiện có thể sử dụng nhiều kênh khác nhau như email, điện thoại đường dây nóng…

Doanh nghiệp không nên “e ngại”, bởi đây chính là quyền lợi và cũng là trách nhiệm của doanh nghiệp với cơ quan nhà nước. Việc kiến nghị này không chỉ với các văn bản pháp luật đã được ban hành và áp dụng trong thực tế, mà có thể kiến nghị xây dựng các văn bản pháp luật mới, các dự thảo pháp luật còn đang lấy ý kiến. Mặt khác, quá trình sản xuất kinh doanh luôn có “muôn hình vạn trạng”, nếu vấn đề này được xử lý, thì vấn đề khác lại phát sinh. Chính vì vậy, việc phối hợp tham vấn giữa Hải quan và doanh nghiệp thường xuyên, liên tục là rất cần thiết.

Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp trong lĩnh vực thuế, hải quan vào ngày 24/11 tới đây sẽ là lần thứ 15 hội nghị được tổ chức. Mỗi năm, có đến 80 – 90% vấn đề được giải quyết trực tiếp tại hội nghị, sau đó tiếp tục được các cơ quan liên quan trả lời bằng văn bản. Nên VCCI cam kết sẽ hỗ trợ và luôn ủng hộ các hoạt động tham vấn, đối thoại giữa cơ quan Hải quan với doanh nghiệp. VCCI sẽ tập hợp ý kiến doanh nghiệp và có báo cáo tổng thể về các kiến nghị để cơ quan Hải quan nghiên cứu và xử lý thỏa đáng.

Xin cảm ơn ông!

NGUỒN: BÁO HẢI QUAN

0913575247 Mr Đức ducnvtk4@gmail.com