Hệ thống một cửa và giám sát tự động đường hàng không sẵn sàng vận hành chính thức

Sau 3 năm triển khai thí điểm, Cục Hải quan Hà Nội đang phối hợp với các cơ quan thuộc Tổng cục Hải quan, đơn vị có liên quan sẽ vận hành chính thức Hệ thống một cửa quốc gia đường hàng không và Hệ thống quản lý, giám sát tự động đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài.

he thong mot cua va giam sat tu dong duong hang khong san sang van hanh chinh thuc
Công chức hải quan sân bay Nội Bài- Cục Hải quan Hà Nội giám sát hành lý hành khách XNC Ảnh: Huy Khâm

Chuẩn bị đầy đủ các điều kiện

Theo Cục Hải quan Hà Nội, triển khai hai hệ thống này sẽ làm thay đổi phương thức quản lý từ thủ công sang phương thức quản lý trên dữ liệu điện tử, đảm bảo kết nối thông tin giữa ba khâu trước thông quan, trong thông quan và khâu đưa hàng qua khu vực giám sát; hệ thống công nghệ thông tin đồng bộ tạo nên môi trường làm việc điện tử, doanh nghiệp có thể tương tác với hệ thống mọi lúc, mọi nơi. Đặc biệt, việc đưa hệ thống vào hoạt động chính thức sẽ giúp kiểm soát, theo dõi hàng hóa đưa vào, đưa ra và tồn đọng của kho hàng không; quản lý rủi ro trong quản lý sẽ được áp dụng xuyên suốt quá trình quản lý, giám sát hàng hóa.

Trước đây, cơ quan Hải quan và mỗi cơ quan quản lý nhà nước trao đổi cung cấp thông tin hai chiều bằng phương pháp thủ công nên cần nhiều thời gian để tạo lập, gửi/nhận và xử lý thông tin. Hiện nay, các cơ quan quản lý nhà nước cập nhật và chia sẻ dữ liệu điện tử thông qua hệ thống một cửa quốc gia, giúp ngăn chặn kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến lợi ích và chủ quyền quốc gia.

Phó Phòng Công nghệ thông tin (Cục Hải quan Hà Nội) Phùng Quang Minh cho biết, để chuẩn bị cho việc triển khai chính thức và khai trương Hệ thống một cửa quốc gia, Hệ thống quản lý giám sát tự động tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Phòng Công nghệ thông tin đã phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác chuẩn bị triển khai chính thức hệ thống. Tính đến ngày 12/3/2020, tỷ lệ xử lý và thiết lập tự động thông tin hàng hóa dự kiến xếp dỡ đưa qua khu vực giám sát đạt 91.3%. Tỷ lệ tự động nêu trên đã đáp ứng yêu cầu để triển khai chính thức hệ thống là 90% và dự kiến sẽ đạt mức phấn đấu là 93% – 95%.

Đối với quản lý giám sát tự động, Cục Hải quan Hà Nội sẽ phối hợp với Cục giám sát quản lý về hải quan, Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan, 3 doanh nghiệp kinh doanh kho hàng không tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài triển khai, vận hành hệ thống theo đúng yêu cầu bài toán nghiệp vụ của Tổng cục Hải quan xây dựng; thực hiện đầy đủ các bước trao đổi dữ liệu tự động giữa Hệ thống hải quan với hệ thống của doanh nghiệp kinh doanh kho hàng không theo quy định của Thông tư 39/2018/TT-BTC. Sau khi hoàn thành các khâu cuối cùng trong công tác chuẩn bị, Cục Hải quan Hà Nội sẽ tổ chức triển khai chính thức và khai trương hệ thống tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài.

Lợi ích nhiều chiều

Theo đánh giá của Cục Hải quan Hà Nội, với việc triển khai hai hệ thống trên sẽ mang lại lợi ích cho nhiều cơ quan, DN tham gia.

Đối với cơ quan Hải quan sẽ nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về hải quan tại Cảng hàng không quốc tế, đặc biệt là trong quản lý, theo dõi, giám sát hàng hóa đưa vào, đưa ra, tồn đọng của kho hàng không và hoàn toàn được thực hiện tự động trên hệ thống. Thay vì trước đây, công chức giám sát căn cứ bản in tờ khai, phiếu xuất kho để tra cứu, xác nhận hàng được phép đưa qua khu vực giám sát (KVGS). Kiểm soát, thống kê hàng hóa nhập kho, xuất kho, tồn kho bằng phương thức thủ công nên khó kiểm tra, xác minh hàng hóa chưa qua khu vực giám sát.

Hiện nay, công chức giám sát cho phép hàng hóa vào kho theo danh sách dự kiến xếp dỡ và kiểm tra hàng hóa ra khỏi kho dựa vào danh sách hàng đủ điều kiện qua khu vực giám sát được hệ thống lập tự động. Hệ thống cũng tự động lập báo cáo, thống kê hàng hóa tồn đọng phục vụ công tác quản lý, điều hành của lãnh đạo các cấp nên có thể dễ dàng kiểm soát, xác định, xác minh hàng hóa đưa qua khu vực giám sát.

Trong quản lý phương tiện, hành khách xuất nhập cảnh, áp dụng phương pháp quane lý rủi ro (QLRR) giúp cho cơ quan Hải quan thực hiện được việc kiểm tra, giám sát chặt chẽ, giảm dần việc kiểm tra tràn lan không cần thiết mà tập trung vào các chuyến bay, các đối tượng trọng điểm, giảm thiểu các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua các Cảng hàng không quốc tế.

Bên cạnh đó, cơ quan Hải quan cũng giảm thời gian và khối lượng công việc cho công chức hải quan. Cùng một thời gian, công chức hải quan có thể làm được công việc nhiều hơn, hiệu quả hơn. Hệ thống CNTT đồng bộ tạo nên môi trường làm việc điện tử, doanh nghiệp có thể tương tác với hệ thống mọi lúc, mọi nơi.

Đặc biệt, hệ thống sẽ giúp giảm thiểu việc tiếp xúc với doanh nghiệp trong quá trình làm thủ tục, qua đó cải cách thủ tục hành chính, giúp minh bạch hơn trong cơ quan Hải quan, đồng thời tạo thuận lợi cho hoạt động XNK, giúp tiết kiệm được thời gian, chi phí đi lại, chi phí lưu kho bãi của doanh nghiệp XNK.

Đối với hãng hàng không, sẽ góp phần thúc đẩy các hãng hàng không trong nước thực hiện chuyển đổi số, hiện đại hóa hệ thống quản lý khai thác bay theo chuẩn mực quốc tế, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động kinh doanh. Tạo tiền đề cho các hãng hàng không Việt Nam và quốc tế triển khai áp dụng vận đơn hàng không điện tử (e Airway bill) theo Công ước Montreal 99 mà Chính phủ Việt Nam đã phê chuẩn. Đồng thời tiết kiệm được thời gian, chi phí, nhân lực do không phải tạo lập, in ấn, xuất trình hồ sơ giấy đối với mỗi chuyến bay mà hãng có thể khai báo tự động dữ liệu điện tử trước chuyến bay tới hệ thống một cửa quốc gia.

Về phía doanh nghiệp kinh doanh kho hàng không, không chỉ tiết kiệm chi phí về thời gian, nhân lực, chủ động trong việc khai thác hàng hóa mà còn nâng cao trách nhiệm đối với việc quản lý hàng hóa được đưa vào, đưa ra tại các kho hàng. Cùng với đó việc triển khai kết nối, thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia và quản lý giám sát tự động giúp hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin, quy trình khai thác của doanh nghiệp kho, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; kiểm soát, theo dõi, thanh khoản, đối chiếu các lô hàng nhanh chóng và hoàn toàn được thực hiện tự động trên hệ thống.

Cục Hải quan Hà Nội đã xây dựng kế hoạch chi tiết các bước thực hiện và thời gian thực hiện, giai đoạn nước rút sẽ được triển khai trong tháng 3 và tháng 4 để dự kiến tháng 5/2020 sẽ chính thức và khai trương hệ thống. Theo đó, mục tiêu triển khai là đôn đốc, yêu cầu 100% các hãng hàng không thực hiện khai báo điện tử tới cổng thông tin một cửa quốc gia; tỷ lệ xử lý tự động thông tin emanifest trên hệ thống một cửa quốc gia đạt trên 95%; tỷ lệ thiết lập tự động thông tin hàng hóa dự kiến xếp dỡ đưa qua khu vực giám sát đạt trên 90%.

NGUỒN: BÁO HẢI QUAN

 

0913575247 Mr Đức ducnvtk4@gmail.com