Quyền, nghĩa vụ của ngân hàng thương mại và doanh nghiệp bán hàng hoàn thuế GTGT

Để các quy định pháp luật phù hợp và áp dụng có hiệu quả vào thực tế, tại Thông tư 92/2019/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 72/2014/TT-BTC quy định về hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa của người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang theo khi xuất cảnh có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020 (gọi tắt Thông tư 92) đã cụ thể hóa quyền, nghĩa vụ của ngân hàng thương mại và DN bán hàng hoàn thuế GTGT.

quyen nghia vu cua ngan hang thuong mai va doanh nghiep ban hang hoan thue gtgt
Công chức Chi cục Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất thực hiện thủ tục hoàn thuế GTGT cho hàng hóa của người nước ngoài mang theo khi xuất cảnh. Ảnh: Thu Hòa

Đối với DN bán hàng

Theo Tổng cục Hải quan- cơ quan chủ trì soạn thảo Thông tư 92, Hệ thống quản lý hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa của người nước ngoài mua tại Việt Nam mang theo khi xuất cảnh (hệ thống VAT-RS) được cơ quan Hải quan đưa vào sử dụng năm 2015 không có tác dụng truy xuất ngược để xác định hóa đơn người nước ngoài xuất trình đúng là do DN đã xuất.

Ngoài ra, khi DN bán hàng hoàn thuế GTGT có sự thay đổi địa điểm bán hàng, tên DN nhưng chưa báo cáo cơ quan Thuế, Hải quan để cập nhật vào hệ thống hoàn thuế GTGT cho người nước ngoài và trang thông tin điện tử của cơ quan Thuế. Do đó, cơ quan Hải quan cửa khẩu khi tra cứu danh sách DN bán hàng hoàn thuế GTGT trên hệ thống hoàn thuế GTGT cho người nước ngoài và trang thông tin điện tử của cơ quan Thuế không khớp với hóa đơn kiêm tờ khai hoàn thuế đã từ chối hoàn thuế.

Để các quy định đồng nhất và cụ thể các quy định này nhằm phù hợp với thực tiễn, tại Khoản 3, Điều 1 Thông tư 92 sửa đổi, Khoản 2, 6, 7 và 8 của Điều 6 Thông tư 72/2014/TT-BTC theo hướng bổ sung thêm quyền, nghĩa vụ của DN bán hành trong việc nhập đầy đủ thông tin vào hệ thống VAT-RS. Đồng thời, xử lý đối với trường hợp hệ thống bị lỗi và việc in phát hành quản lý, sử dụng hóa đơn kiêm tờ khai hoàn thuế điện tử tại Khoản 1 Điều 1 Thông tư 92 sửa đổi bổ sung Khoản 3, Điều 14 và Khoản 2, 3 Điều 15; Khoản 1 Điều 18 của Thông tư 72/2014/TT-BTC.

Theo đó, Thông tư 92 quy định DN đăng ký việc bán hàng đúng địa chỉ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc đăng ký bán hàng hoàn thuế GTGT. Trường hợp điều chỉnh hoặc chấm dứt bán hàng hoàn thuế phải thực hiện điều chỉnh hoặc chấm dứt theo quy định tại Điều 14 của Thông tư 72/2014/TT-BTC.

Thông tư 92 cũng quy định cụ thể điều kiện, hồ sơ, thủ tục lựa chọn DN bán hàng hoàn thuế GTGT. Theo đó, các DN bán hàng hoàn thuế GTGT để được lựa chọn cần phải đáp ứng các điều kiện như: Có trụ sở chính, chi nhánh, cửa hàng của DN; địa điểm đặt đại lý bàn hàng cho DN; phải thực hiện chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định; kê khai, nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ…

Ngoài ra, Thông tư 92 cũng sửa đổi quy định tại Khoản 3 Điều 14 Thông tư 72/2014/TT-BTC theo hướng xử phạt mạnh đối với các DN vi phạm các quy định. Tùy mức độ vi phạm mà cơ quan thuế xử lý từ mức phạt hành chính đến chấm dứt việc bán hàng hoàn thuế.

Đối với ngân hàng tham gia kết nối

Ngày 24/7/2017 Tổng cục Hải quan đã ban hành Quyết định 2377/QĐ-TCHQ quy định chuẩn thông điệp dữ liệu trao đổi giữa Tổng cục Hải quan và ngân hàng thương mại, DN trong hệ thống hoàn thuế GTGT cho người nước ngoài. Tuy nhiên, hệ thống VAT-RS chỉ mới thiết kế việc trao đổi thông tin với các ngân hàng thương mại. Trong đó, ngân hàng thương mại phải thiết kế các chỉ tiêu thông tin tương thích để trao đổi thông tin với cơ quan Hải quan nên đến thời điểm hiện nay chưa có ngân hàng nào tham gia kết nối với hệ thống VAT-RS của Tổng cục Hải quan.

Do vậy, tại Khoản 4, Điều 1 Thông tư 92 bổ sung quy định các ngân hàng thương mại được cấp tài khoản truy cập và tham gia vào hệ thống VTA-RS theo quy định.

Cũng tại Khoản 11, Điều 1 Thông tư 92 đã quy định cụ thể về điều kiện, thủ tục lựa chọn ngân hàng thương mại làm đại lý hoàn thuế GTGT. Theo Tổng cục Hải quan, các giấy tờ mà ngân hàng thương mại cung cấp để được lựa chọn phải là các văn bản có sẵn do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.

Thông tư 92 quy định rõ việc ngân hàng thương mại phải thực hiện như: Kiểm tra thẻ lên tàu bay/tàu biển; hóa đơn kiêm tờ khai hoàn thuế; kiểm tra trên hệ thống thông tin về người XC, hàng hóa, xác nhận đồng ý hoàn thuế của cơ quan Hải quan và số thuế được hoàn; gửi thông tin hóa đơn đã hoàn thuế trên hệ thống VAT-RS cho cơ quan Hải quan, Thuế.

Trường hợp thông tin về tên hành khách trên thẻ không đúng với thông tin trên hóa đơn kiêm tờ khai hoàn thuế đã được cơ quan Hải quan kiểm tra, xác nhận thì ngân hàng thương mại trao đổi, xác minh với cơ quan Hải quan. Nếu thông tin trao đổi với cơ quan Hải quan không khớp đúng với thông tin trên thẻ lên tàu thì ngân hàng thương mại từ chối hoàn thuế và thông báo trên hệ thống…

NGUỒN: BÁO HẢI QUAN

 

0913575247 Mr Đức ducnvtk4@gmail.com