Gỡ vướng thực hiện quản lý hải quan khi miễn thuế

Gặp vướng khi không nhập số danh mục miễn thuế, bù trừ tiền thuế với các khoản nợ phát sinh ở đơn vị khác, phân loại hồ sơ không thu thuế được thực hiện như thế nào… là những vướng mắc phát sinh mà một số đơn vị hải quan gặp phải khi thực hiện miễn thuế theo Thông tư 39/2018/TT-BTC. Tổng cục Hải quan đã hướng dẫn cụ thể với những vướng mắc này.

Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan Bắc Ninh. Ảnh: T.Trang

Gặp vướng khi không nhập số danh mục miễn thuế khi Danh mục này đang sử dụng cho tờ khai chưa thông quan/hoàn thành thủ tục hải quan, Cục Hải quan TP Hải Phòng cho biết, tại đơn vị phát sinh trường hợp của Công ty TNHH Quartzron Việt Nam khai báo làm thủ tục NK lô hàng máy móc thiết bị tạo tài sản cố định cho dự án ưu đãi đầu tư, lô hàng có 70 mục hàng nên hệ thống tự động tách thành hai tờ khai nhánh gồm: tờ khai nhánh 1 số 102242811050/A12 và tờ khai nhánh 2 số 102242814440/A12, tuy nhiên, DN không thể khai báo tờ khai nhánh thứ 2, do hệ thống không cho khai báo tờ khai tiếp theo khi tờ khai cùng danh mục miễn thuế trước chưa được thông quan.

Hai tờ khai nhánh cùng một lô hàng thì không thể yêu cầu DN phải thông quan/hoàn thành thủ tục hải quan tờ khai nhánh thứ 1, sau đó mới truyền tờ Danh mục miễn thuế cho tờ khai nhánh số 2.

Theo đó, Hải quan Hải Phòng đề nghị Tổng cục Hải quan điều chỉnh lại hệ thống, cho DN khai báo Danh mục miễn thuế cùng một lúc cho các tờ khai nhánh của cùng một lô hàng. Đồng thời đơn vị này cũng đề xuất, trong khi chờ hướng dẫn, Cục Hải quan TP Hải Phòng hướng dẫn Chi cục Hải quan cho phép DN không khai Danh mục miễn thuế trên hệ thống trên tờ khai nhánh 2, tiến hành theo dõi trừ lùi thủ công Danh mục miễn thuế đối với lượng hàng NK tương ứng với tờ khai nhánh 2.

– Trả lời đề xuất này, Tổng cục Hải quan cho biết, để đảm bảo việc trừ lùi hàng hóa NK miễn thuế chính xác theo Danh mục miễn thuế đã đăng ký, Hệ thống VNACCS  thiết kế theo hướng không cho phép người khai hải quan sử dụng Danh mục miễn thuế khi Danh mục miễn thuế này đang sử dụng cho tờ khai hải quan khác chưa được thông quan. Nguyên tắc này giống như trường hợp sử dụng Danh mục miễn thuế, phiếu theo dõi trừ lùi bản giấy phải trừ lùi xong cho tờ khai hải quan này sau đó mới chuyển sang trừ lùi cho tờ khai hải quan khác. Vì vậy, đơn vị cần thực hiện theo quy định và thiết kế của hệ thống VNACCS.

Gặp vướng trong phân loại hồ sơ không thu thuế, Cục Hải quan Gia Lai- Kon Tum cho biết, hiện tại đơn vị thường xuyên phát sinh trường hợp DN NK mặt hàng gỗ nguyên liệu từ Campuchia (loại hình A11), thuế NK 0%, thuế GTGT 10%, có bảo lãnh ngân hàng đối với số thuế phải nộp khi NK. Trong thời gian bảo lãnh thuế (30 ngày), DN mở tờ khai tái xuất sang nước thứ ba (loại hình B13) và đề nghị không thu thuế XK, thuế GTGT hàng NK đối với khối lượng gỗ thực tái xuất.

Đối với thủ tục không thu thuế XK: Tại tờ khai NK có thuế NK 0%, thuế GTGT 10% nên việc phân loại hồ sơ không thu thuế XK thực hiện theo điểm a hay tiết a1 khoản 5 Điều 27 Mục B quy trình  miễn, giảm, hoàn, không thu thuế ban hành kèm Quyết định 1919/QĐ-TCHQ. Tại tiết a1, điểm a khoản 5 Điều 27 Quy trình 1919/QĐ-TCHQ quy định phân loại hồ sơ không thu thuế nếu trong tờ khai NK lần đầu có phát sinh số tiền thuế đề nghị hoàn.

Đơn vị này cho biết, sau khi nghiên cứu, đơn vị còn nhiều ý kiến trái chiều đối với khái niệm “tờ khai NK lần đầu”. Để triển khai thực hiện theo đúng quy trình, đề nghị Tổng cục Hải quan hướng dẫn cụ thể khái niệm này trong trường hợp áp dụng tiết a1 nêu trên.

Bên cạnh đó, Hải quan Gia Lai- Kon Tum thắc mắc, đối với hàng hóa NK sau đó tái xuất sang nước thứ ba trong thời hạn bảo lãnh thuế GTGT khi NK, cơ quan hải quan có thực hiện ra quyết định không thu thuế GTGT hay không? Trường hợp ban hành quyết định không thu thì việc phân loại hồ sơ không thu thuế được thực hiện như thế nào?

– Trả lời vướng mắc này, Tổng cục Hải quan hướng dẫn, về việc phân loại hồ sơ không thu thuế cần căn cứ quy định tại khoản 5 Điều 27,  điểm a khoản 6 Điều 27 Mục B quy trình không thu thuế ban hành kèm theo Quyết định 1919/QĐ-TCHQ ngày 28/6/2018 của Tổng cục Hải quan thì trường hợp người nộp thuế đề nghị không thu thuế XK đối với hàng hóa NK nhưng tái xuất ra nước ngoài thì tờ khai lần đầu là tờ khai NK (VD: Tờ khai mã loại hình A11). Trường hợp người nộp thuế nộp hồ sơ đề nghị không thu thuế NK đối với hàng XK nhưng phải NK trở lại Việt Nam tờ khai lần đầu là tờ khai XK (VD: Tờ khai mã loại hình B11).

Tại tờ khai XK/NK lần đầu không phát sinh số tiền thuế đề nghị cơ quan Hải quan hoàn thuế thuộc thẩm quyền hoàn thuế của cơ quan Hải quan thì không phải thực hiện phân loại hồ sơ. Cơ quan Hải quan kiểm tra hồ sơ; kiểm tra thực tế hàng hóa (trừ DN ưu tiên) nếu đủ cơ sở để xác định hàng hóa tái nhập là hàng đã XK trước đây; hàng hóa XK là hàng đã NK trước đây, tờ khai XK/NK lần đầu không phát sinh số tiền thuế đề nghị cơ quan Hải quan hoàn thì ban hành quyết định không thu thuế XK, NK ngay trong thông quan theo mẫu số 10/QĐKTT/TXNK Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư 38/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính.

Đối với trường hợp tại tờ khai NK có thuế NK 0% ; thuế GTGT 10% thì thuế GTGT 10 % phát sinh trên tờ khai NK cơ quan thuế thực hiện hoàn thuế theo quy định tại Điều 2 Thông tư 25/2018/TT-BTC ngày 16/3/2018 của Bộ Tài chính (Tại quy trình hoàn thuế, không thu thuế ban hành kèm theo quyết định số 1919/QĐ-TCHQ không quy định cơ quan Hải quan ban hành quyết định không thu thuế GTGT đối với hàng hóa NK sau đó XK trong thời hạn bảo lãnh của tổ chức tín dụng).

Đối với tờ khai tái xuất cơ quan hải quan phân loại hồ sơ không thu thuế XK thực hiện theo điểm a khoản 5 Điều 27 Mục B quy trình  miễn, giảm, hoàn, không thu thuế ban hành kèm Quyết định 1919/QĐ-TCHQ.

Cục Hải quan Đồng Nai thắc mắc, trường hợp người nộp thuế không đề nghị bù trừ nhưng cơ quan Hải quan phát hiện người nộp thuế còn nghĩa vụ phải nộp các khoản tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt, các khoản phải nộp khác bao gồm cả tiền phí, lệ phí còn nợ cơ quan hải quan thực hiện xử lý theo quy định tại điểm b.1 khoản này và thông báo cho người nộp thuế.

Do người nộp thuế làm thủ tục hải quan tại nhiều đơn vị trong và ngoài tỉnh nên trong trường hợp qua kiểm tra phát hiện các khoản phải nộp là tiền phí, lệ phí còn nợ tại các Chi cục khác trong cùng một cơ quan Hải quan tỉnh, thành phố hoặc tại các Cục Hải quan tỉnh, thành phố khác thì sẽ xử lý thuế như thế nào? Có bù trừ với các khoản nợ phát sinh trên không? Công tác phối hợp giữa các đơn vị hải quan như thế nào để đảm bảo thực hiện thống nhất.

Đơn vị này đề xuất Tổng cục Hải quan cần hướng dẫn để thực hiện thống nhất khi hoàn thuế nộp thừa. Trước mắt đối với hồ sơ hoàn thuế phát sinh, cơ quan hải quan sẽ làm việc với người nộp thuế đề nghị cung cấp chứng từ nộp lệ phí các tờ khai còn nợ, sau đó thực hiện thủ tục hoàn thuế theo quy định.

– Trả lời vấn đề này, Tổng cục Hải quan cho biết, trường hợp người nộp thuế có số thuế nộp thừa được hoàn, qua kiểm tra phát hiện còn các khoản phải nộp là tiền phí, lệ phí tại các Chi cục, Cục Hải quan thì Chi cục Hải quan nơi người nộp thuế có số nộp thừa được hoàn phối hợp với Chi cục Hải quan nơi người nộp thuế đang còn nợ để xác định số tiền phí, lệ phí còn nợ của người nộp thuế trước khi lập lệnh hoàn trả kiêm bù trừ theo từng đơn vị Hải quan.

NGUỒN: BÁO HẢI QUAN

0913575247 Mr Đức ducnvtk4@gmail.com