Buộc trách nhiệm hãng tàu khi xử lý phế liệu tồn đọng

Sau khi cảng Cát Lái và cảng Hiệp Phước ngưng tiếp nhận toàn bộ lô hàng nhựa phế liệu nhập khẩu trực tiếp, phế liệu về hai cảng này đã giảm, DN cảng và cơ quan Hải quan tập trung xử lý phế liệu tồn, nhưng đã phát sinh một số khó khăn.

Phế liệu không đạt chất lượng nhập khẩu bị Cục Hải quan TP.HCM phát hiện tại cảng Cát Lái. Ảnh: T.H

Ngưng nhập, tồn vẫn còn nhiều

Phế liệu nhập khẩu về cảng Cát Lái tăng chóng mặt trong thời gian qua khiến lãnh đạo cảng này đã liên tiếp đưa ra các quy định nhằm siết chặt mặt hàng này về cảng.

Đặc biệt, từ ngày 1/6/2018, Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn áp dụng biện pháp ngưng tiếp nhận các container phế liệu nhựa nhập khẩu về 2 cảng: Tân cảng Cát Lái và Tân cảng Hiệp Phước. Theo đó, các cảng này chỉ cho thực hiện dỡ hàng từ tàu sau khi khách hàng xuất trình đủ giấy phép nhập khẩu của lô hàng được cơ quan có thẩm quyền cấp còn hiệu lực và văn bản cam kết thời gian nhận hàng cụ thể. Trường hợp không đủ chứng từ theo yêu cầu, hãng tàu và doanh nghiệp phối hợp với cảng để chuyển cảng dỡ hàng cho các lô hàng này về các cảng khác trước khi tàu cập cảng, tránh gây bị động khi giải phóng tàu làm phát sinh thời gian và chi phí cho các bên có liên quan.

Đặc biệt, từ 1/6/2018 đến 30/9/2018, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn ngưng tiếp nhận toàn bộ lô hàng nhựa phế liệu nhập khẩu trực tiếp tại hai cảng này, mặt hàng giấy phế liệu vẫn thực hiện như quy định nêu trên.

Sau khi ngưng tiếp nhận đối với mặt hàng phế liệu nhựa, chỉ còn mặt hàng phế liệu giấy được nhập khẩu về cảng, nên số lượng hàng về cảng không còn ồ ạt như trước.

Tuy nhiên,do số lượng phế liệu nhựa, phế liệu giấy nhập khẩu về cảng Cát Lái trước đó nhiều lên đến trên 7.000 TEU, nên số lượng phế liệu tồn tại cảng này vẫn ở mức cao.

Theo Chi cục Hải quan cảng sài Gòn khu vực 1, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn có kiến nghị Cục Hải quan TP.HCM cho phép đơn vị vận chuyển các lô hàng nhập khẩu tồn lâu, trước mắt là hàng tồn trên 90 ngày; hàng nhựa/giấy phế liệu đã lưu bãi quá 30 ngày tại Cát Lái về các cơ sở khác như cảng Tân cảng ICD Nhơn Trạch, ICD Long Bình,… Tuy nhiên, theo quy định mặt hàng phế liệu nhập khẩu phải làm thủ tục tại cửa khẩu nhập, không được phép chuyển về các ICD.

Buộc trách nhiệm hãng tàu 

Theo hướng dẫn xử lý phế liệu tồn đọng tại cảng, Chi cục Hải quan nơi có phế liệu tồn đọng sẽ chủ trì phân loại theo chủng loại, số lượng, khối lượng, thành phần, tính chất hàng hóa, phế liệu (phế liệu trong danh mục phế liệu được phép NK làm nguyên liệu sản xuất, phế liệu không trong danh mục phế liệu được phép NK làm nguyên liệu sản xuất, hàng hóa là chất thải nguy hại…) báo cáo Hội đồng xử lý hàng hóa tồn đọng để thực hiện việc xác lập quyền sở hữu nhà nước về tài sản đối với các container hàng hóa đã được phân loại theo quy định về xử lý hàng tồn đọng tại cảng biển, cửa khẩu.

Theo hướng dẫn của Tổng cục Hải quan, trên cơ sở các container hàng hóa phế liệu tồn đọng đã được phân loại, Hội đồng xử lý hàng tồn đọng sẽ lập, phê duyệt phương án xử lý theo hướng bán hàng hóa tồn đọng theo quy định tại Nghị định 29/2018/NĐ-CP quy định trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với tài sản xác lập sở hữu toàn dân.

Đối với chủng loại phế liệu trong danh mục phế liệu được phép NK làm nguyên liệu sản xuất, bán thanh lý cho các cơ sở sản xuất, DN có năng lực sản xuất, xử lý, tái chế loại hàng hóa, phế liệu tương ứng, trực tiếp sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất đã được cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong NK phế liệu tham gia đấu thầu thu mua.

Đối với chủng loại phế liệu không nằm trong danh sách phế liệu được phép NK làm nguyên liệu sản xuất; là chất thải thông thường, chất thải nguy hại, chất thải đi kèm phức tạp có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao thì chỉ các DN có năng lực xử lý, tái chế đối với loại hàng hóa, phế liệu tương ứng hoặc có năng lực xử lý loại chất thải tương ứng và đã được cơ quan có thẩm quyền, xác nhận đủ năng lực tham gia đấu thầu thu mua. Trong trường hợp không có đối tượng thu mua thì tiến hành xử lý tiêu hủy.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1- nơi quản lý địa bàn cảng Cát Lái có số lượng hàng tồn đọng là phế liệu lớn nhất- cho biết, để phân loại phế liệu theo thành phần, tính chất hàng hóa, phế liệu… theo hướng dẫn của Tổng cục Hải quan, cơ quan Hải quan phải thực hiện trưng cầu giám định đối với các container phế liệu tồn tại cảng. Trong khi đó, số lượng container tồn đọng quá 90 ngày tại cảng nhiều sẽ phát sinh chi phí giám định rất lớn. Hiện nay, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 đang phối hợp thực hiện theo hướng dẫn, đồng thời sẽ tập hợp các vướng mắc phát sinh để báo cáo các cấp lãnh đạo.

Bà Phạm Thị Lèo, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 cho biết, hiện đơn vị vẫn làm thủ tục bình thường cho các DN nhập khẩu phế liệu có giấy phép. Đối với lô hàng tồn tại cảng quá 30 ngày đến 90 ngày, đơn vị đang triển khai kế hoạch giám sát, kiểm soát hàng hóa tồn đọng tại cảng Cát Lái, trong đó phối hợp với cảng kiểm soát chặt đối với mặt hàng phế liệu nhập khẩu. Đối với các container phế liệu không có người nhận đơn vị sẽ kiến nghị xem xét trách nhiệm của hãng tàu vận chuyển để buộc tái xuất các lô hàng này, tránh ảnh hưởng đến môi trường…

NGUỒN: BÁO HẢI QUAN

0913575247 Mr Đức ducnvtk4@gmail.com