Gắn kết xuất nhập khẩu và logistics: Giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh

HƯỚNG DƯƠNG – MỸ DUYÊN – HOÀNG BÌNH

Đặc biệt, thông qua hội thảo lần này, lợi ích từ việc gắn kết chặt chẽ XNK và logistics là giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh được truyền tải đầy đủ tới các doanh nghiệp trong ngành, với những giải pháp giảm chi phí và thời gian cho doanh nghiệp XNK; các giải pháp quản lý rủi ro, giảm tổn thất trong vận chuyển hàng hóa XNK thông qua dịch vụ đại lý hải quan…

QUÁ NHIỀU VƯỚNG MẮC

Như chúng ta đã biết, sau khi gia nhập WTO, VN đã có những mặt hàng XK kỷ lục như lúa gạo, cà phê, nông thủy sản… Nhưng vấn đề không nằm ở chỗ một vài mặt hàng XK tăng, mà là những khó khăn trong chuỗi hoạt động logistics của các doanh nghiệp VN. Không thể phủ nhận dịch vụ logistics VN trong thời gian qua có bước phát triển, góp phần tích cực trong việc phát triển XNK của cả nước nói chung và hoạt động của các công ty nói riêng. Tuy nhiên chất lượng dịch vụ logistics chưa cao, đã ảnh hưởng không tốt đến hoạt động XNK.

Đề cập đến những vướng mắc đầu tiên là vấn đề vận tải. Ông Đỗ Hà Nam – Chủ tịch Hiệp hội hồ tiêu VN, Phó Chủ tịch Hiệp hội cà phê ca cao VN, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phầnTập đoàn Intimex phát biểu: Doanh nghiệp gặp không ít rủi ro khi thuê phải đơn vị vận chuyển không chuyên nghiệp. Hiện tượng ăn cắp, ăn trộm trong quá trình vận chuyển thường xảy ra. Chất lượng dịch vụ không cao, phương tiện vận tải thiếu nhất là trong thời gian cao điểm. Đặc biệt khi doanh nghiệp có nguồn hàng lớn, cần huy động lượng xe lớn thì không đủ phương tiện. Trên đường vận tải thì gặp không ít rủi ro như xe quá tải, quá khổ. Tình trạng kẹt xe diễn ra thường xuyên ở nhiều nơi làm cho thời gian vận chuyển kéo dài. Điều này không chỉ tác động đến chi phí tăng cao, chất lượng hàng hóa bị ảnh hưởng mà thời gian giao hàng cũng không đảm bảo.

Vấn đề kho bãi cũng được đặt ra vô cùng quan trọng, đặc biệt là kho ngoại quan. Các công ty nước ngoài rất quan tâm đến việc đầu tư kho ngoại quan vì tính cần thiết và thiết thực của nó trong quá trình xuất và NK. Nếu kho ngoại quan của VN được đầu tư đúng mức thì không chỉ giảm được chi phí mà còn tận dụng được thời cơ không phải tập kết ở kho ngoại quan của nước ngoài như Singapore.

Chi phí XK càng được nhắc đến nhiều hơn khi các doanh nghiệp VN hiện phải chịu sức ép phí từ các hãng tàu rất nặng, thậm chí có phí rất vô lý. Điển hình như các phí: phụ phí xăng dầu (EBS), phụ phí bảo đảm container (EMS), phí truyền dữ liệu, phí lưu bãi… và nhiều phụ phí khác. Thậm chí cả phí tại cảng đến cũng bắt các doanh nghiệp phải chịu. Họ áp đặt các loại phí mà không có biện pháp nào ngăn chặn được, và có xu hướng tăng theo thời gian tới.

Ngoài ra còn nhiều bất cập trong việc vận chuyển giữa các cảng trung chuyển là rất phổ biến. Trong nhiều trường hợp, chủ hàng có thể không biết lịch trình dự kiến của chuyến hàng, với một lượng hàng hóa trung chuyển có thể dẫn đến các rủi ro về giao hàng sai cũng như lưu kho không hợp lý hay nhầm lẫn. Chưa kể đến phương thức giao nhận bằng tay vẫn tiếp tục phổ biến trong suốt quá trình vận chuyển. Nhiều loại hàng hóa vẫn được giao nhận bởi công nhân bốc vác ít nhất là ở hai đầu của quá trình chuyên chở.

Nguyên nhân của tình trạng này là do đội tàu trong nước chỉ đáp ứng được khoản 15-20% nhu cầuXNK và chỉ đi được các chuyến xuất khẩu đường ngắn, 80% thị phần xuất khẩu container nằm trong tay các doanh nghiệp nước ngoài bởi họ đáp ứng được tuyến XK đường dài như Mỹ, EU. Vì thế họ liên minh với nhau đưa ra một mức phí quá cao, cứ vài tháng họ đòi tăng giá một lần với đủ các lý do. Doanh nghiệp VN không còn cách nào khác là phải chấp nhận.

Vấn đề được đặt ra là tính chuyên nghiệp, chất lượng của dịch vụ logistics, các doanh nghiệp nước ngoài ngày càng hoàn thiện, trong khi các doanh nghiệp logistics trong nước còn quá chậm chạp, quy mô nhỏ, chỉ làm một số phần việc trong chuỗi dịch vụ logistics. Về lâu dài nếu tình hình vẫn cứ diễn ra như hiện nay, khi các doanh nghiệp nước ngoài ngày càng lớn mạnh, từng bước thâu tóm thị trường thì các doanh nghiệp logistics trong nước sẽ đi vào bế tắc.

Bên lề hội thảo, ông Đỗ Xuân Quang – Chủ tịch VIFFAS đã trao đổi với chúng tôi: Sự yếu kém ngànhlogistics VN đã quá rõ ràng. Những vấn đề về cơ sở hạ tầng, về cảng, sân bay, kho hàng… phát triển một cách manh mún, chưa nối kết lại với nhau. Vấn đề khác là nguồn nhân lực logistics hiện đang thiếu trầm trọng, nhất là tính chuyên gia trong ngành logistics tại VN. Chúng ta cần có một hệ thống quản lý nhà nước về vấn đề logistics, là đầu tàu kết nối các đầu mối hạ tầng, trung tâm logistics với các doanh nghiệp XNK.

LỢI ÍCH CỦA GẮN KẾT XNK VÀ LOGISTICS

Do quy mô của doanh nghiệp dịch vụ logistics còn nhỏ, sức cạnh tranh yếu, cơ sở hạ tầng logistics còn yếu và chưa đồng bộ, còn thiếu các giải pháp trọn gói,… dẫn đến chất lượng phục vụ còn hạn chế, chi phí dịch vụ logistics cao so với các nướ trong khu vực làm tăng giá thành hàng hóa XNK, ảnh hưởng không tốt đến sức cạnh tranh của hàng hóa và dịch vụ của VN ở thị trường trong nước và quốc tế.

Những nhà cung ứng dịch vụ logistics VN (LSP) mặc dù đã tạo dược niềm tin đối với các doanh nghiệp XNK nhưng vẫn chưa chiếm tỷ trọng lớn trong đánh giá và tin dùng của các doanh nghiệp XNK VN. Tâm lý chuộng các LSP/hãng tàu nước ngoài, quan trọng hơn là tập quán thương mại của các doanh nghiệp XNK VN vẫn còn tồn tại mua CIF bán FOB, hoặc là chưa coi trọng quản lý chuỗi cung ứng, từ đó chưa sẵn sàng thuê ngoài dịch vụ, hoặc chỉ thuê ngoài các dịch vụ đơn lẻ.

Hơn nữa các doanh nghiệp logistics VN chưa chủ động gắn kết, hợp tác với các doanh nghiệp XNK, chưa giới thiệu tư vấn đầy đủ và thuyết phục khả năng cung cấp dịch vụ của mình, chưa tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của khách hàng, còn yếu về khả năng cung cấp dịch vụ vận tải đa phương thức, hoặc các giải pháp tổng thể về logistics.

Ông Đinh Văn Thập – Giám đốc Điều hành Tổng Công ty Cổ phần May Nhà Bè nhận định: “Nếu nói dịch vụ logistics là dịch vụ giúp các nhà sản xuất như chúng tôi quản lý công việc luân chuyển hàng hóa từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ cũng như vật tư nguyên liệu từ các nhà cung cấp đến với các nhà máy sản xuất của chúng tôi thì dịch vụ logistics hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu quản lý công việc luân chuyển vật tư nguyên liệu từ các nhà cung cấp nước ngoài đến với doanh nghiệp. Hiện nay đối với chúng tôi, dịch vụ logistics chỉ dừng lại ở mức là người đại diện cho các nhà vận chuyển thông báo cho chúng tôi về tình hình vận chuyển của hàng hóa từ cảng đi đến cảng, thay mặt người vận chuyển phát hành lệnh giao hàng hóa cho doanh nghiệp sau khi hàng hóa cập cảng, thay mặt các hãng tàu thu các loại phí”.

Rõ ràng, sự gắn kết giữa các doanh nghiệp XNK và logistics là vô cùng quan trọng đối với hoạt động thương mại và phát triển kinh tế. Sự gắn kết ấy mang lại nhiều lợi ích lớn.

Các doanh LSP mà đa phần là các nhà giao nhận là các “kiến trúc sư vận tải” do có điều kiện về cơ sở vật chất, kinh nghiệm,… sẽ giúp các doanh nghiệp XNK các giải pháp về logistics nhằm tối ưu chi phí, thời gian, giá cả phù hợp với từng loại hàng hóa… và có điều kiện tập trung vào công việc kinh doanh cốt lõi của mình. Sự kết nối này sẽ tạo nên sức mạnh trong đàm phán đặc biệt là trong tình hình hiện nay như vấn đề phụ phí, cước phí vận tải biển,… Khi LSP và các doanh nghiệp XNK xây dựng được mối quan hệ hợp tác lâu dài, LSP sẽ giúp các doanh nghiệp XNK xâu dựng được chiến lược/kế hoạch logistics trên cơ sở đồng bộ với chuỗi cung ứng và chiến lược kinh doanh làm tăng lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp XNK .

Đối với các doanh nghiệp XNK, để sự gắn kết đó có sức mạnh hơn nữa, theo ông Lê Duy Hiệp – Phó Chủ tịch thường trực VIFFAS – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Kho vận Giao nhận Ngoại thương (Transimex Saigon): “Các doanh nghiệp XNK cần tin tưởng hơn nữa vào năng lực của các LPS VN, “ủng hộ dùng dịch vụ người VN”, tạo điều kiện cho sự phát triển của ngành logistics VN, đóng góp hơn nữa vào sự phát triển chung của đất nước. Đồng thời tăng cường mối quan hệ hợp tác với các LSP VN nhằm tạo sức mạnh đàm phán, thương lượng với các liên minh hãng tàu, hàng không…”.

GIẢI PHÁP GIẢM CHI PHÍ, NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH

Để nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng XK VN, trước hết các doanh nghiệp vận tải cần đầu tư phương tiện vận chuyển thích hợp, nâng cao uy tín và chất lượng dịch vụ, đảm bảo an toàn hàng hóa. Về phía Nhà nước, cần ban hành các văn bản để sao cho việc vận tải hàng hóa bằng phương tiện container trên các con đường được phép thì doanh nghiệp mặc nhiên được sử dụng. Có như vậy mới góp phần giảm chi phí.

Đặc biệt cần phải quan tâm phát triển hệ thống kho ngoại quan. Chúng ta cần có những kho ngoại quan lớn, với nhiều tiện ích để không chỉ tạo cơ hội cho doanh nghiệp VN mà cả các doanh nghiệp nước ngoài quan tâm đến thị trường VN, đảm bảo tính an toàn, đồng thời thu được phí.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng, các Hiệp hội và các doanh nghiệp dịch vụ logistics cần hợp tác trong việc đấu tranh với các hãng tàu nước ngoài để có mức phí vận tải phù hợp. Để làm được điều đó, VN cần phát triển đội tàu của mình để chủ động trong vận chuyển hàng hóa.

Ngoài ra, vấn đề thủ tục hải quan – mối quan tâm đặc biệt của các doanh nghiệp XNK- cần thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Theo TS. Lý Bách Chấn – Nguyên Tổng Giám đốc Xí nghiệp liên hiệp Vận tải biển Pha sông/Bộ GTVT cho biết, trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay môi trường cho sự hợp tác, gắn kết đóng một vai trò rất lớn, mang lại nhiều thuận lơi cho doanh nghiệp. Đã đến lúc các công ty logistics của ta cần mạnh mẽ hợp tác với các đối tác nước ngoài để mở rộng dịch vụ, bên cạnh việc gắn kết cùng XNK. Và đây cũng là cách tốt nhất giữ vững thị trường nội địa.

Hợp tác giữa các công ty VN phải được xem là một trong những biện pháp làm cho năng lực chung của ngành logistics VN mạnh lên. Trong hoàn cảnh các công ty logistics của ta còn chưa đủ mạnh, rất nhiều công ty nhỏ, nếu không có sự hợp tác với nhau thì không thể tạo ra một năng lực chung đủ mạnh để đáp ứng yêu cầu của thực tế. Ở nước ta hiện nay sự hợp tác này là rất yếu, mà đôi khi là đối nghịch nhau – sự cạnh tranh không lành mạnh. Đây là hiện tượng không hay, và môi trường lành mạnh được xem như một nhu cầu cấp thiết cho sự hợp tác này.

Cũng cần phải nói đến các nhà XNK là những người cung cấp các việc làm cho các công ty logistics. Sự thay đổi của chủ hàng do vậy là một trong những nhân tố chính thúc đẩy sự phát triển của ngành logistics. Ngay trong những dịch vụ nội địa, đôi khi để thay đổi các dịch vụ cũng đòi hỏi sự thay đổi đáng kể trong các công ty XNK.

Để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc cho doanh nghiệp XNK và logistics, ông Lê Duy Hiệp đề xuất: Đối với các cơ quan quản lý Nhà nước, quản lý ngành cần phải quan tâm hơn nữa đến sự phát triển của ngành logistics VN, đặc biệt là vấn đề đầu tư cơ sở hạ tầng logistics ở tầm quốc gia đáp ứng yều cầu phát triển gia thương thuận lợi, có chiến lược và quy hoạch logistics cho từng thời kỳ để từng bước đưa ngành logistics hội nhập khu vực và trên thế giới.

Đánh giá về cơ hội và thách thức của ngành logistics VN, ông Đỗ Xuân Quang – Chủ tịch VIFFAS cho biết, sự phát triển nhanh và mạnh mẽ của nền kinh tế đất nước trong thời gian tới là cơ hội rất lớn để phát triển dịch vụ logistics. Thông qua hội thảo lần này, đề nghị các cơ quan chức năng tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động. Các doanh nghiệp dịch vụ logistics cần tận dụng tốt cơ hội, đẩy mạnh hợp tác, tăng cường gắn kết với các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp XNK để mở rộng thị trường, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm thời gian vận chuyển, giảm chi phí, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của cả doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh XNK và doanh nghiệp dịch vụ logistics.

Tại hội thảo, bà Alison Windsor – Giám đốc Phát triển thương mại Cảng Halifax (Canada) đã giới thiệu những tài sản chiến lược của Canada như: Tuyến hải trình qua Kênh đào Suez đến Bắc Đại Tây Dương ngắn nhất so với bất kỳ cảng Bờ Đông khác; cung cấp các dịch vụ với giá cạnh tranh, nguồn nhân lực của cảng ổn định và có tay nghề cao; sẵn sàng phục vụ các “tàu lớn”; sở hữu những dịch vụ trực tiếp, đa dạng đi châu Âu, Trung Đông, Tiểu Lục Địa Ấn Độ và Đông Nam Á; và khả năng xử lý gấp ba lần khối lượng container hiện tại…

Với 16 hãng tàu kết nối, hiện cảng Halifax có mạng lưới khách hàng trên 150 quốc gia.

NGUỒN: VLR

 

0913575247 Mr Đức ducnvtk4@gmail.com