Lo ngại lỗ hổng trong quản lý tiền chất

Ngày 25/11/2017, Nghị định 113/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất có hiệu lực thi hành.

Hải quan cảng Sài Gòn khu vực 4 kiểm tra hóa chất NK. Ảnh: T.Hòa.

Tuy nhiên, những quy định trong Nghị định được dự báo sẽ khiến cho cả cơ quan Hải quan và DN gặp rất nhiều vướng mắc khi thực hiện. Nguyên nhân là nhiều quy định không rõ ràng, gây khó hiểu, nếu thực hiện sẽ gây ách tắc trong thông quan hàng hóa.

Chưa thực hiện đã đầy vướng mắc

Nêu lên khá nhiều vấn đề tại Nghị định 113/2017/NĐ-CP, Cục Hải quan TP.HCM cho biết, Điều 3 Nghị định phần giải thích từ ngữ nêu “kinh doanh hóa chất bao gồm hoạt động buôn bán, XK, NK hóa chất để cung ứng hóa chất trên thị trường” được hiểu là trong khái niệm kinh doanh có bao gồm hoạt động XK, NK. Điều 9 nêu: Điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp và Điều 15 nêu: Điều kiện cấp Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp.

Vậy khi DN khai báo XK, NK hóa chất trong Phụ lục 1, 2 của Nghị định cần phải xuất trình chứng từ gì? Phải chăng là giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất kinh doanh hóa chất. Nghị định không thể hiện cần phải xuất trình hoặc nộp chứng từ gì để được thông quan đối với hóa chất trong 2 phụ lục này. Trong Nghị định không quy định các chứng từ phải nộp hoặc xuất trình cho cơ quan Hải quan khi làm thủ tục NK, sẽ rất khó khăn cho cơ quan Hải quan để nhận biết hợp chất NK có thuộc đối tượng nêu tại khoản 2 Điều 8 và khoản 2 Điều 14 Nghị định 113/2017/NĐ-CP, cũng như nhận biết được hóa chất độc hại hay không-Cục Hải quan TP.HCM nêu.

Bên cạnh đó, trong Phụ lục I-Danh mục hóa chất sản xuất kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp ban hành kèm theo Nghị định 113/2017/NĐ-CP là loại NK không cần giấy phép NK, tuy nhiên lại có 34 loại tiền chất công nghiệp từ mục số thứ tự 785 đến 819 là loại hóa chất phải có giấy phép NK. Theo Cục Hải quan TP.HCM, việc để chung tiền chất công nghiệp trong Danh mục hóa chất sản xuất kinh doanh cho điều kiện mà không có hướng dẫn, giải thích thêm sẽ dẫn đến nhiều ý kiến khác nhau. Mặt khác, hiện nay danh mục tiền chất ma túy cũng đã được Chính phủ ban hành tại Phụ lục IV kèm theo Nghị định 82/2013/NĐ-CP có 41 loại, trong đó có 32 loại thuộc Bộ Công Thương quản lý và 9 loại thuộc Bộ Y tế quản lý. So sánh hai danh mục tiền chất này thì không hoàn toàn trùng khớp nhau.

Ngoài ra, khoản 2 Điều 25 quy định: “Hóa chất phải khai báo bao gồm các chất thuộc Danh mục hóa chất phải khai báo và các hỗn hợp chứa các chất thuộc Danh mục hóa chất phải khai báo được phân loại theo quy định tại Điều 23 của Nghị định là hóa chất nguy hiểm trừ trường hợp được miễn trừ theo quy định tại Điều 28 Nghị định này”. Cục Hải quan TP.HCM cho rằng, rất khó xác định các hỗn hợp chứa các chất thuộc danh mục và chứa thành phần bao nhiêu thì phải khai báo hóa chất. Trong trường hợp này, cần ban hành danh mục các hỗn hợp chứa các chất phải khai báo để công chức hải quan cũng như DN thống nhất thực hiện.

Tương tự, Cục Hải quan Long An cũng phản ánh những khó khăn cơ quan Hải quan sẽ gặp phải khi thực hiện Nghị định 113/2017/NĐ-CP.

Tại khoản 1 Điều 13 quy định: “Các trường hợp được miễn trừ cấp Giấy phép XK, NK: a, Hàng hóa chứa tiền chất công nghiệp Nhóm 1 có hàm lượng nhỏ hơn 1% khối lượng; b, Hàng hóa chứa tiền chất công nghiệp Nhóm 2 có hàm lượng nhỏ hơn 5% khối lượng”. Cục Hải quan Long An đặt câu hỏi: Cơ sở nào để cơ quan Hải quan xác định hàm lượng hóa chất chứa tiền chất công nghiệp thuộc diện miễn trừ Giấy phép XK, NK để giải quyết thông quan cho DN?

Không chỉ gặp vướng trong thực hiện các quy định tại Nghị định 113/2017/NĐ-CP, Cục Hải quan Hà Nam Ninh nêu lên sự chồng chéo giữa các văn bản hiện hành. Theo quy định tại Điều 12, 13 Nghị định  113/2017/NĐ-CP thì hàng hóa thuộc danh mục tiền chất công nghiệp ở Phụ lục I của Nghị định khi XNK phải có giấy phép do cơ quan có thẩm quyền cấp. Tuy nhiên, Điều 38 về hiệu lực thi hành tại  Nghị định 113/2017/NĐ-CP không thay thế Nghị định 58/2003/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kiểm soát NK, XK, vận chuyển quá cảnh lãnh thổ Việt Nam chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần; Nghị định 82/2013/NĐ-CP của Chính phủ ban hành các danh mục chất ma túy và tiền chất.

Câu hỏi đặt ra là: Từ ngày 25/11, việc XK, NK tiền chất thực hiện theo quy định tại Nghị định 113/2017/NĐ-CP hay tiếp tục thực hiện quy định tại Nghị định 58/2003/NĐ-CP; Nghị định 82/2013/NĐ-CP; Thông tư 42/2013/NĐ-CP của Bộ Công Thương quy định quản lý, kiểm soát tiền chất trong lĩnh vực công nghiệp.

Cục Hải quan Thanh Hóa cũng đặt nhiều câu hỏi liên quan đến việc thực hiện Nghị định 113/2017/NĐ-CP. Tại khoản 3 Điều 28 Nghị định có điều khoản miễn trừ cho “Hóa chất NK dưới 10kg/một lần NK”. Quy định này được hiểu như thế nào trong các trường hợp sau: Trường hợp NK hóa chất dưới dạng hỗn hợp trong đó có chứa ít nhất một loại hóa chất thuộc Danh mục phải khai báo hóa chất: Giới hạn khối lượng 10 kg sẽ được hiểu là khối lượng của cả hỗn hợp hay khối lượng của loại hóa chất thuộc Danh mục phải khai báo hóa chất? Và căn cứ vào tài liệu/chứng từ nào để xác định khối lượng hóa chất trong các trường hợp hỗn hợp dạng bột, dạng khí, dạng lỏng?

Trường hợp NK hóa chất dưới dạng hỗn hợp trong đó có chứa nhiều hơn một loại hóa chất thuộc Danh mục phải khai báo hóa chất: Nếu khối lượng từng loại hóa chất thuộc Danh mục phải khai báo hóa chất nhỏ hơn 10kg, nhưng tổng khối lượng hóa chất đó lớn hơn 10kg. Trường hợp này DN có phải thực hiện thủ tục khai báo hóa chất không?

Sẽ báo cáo cấp thẩm quyền

Trước vấn đề lo ngại của các đơn vị hải quan địa phương, mới đây Tổng cục Hải quan đã tổ chức cuộc họp với đại diện Cục Hóa chất –Bộ Công Thương, nêu những vấn đề vướng mắc khi thực hiện Nghị định 113/2017/NĐ-CP.

Tại cuộc họp đại diện Cục Hải quan Hải Phòng cho rằng: Các quy định khi đưa ra cần có ý nghĩa  quản lý, phù hợp với thực tế, quan trọng nhất là phù hợp với pháp luật. Dẫn chiếu một trong những bất cập tại Nghị định, đại diện Cục Hải quan Hải Phòng cho rằng “Chưa có văn bản pháp luật nào quy định hỗn hợp chứa tiền chất phải xin giấy phép, trong khi đó Điều 13 lại quy định miễn xin giấy phép. Cần phải làm rõ quy định này”. “Nếu điều đó thành sự thật thì là thảm họa không chỉ đối với Hải quan mà cả DN. Bởi trên thực tế hàng hóa chứa tiền chất có trong rất nhiều mặt hàng như: Bơ có tiền chất, rượu nho có tiền chất, vang có tiền chất… muôn vàn thứ có chứa tiền chất. Nếu quy định như vậy đẩy hải quan vào “mê hồn trận”. Nguy hiểm hơn việc XNK tiền chất không có giấy phép thuộc vào hành vi phạm tội chứ không phải hành chính nữa ”- vị này nói.

Ông Âu Anh Tuấn – quyền Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan cho rằng:

Tiền chất là mặt hàng nhạy cảm. Đây là hàng hóa lưỡng dụng vừa có thể dùng cho mục đích sản xuất, vừa liên quan đến sản xuất ma túy, thuộc đối tượng quản lý rất chặt của cả nước XK, NK. Tuy nhiên quy định như thế nào để rõ ràng tránh ảnh hưởng đến thủ tục bình thường của DN cần phải làm rõ. Ông Âu Anh Tuấn cho biết, toàn bộ những vướng mắc liên quan đến Nghị định 113/2017/NĐ-CP cơ quan Hải quan sẽ tổng hợp báo cáo các cấp có thẩm quyền để xử lý. Có thể sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xin ý kiến chỉ đạo thực hiện.

NGUỒN: BÁO HẢI QUAN

0913575247 Mr Đức ducnvtk4@gmail.com