Thủ tục hải quan nhập khẩu tàu biển dưới 15 năm tuổi

Câu hỏi: 

Chúng tôi đang tiến hành nhập khẩu tàu biển dưới 15 năm tuổi xuất xứ Nhật Bản về để khai thác vận tải trong nước. Công ty cần chuẩn bị những giấy tờ gì liên quan để tiến hành nhập khẩu phương tiện đề cập ở trên ?

– Mã loại hình nhập khẩu là gì ?

– Các loại thuế, phí liên quan trong quá trình nhập khẩu ?

– Các bước thủ tục Hải Quan nhập khẩu như thế nào ?

Ngày gửi: 02/02/2017 – Trả lời: 06/02/2017

Tên doanh nghiệp: CÔNG TY TNHH HẢI NAM

Địa chỉ: Tổ 65, khu 5, phường Bạch Đằng, Thành phố Hạ Long, Quảng Ninh – Email : tuanduong.hp811@gmail.com

1.Vướng mắc 1:

Căn cứ Khoản 1 Điều 8 Nghị định 161/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ (có hiệu lực đến ngày 30/06/2017) quy định:

Điều 8. Giới hạn tuổi tàu biển đăng ký lần đầu tại Việt Nam

Tàu biển đã qua sử dụng đăng ký lần đầu tại Việt Nam phải có tuổi tàu biển theo quy định sau đây:

a) Tàu khách không quá 10 tuổi;

b) Các loại tàu biển khác không quá 15 tuổi.

2. Giới hạn về tuổi tàu biển quy định tại Khoản 1 Điều này không áp dụng đối với tàu biển thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức nước ngoài được bán đấu giá tại Việt Nam theo quyết định cưỡng chế của cơ quan có thẩm quyền.

3. Tàu biển nước ngoài do tổ chức, cá nhân Việt Nam mua theo phương thức vay mua hoặc thuê mua thì sau thời hạn đăng ký mang cờ quốc tịch nước ngoài được chuyển đăng ký mang cờ quốc tịch Việt Nam, nếu tại thời điểm ký hợp đồng vay mua, thuê mua có tuổi tàu phù hợp với quy định tại Khoản 1 Điều này”.

Căn cứ Khoản 1 Điều 7 Nghị định số 171/2016/NĐ-CP ngày 2/12/2016 của Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 01/07/2017) quy định:

Điều 7. Giới hạn tuổi tàu biển nước ngoài đã qua sử dụng đăng ký lần đầu tại Việt Nam

1. Tuổi của tàu biển, tàu ngầm, tàu lặn, kho chứa nổi, giàn di động mang cờ quốc tịch nước ngoài đã qua sử dụng đăng ký lần đầu tại Việt Nam được thực hiện theo quy định sau:

a) Tàu khách, tàu ngầm, tàu lặn: Không quá 10 năm;

b) Các loại tàu biển khác, kho chứa nổi, giàn di động: Không quá 15 năm;

c) Trường hợp đặc biệt do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định nhưng không quá 20 năm và chỉ áp dụng đối với các loại tàu: Chở hóa chất, chở khí hóa lỏng, chở dầu hoặc kho chứa nổi.

2. Giới hạn về tuổi tàu biển quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng đối với tàu biển mang cờ quốc tịch nước ngoài, thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân nước ngoài được bán đấu giá tại Việt Nam theo quyết định cưỡng chế của cơ quan có thẩm quyền.

3. Giới hạn về tuổi tàu biển quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng trong trường hợp tàu biển mang cờ quốc tịch Việt Nam và thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân Việt Nam đã xóa đăng ký quốc tịch Việt Nam để đăng ký mang cờ quốc tịch nước ngoài theo hình thức cho thuê tàu trần.

4. Tàu biển mang cờ quốc tịch nước ngoài do tổ chức, cá nhân Việt Nam mua theo phương thức vay mua hoặc thuê mua thì sau thời hạn đăng ký mang cờ quốc tịch nước ngoài được đăng ký mang cờ quốc tịch Việt Nam nếu tại thời điểm ký kết hợp đồng vay mua, thuê mua có tuổi tàu phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều này.

Do công ty không nêu cụ thể tàu biển dưới 15 năm tuổi dự kiến nhập khẩu là tàu khách hay các loại tàu biển khác nên Tổ tư vấn không thể có câu trả lời chính xác tàu biển của công ty có được phép đăng ký tại Việt Nam hay không. Đề nghị công ty đối chiếu quy định tuổi tàu biển theo quy định trên để thực hiện.

Trong trường hợp đủ điều kiện đăng ký lần đầu tại Việt Nam, thủ tục hải quan nhập khẩu tàu biển được thực hiện theo quy định tại Điều 35 Nghị định số 161/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ:

Điều 35. Thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu tàu biển

Căn cứ quyết định mua, bán, đóng mới tàu biển; hợp đồng mua, bán, đóng mới tàu biển; biên bản giao nhận tàu biển và văn bản xác nhận trạng thái kỹ thuật tàu biển của Cục Đăng kiểm Việt Nam sau khi thực hiện kiểm tra lần đầu đối với tàu biển nhập khẩu, cơ quan hải quan có trách nhiệm làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu tàu biển. Việc kiểm tra thực tế tàu biển xuất khẩu, nhập khẩu được thực hiện tại Việt Nam hoặc các địa điểm khác do Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quyết định.”

Căn cứ Điều 32 Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật chất lượng sản phẩm; Căn cứ Mục V Phụ lục 1 Ban hành kèm theo Thông tư số 39/2016/TT-BGTVT ngày 06/12/2016 của Bộ Giao thông vận tải thì mặt hàng tàu chở hàng hóa thuộc danh mục sản phẩm hàng hóa nhóm 2 bắt buộc phải chứng nhận và công bố hợp quy. Do đó, tàu chở hàng trước khi đưa vào khai thác sử dụng phải được chứng nhận hợp quy.

Đối chiếu quy định nêu trên, đề nghị Công ty liên hệ với Cục Đăng kiểm Việt Nam và Bộ Giao thông vận tải để xin xác nhận trạng thái kỹ thuật tàu biển, chứng nhận và công bố hợp quy đối với mặt hàng nêu trên khi làm thủ tục nhập khẩu. Quá trình thực hiện có vướng mắc Công ty liên hệ với Chi cục Hải quan nơi dự định nhập khẩu để được hướng dẫn.

2.Vướng mắc 2:

Về loại hình nhập khẩu, công ty có thể tham khảo công văn số 2765/TCHQ-GSQL ngày 01/04/2015 của xác định mã loại hình nhập khẩu phù hợp. Trường hợp nhập khẩu tạo tài sản cố định làm thủ tục tại Chi cục Hải quan cửa khẩu có thể sử dụng mã loại hình A11.

3.Vướng mắc 3:

Mức thu phí hải quan; lệ phí hàng hóa, phương tiện quá cảnh được quy định tại Thông tư số 274/2016/TT-BTC ngày 14/11/2016 của Bộ Tài chính, theo đó, mức lệ phí đăng ký tờ khai hải quan là 20.000 đồng/tờ khai.

Ngoài ra, công ty còn phải nộp các loại phí liên quan đến xác nhận trạng thái kỹ thuật tàu biển, chứng nhận và công bố hợp quy đối với tàu biển theo quy định của Bộ Giao thông vận tải.

4.Vướng mắc 4:

Hồ sơ, thủ tục hải quan thực hiện theo quy định tại Điều 16, Điều 18 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015 của Bộ Tài chính.

NGUỒN: HẢI QUAN ĐỒNG NAI

0913575247 Mr Đức ducnvtk4@gmail.com