600 doanh nghiệp xuất nhập khẩu ở Bình Dương tạm dừng hoạt động do dịch Covid-19

Thông tin được Phó Cục trưởng Cục Hải quan Bình Dương Nguyễn Trường Giang chia sẻ tại Tọa đàm với chủ đề “Hải quan đồng hành cùng doanh nghiệp trong cao điểm dịch Covid-19” do Tạp chí Hải quan tổ chức ngày 18/8.

600 doanh nghiệp xuất nhập khẩu ở Bình Dương tạm dừng hoạt động do dịch Covid-19
Phó Cục trưởng Cục Hải quan Bình Dương Nguyễn Trường Giang

Tờ khai, kim ngạch giảm mạnh

Theo ông Nguyễn Trường Giang, đến ngày 17/8, tỉnh Bình Dương có trên 50.000 người nhiễm Covid-19 trên tổng số hơn 2,5 triệu dân, điều này gây nhiều khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Vì vậy, lượng tờ khai tại Cục (cập nhật từ 15/7 đến 15/8), giảm rất mạnh tới 42% so với các tháng trước đó, kim ngạch xuất nhập khẩu giảm trên 32%.

“Hàng năm Hải quan Bình Dương làm thủ tục cho khoảng 6.000 doanh nghiệp, trong đó có khoảng 2.000 doanh nghiệp làm thủ tục thường xuyên. Tuy nhiên, do dịch bệnh nên hiện nay, doanh nghiệp tạm dừng hoạt động rất nhiều. Trong đó có khoảng 600 doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu thường xuyên”, ông Nguyễn Trường Giang chia sẻ.

Về các khó khăn mà doanh nghiệp trên địa bàn phải đối mặt trong thời điểm này, theo Phó Cục trưởng Cục Hải quan Bình Dương, thứ nhất nhiều doanh nghiệp không đáp ứng được yêu cầu “3 tại chỗ” hay “hai điểm đến một cung đường”, hoặc doanh nghiệp có trường hợp F0 nên phải tạm dừng hoạt động.

Thứ hai, chi phí tăng do phải thực hiện xét nghiệm Covid-19 thường xuyên hoặc chi phí ăn ở cho công nhân. Ngoài ra, một số doanh nghiệp thiếu lao động nên việc nhận hàng ở cảng chậm và khó khăn nên sẽ tăng chi phí lưu kho, bãi.

Thứ ba, do chuỗi cung ứng gặp khó khăn nên một số doanh nghiệp thiếu nguyên, nhiên liệu phục vụ sản xuất, thiếu lao động.

Trước thực trạng đó, Hải quan Bình Dương chủ động thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ. Đó là, thứ nhất, thành lập tổ phản ứng nhanh của Cục và các chi cục để xử lý nhanh các vướng mắc, thông quan nhanh hàng hóa cho doanh nghiệp.

Thứ hai, quán triệt toàn thể cán bộ công chức thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương, của Ngành và địa phương về đảm bảo song hành giữa phòng, chống dịch và phát triển kinh tế.

Thứ ba, bố trí các khu vực làm việc đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch để hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp và nguy cơ lây nhiễm.

Ngoài ra, đơn vị còn thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ như: trường hợp phải kiểm tra thực tế, 100% kiểm tra qua máy soi container khi có nghi vấn mới mở kiểm tra thủ công, như vậy sẽ đẩy nhanh được tốc độ thông quan hàng hóa; cho doanh nghiệp được chậm nộp bản chính trong hồ sơ hải quan (nộp trước bản scan); tạm dừng thanh, kiểm tra tại doanh nghiệp; tăng cường giải đáp, hướng dẫn trực tuyến; hỗ trợ tư vấn thủ tục nhập khẩu trang thiết bị phòng, chống dịch; kiến nghị cấp phiếu đi lại dễ dàng cho nhân viên xuất nhập khẩu.

Chủ động “chia lửa” với cảng Cát Lái

Thời gian tới dịch bệnh còn phức tạp, Hải quan Bình Dường tiếp tục nghiên cứu các giải pháp để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu.

Đặc biệt, trong bối cảnh hàng hóa ùn tắc ở cảng Cát Lái (TPHCM) và thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Hải quan về chuyển hàng hóa đang tồn đọng ở Cát Lái về các cảng nội địa (ICD), Hải quan Bình Dương đã chủ động thực hiện các công việc liên quan.

Trong đó, Cục đã thành lập các tổ triển khai ở Cục và chi cục liên quan để phối hợp với Hải quan TPHCM, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn thực hiện tốt việc giải tỏa hàng hóa nguy cơ tồn đọng ở cảng Cát Lái.

Cùng với đó, Cục đã chủ động tuyên truyền cho cộng đồng doanh nghiệp về thủ tục và điều kiện để được chuyển hàng từ Cát Lái về ICD ở khu vực Bình Dương. Đồng thời có văn bản hướng dẫn cụ thể để cộng đồng doanh nghiệp và các chi cục nắm bắt, thực hiện.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trường Giang, quá trình triển khai chủ trương đưa hàng tồn đọng từ Cát Lái về các ICD, Cục Hải quan Bình Dương đã nắm bắt được một số khó khăn do doanh nghiệp phản ánh như thiếu nhân lực nhận hàng, tăng thêm chi phí bốc dỡ hàng hóa…

Vì vậy, Cục kiến nghị Tổng cục Hải quan và các đơn vị liên quan một số giải pháp.

Thứ nhất, phải tuyên truyền tốt về hiệu quả của chủ trương này với cộng đồng doanh nghiệp.

Thứ hai, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn xem xét hỗ trợ, chia sẻ với doanh nghiệp các chi phí phát sinh, chi phí lưu kho, bãi.

Thứ ba, tổ chức tốt công tác phối hợp giữa các cục hải quan địa phương liên quan và Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn.

Thứ tư, đề nghị Tổng cục Hải quan kiến nghị Bộ Tài chính sớm ban hành Thông tư về xử lý vấn đề hàng tồn đọng làm cơ sở cho các đơn vị triển khai.

Trước vướng mắc trực tiếp được doanh nghiệp nghiệp gửi đến khi theo dõi Tọa đàm: Hiện tại hệ thống một cửa tại Hải quan Bình Dương không hiển thị đầy đủ thông tin các trang của E-C/O từ Malaysia. Cục có phương án hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp trong trường hợp này thế nào?

Ông Nguyễn Trường Giang cho hay, sẽ chỉ đạo kiểm tra ngay. Mặt khác, khi giải quyết thủ tục, các chi cục cần xem xét yếu tố khách quan này để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong thông quan hàng hóa.

NGUỒN: BÁO HẢI QUAN

0913575247 Mr Đức ducnvtk4@gmail.com