6 mục tiêu đưa kiểm tra sau thông quan thành trụ cột quản lý hiện đại

Công tác kiểm tra sau thông quan (KTSTQ) đã có những chuyển biến, tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số hạn chế như vai trò, vị trí của KTSTQ chưa được nhận thức một cách đầy đủ, đúng đắn…

6 muc tieu dua kiem tra sau thong quan thanh tru cot quan ly hien dai
Cục trưởng Cục KTSTQ Nguyễn Tiến Lộc chủ trì buổi họp báo về chống gian lận xuất xứ hàng xuất khẩu (tháng 12/2019). Ảnh: T.Bình.

Xứng tầm trụ cột quản lý hải quan hiện đại

Nhằm chấn chỉnh và tăng cường công tác KTSTQ trong toàn quốc, ngày 19/11/2019, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ban hành Chỉ thị 7180/CT-TCHQ. Mục tiêu tổng quát là đưa công tác KTSTQ trở thành một trụ cột của quản lý hải quan hiện đại, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật.

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020 của Tổng cục Hải quan vừa qua, Cục trưởng Cục KTSTQ (Tổng cục Hải quan) Nguyễn Tiến Lộc cho biết: Để hiện thực hóa được mục tiêu nêu trên, sẽ có mục tiêu cụ thể đặt ra cho Cục và các đơn vị liên quan trong toàn Ngành.

Thứ nhất, nâng cao hiệu quả công tác KTSTQ, tập trung thực hiện các chuyên đề trọng tâm, trọng điểm. Từ đó, hướng dẫn triển khai thực hiện trong toàn lực lượng KTSTQ nhằm phát hiện, xử lý thống nhất các sai phạm của doanh nghiệp trong phạm vi cả nước.

Thứ hai, đẩy mạnh cải cách trong các hoạt động nghiệp vụ KTSTQ, tập trung cải cách trong các lĩnh vực: Công tác nghiên cứu các quy định pháp luật và hoạt động XNK của doanh nghiệp; công tác nâng cấp và ứng dụng công nghệ trong việc thu thập thông tin, đánh giá doanh nghiệp; công tác xử lý, phân tích, sàng lọc thông tin trước kiểm tra; công tác xử lý kết quả KTSTQ; công tác KTSTQ tại các Cục Hải quan không có tổ chức Chi cục KTSTQ, công tác KTSTQ để đánh giá tuân thủ tại trụ sở người khai hải quan…

Thứ ba, nâng cao chất lượng công tác giải trình, đối thoại, giải quyết khiếu nại nhằm hạn chế phiền hà doanh nghiệp, không để phát sinh nợ thuế, tránh khiếu nại, khiếu kiện.

Thứ tư, tránh chồng chéo trong thanh tra, kiểm tra chuyên ngành theo tinh thần Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ gắn với thực hiện nhiệm vụ KTSTQ theo quy định của Luật Hải quan.

Thứ năm, rà soát, đánh giá về tổ chức bộ máy, hiệu quả hoạt động của lực lượng KTSTQ để tham mưu đề xuất tiếp tục tinh giản theo tinh thần Nghị Quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII và chỉ đạo của Bộ Tài chính; tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm, khen thưởng đối với công chức hải quan trong thực thi công vụ.

Thứ sáu, nâng cao chất lượng, xác định rõ trách nhiệm của Cục KTSTQ và các vụ, cục nghiệp vụ thuộc cơ quan Tổng cục Hải quan trong công tác phối hợp, trao đổi thông tin, trao đổi nghiệp vụ, trả lời vướng mắc để phục vụ công tác kiểm tra sau thông quan, xử lý kết quả KTSTQ.

Tăng cường công tác kiểm tra

Theo lãnh đạo Cục KTSTQ, ý thức được tầm quan trọng của Chỉ thị, Cục đã khẩn trương, tập trung triển khai các hoạt động để đưa các nội dung đi sâu vào thực tiễn công tác KTSTQ trong toàn quốc.

Cụ thể, sau khi Chỉ thị được ban hành, Cục KTSTQ đã tổ chức Hội nghị toàn thể lãnh đạo, công chức để quán triệt tinh thần, nội dung của Chỉ thị.

Ngoài ra, ngay sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 Tổng cục Hải quan sẽ tổ chức Hội nghị quán triệt Chỉ thị cho các hải quan địa phương, kết hợp trao đổi nghiệp vụ, xử lý những khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực KTSTQ.

Bên cạnh đó, Cục KTSTQ cũng chú trọng công tác chỉ đạo, hướng dẫn, làm rõ các nội dung trong Chỉ thị.

Để thực hiện các mục tiêu cụ thể đặt ra trong Chỉ thị, Cục KTSTQ đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng thư viện pháp luật về KTSTQ, rà soát và chuẩn hóa các mẫu biểu quy định trong công tác KTSTQ để hướng dẫn, thống nhất thực hiện trong toàn quốc.

Xây dựng, nâng cấp hệ thống STQ01 để đáp ứng yêu cầu cập nhật, khai thác, đánh giá, sàng lọc thông tin về tình hình doanh nghiệp; công tác phân tích, đánh giá và cảnh báo rủi ro; công tác xây dựng kế hoạch KTSTQ; công tác tổng hợp số liệu, cải cách hoạt động báo cáo của lực lượng KTSTQ; công tác theo dõi, kiểm tra kết quả triển khai nhiệm vụ của Cục KTSTQ và các Cục Hải quan tỉnh, thành phố…

Đồng thời, xây dựng bản đồ doanh nghiệp trên toàn quốc theo từng loại hình, trên từng địa bàn, thu thập thông tin về tình hình XNK của doanh nghiệp để phục vụ công tác KTSTQ…

Ngoài việc tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, hướng dẫn thực hiện Chỉ thị, Công tác kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị, Cục KTSTQ sẽ xây dựng, trình lãnh đạo Tổng cục Hải quan ban hành kế hoạch kiểm tra việc thực hiện và kiểm tra hướng dẫn về công tác KTSTQ đối với các cục hải quan địa phương.

Lãnh đạo Cục KTSTQ cho rằng, tuy Chỉ thị mới ban hành được hơn 1 tháng nhưng đơn vị đã triển khai quyết liệt các giải pháp để đưa Chỉ thị vào hoạt động cụ thể, thực tế trong công tác KTSTQ.

Với những mục tiêu và giải pháp như trên, Chỉ thị 7180/CT-TCHQ được kỳ vọng sẽ mang lại sự chuyển biến mạnh mẽ đối với lực lượng KTSTQ trong toàn quốc, khẳng định vai trò quan trọng của KTSTQ đối với hoạt động nghiệp vụ của toàn Ngành.

Năm 2019, Cục KTSTQ đã thực hiện 295 cuộc kiểm tra tại trụ sở người khai hải quan, đạt 197% so với chỉ tiêu năm 2019, gấp 1,7 lần số cuộc cùng kỳ năm 2018. Tổng số tiền ấn định và xử phạt vi phạm hành chính là 818,36 tỷ đồng, bằng 81% cùng kỳ năm 2018, đã thực thu (bao gồm cả thu nợ năm trước) số tiền 820,57 tỷ đồng, bằng 85% cùng kỳ năm 2018.

Đáng chú ý, chỉ riêng tháng 12/2019, Cục KTSTQ đã thực hiện KTSTQ 52 cuộc tại trụ sở người khai hải quan, ấn định số tiền 411,1 tỷ đồng, thực thu vào NSNN số tiền 414,51 tỷ đồng.

NGUỒN: BÁO HẢI QUAN

 

0913575247 Mr Đức ducnvtk4@gmail.com