Sự khác biệt của mã số HS trên C/O form D và tờ khai

Câu hỏi: 

Công ty nhập hai mặt hàng là Lẫu Thái và Lẫu Tomyumm Thái về Việt Nam, mã HS trên C/O form D của nước xuất khẩu khai báo là 2103.9040 ( theo cấu tạo thành phần)nhưng trên tờ khai chúng tôi lại khai là 21009040. Cơ quan Hải quan yêu cầu chúng tôi khai mã số 21041099 theo đúng tên gọi và công ty ko chấp nhận, chúng tôi vẩn khai 21039040 và sau đó cơ quan hải quan yêu cầu chúng tôi đem phân tích phân loại,, kết quả phân tích phân loại mã số HS đúng là : 21041099 , chúng tôi đã sữa tờ khai theo mã HS như kết quả phân loại , 1. vậy C/O form D của chúng tôi khi nộp tờ khai có mã số HS21039040 có còn phù hợp khi chúng tôi sửa tờ khai không ?nếu không phù hợp chúng tôi có thể yêu cầu nước xuất khẩu điều chỉnh lại C/O theo mã số 21049040 và có được khai bổ sung nợ CO trong vòng 30 ngày trong khi chờ nước xuất khẩu điều chỉnh lại 2. Trên CO form D có thể thể hiện cả hai mã số HS 21039040 và HS 21041099 không.

Ngày gửi: 15/10/2016 – Trả lời: 21/10/2016

Tên doanh nghiệp: Công Ty TNHH Royal Foods

Địa chỉ: Lô 19-20 KCN Mỹ Tho, Xã Trung An, Tp. Mỹ Tho, Tiền Giang , Việt Nam – Email : nguyenlerf@gmail.com

Vướng mắc nêu trên, Cục Hải quan Đồng Nai có ý kiến trao đổi như sau:

-Căn cứ Biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi ban hành kèm theo Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 01/09/2016 của Chính phủ;

-Căn cứ Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN giai đoạn 2016 – 2018 ban hành kèm theo Nghị định số 129/2016/NĐ-CP ngày 01/09/2016 của Chính phủ:

Mã HS số 2103.90.40 mô tả hàng hóa thuộc nhóm 2103 “Nước xốt và các chế phẩm làm nước xốt; đồ gia vị hỗn hợp và bột canh hỗn hợp; bột mịn và bột thô từ hạt mù tạt và mù tạt đã chế biến”, phân nhóm 2103.90 “- Loại khác”, mã hàng hóa 2103.90.40 “- – Gia vị hỗn hợp khác và bột canh hỗn hợp, kể cả gia vị được chế biến từ tôm lên men (blachan)”

Mã HS số 2104.10.99 mô tả hàng hóa thuộc nhóm 2104 “Súp và nước xuýt và chế phẩm để làm súp và nước xuýt; chế phẩm thực phẩm đồng nhất”, phân nhóm 2104.10 “- Súp và nước xuýt và chế phẩm để làm súp và nước xuýt”, mã hàng hóa 2104.10.99 “- – Loại khác; – – – Loại khác”.

1.Câu hỏi 1:

Căn cứ Điểm c, Khoản 2, Điều 26 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015 của Bộ Tài chính quy định:

Điều 26. Kiểm tra, xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu

2. Đối với hàng hóa nhập khẩu

c) Cơ quan hải quan chấp nhận chứng từ chứng nhận xuất xứ trong trường hợp có khác biệt nhỏ, không ảnh hưởng đến tính hợp lệ của chứng từ chứng nhận xuất xứ và bản chất xuất xứ của hàng hóa nhập khẩu, bao gồm:

c.1) Lỗi chính tả hoặc đánh máy;

c.2) Khác biệt trong cách đánh dấu tại các ô trên C/O: đánh dấu bằng máy hoặc bằng tay, đánh dấu bằng “x” hay “√”, nhầm lẫn trong việc đánh dấu;

c.3) Khác biệt nhỏ giữa chữ ký trên C/O và chữ ký mẫu;

c.4) Khác biệt về đơn vị đo lường trên C/O và các chứng từ khác (hóa đơn, vận tải đơn,…);

c.5) Sự khác biệt giữa khổ giấy của C/O nộp cho cơ quan hải quan với mẫu C/O theo quy định;

c.6) Sự khác biệt về màu mực (đen hoặc xanh) của các nội dung khai báo trên C/O;

c.7) Sự khác biệt nhỏ trong mô tả hàng hóa trên chứng từ chứng nhận xuất xứ và chứng từ khác;

c.8) Sự khác biệt mã số trên C/O với mã số trên tờ khai hàng hóa nhập khẩu nhưng không làm thay đổi bản chất xuất xứ hàng hóa.

Theo quy định trên, Cơ quan hải quan chấp nhận chứng từ chứng nhận xuất xứ trong trường hợp có khác biệt nhỏ, không ảnh hưởng đến tính hợp lệ của chứng từ chứng nhận xuất xứ và bản chất xuất xứ của hàng hóa nhập khẩu, trong đó có sự khác biệt mã số trên C/O với mã số trên tờ khai hàng hóa nhập khẩu.

Căn cứ Khoản 2 Điều 16 Phụ lục VII – Cấp và kiểm tra C/O ban hành kèm theo Thông tư 21/2010/TT-BCT ngày 17/05/2010 của Bộ Công Thương quy định:

Điều 16. Xử lý các khác biệt nhỏ

2. Trong trường hợp có sự khác biệt về phân loại mã số HS đối với hàng hóa hưởng ưu đãi thuế quan giữa Nước thành viên xuất khẩu và Nước thành viên nhập khẩu, hàng hóa nhập khẩu được thông quan phải chịu mức thuế suất nhập khẩu ưu đãi (MFN) hoặc mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt cao hơn, và phải áp dụng Quy tắc xuất xứ phù hợp và Người nhập khẩu không bị phạt hoặc không phải chịu thêm một khoản phí nào khác theo quy định của pháp luật Nước thành viên nhập khẩu. Sau khi làm rõ sự khác biệt về phân loại mã số hàng hóa, mức thuế ưu đãi đúng sẽ được áp dụng và phần thuế đóng vượt quá mức, nếu có, sẽ được hoàn lại theo quy định của pháp luật Nước thành viên nhập khẩu ngay khi các vấn đề này được giải quyết”.

Theo những quy định nêu trên, đề nghị doanh nghiệp liên hệ Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai để được giải quyết vướng mắc trường hợp có sự khác biệt về phân loại mã số HS.

-Theo hướng dẫn tại điểm 2 công văn số 13959/BTC-TCHQ ngày 04/10/2016 của Bộ Tài chính:

2. Trường hợp chưa có bản chính C/O tại thời điểm làm thủ tục hải quan, người khai hải quan phải khai báo việc nộp bổ sung C/O trên tờ khai hải  quan và nộp C/O trong vòng 30 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan. Trong thời gian chưa nộp C/O, người khai hải quan khai báo theo mức thuế suất MFN”.

-Theo hướng dẫn tại điểm 2.1 công văn số 12802/BTC-TCHQ ngày 14/09/2016 của Bộ Tài chính:

“2.1. Thời điểm nộp C/O đối với các mẫu C/O, trừ C/O mẫu VK (KV):

a) Đối với tờ khai hải quan giấy, người khai hải quan phải nộp bản chính C/O tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan.

b) Đối vói tờ khai hải quan điện tử, người khai hải quan phải nộp bản chính C/O tại thời điểm nộp hồ sơ hải quan.

c) Ngoài thời hạn nêu trên, cơ quan hải quan chỉ xem xét đề nghị nộp bổ sung C/O trong các trường hợp:

c.1) Trường hợp tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan, với mã số HS khai báo, thuế suất MFN thấp hơn hoặc bằng với thuế suất ưu đãi đặc biệt, doanh nghiệp khai thuế suất MFN khi làm thủ tục hải quan, không áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt. Sau khi hàng hóa đã thông quan, cơ quan hải quan kiểm tra sau thông quan xác định lại mã số HS hoặc doanh nghiệp khai bổ sung mã HS, theo mã HS mới thì thuế suất MFN cao hơn so với thuế suất ưu đãi đặc biệt, doanh nghiệp đề nghị được nộp bổ sung C/O.

c.2) Trường hợp tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan, hàng hóa thuộc đối tượng theo diện ưu đãi đầu tư được miễn thụế nhập khẩu. Sau khi hàng hóa đã thông quan, cơ quan hải quan kiểm tra sau thông quan (hoặc doanh nghiệp tự phát hiện) xác định hàng hóa không thuộc diện ưu đãi đầu tư, doanh nghiệp đề nghị được nộp bổ sung C/O”.

Theo các hướng dẫn trên, không có trường hợp doanh nghiệp nợ C/O để chờ nước xuất khẩu điều chỉnh lại mã HS.

2.Câu hỏi 2:

-Theo hướng dẫn tại Phụ lục 8 – Hướng dẫn kê khai C/O ban hành kèm theo Thông tư 21/2010/TT-BCT ngày 17/05/2010 của Bộ Công Thương, mỗi mặt hàng khai báo sẽ chỉ có một mô tả hàng hóa riêng của nó thể hiện trên C/O. Mô tả hàng hóa này bao gồm số lượng và mã HS của nước nhập khẩu được thể hiện ở ô số 8 của C/O.

Đề nghị công ty tham khảo nội dung quy định trên để thực hiện. Trường hợp phát sinh vướng mắc, đề nghị công ty liên hệ trực tiếp Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai để được hướng dẫn cụ thể.

NGUỒN: HẢI QUAN ĐỒNG NAI

0913575247 Mr Đức ducnvtk4@gmail.com